Cây chuối 'giả', lời giải cho bài toán lương thực của hàng trăm triệu người trong tương lai
Chỉ cần 15 cây chuối giả có thể đáp ứng lượng lương thực cho một người trong một năm.
Biến đổi khí hậu, Covid-19 đã làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực cho hàng triệu người, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng trong 30 năm tới, nguồn cung cấp lương thực và an ninh lương thực sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không được giải quyết. Các hiện tượng cực đoan ngày càng gia tăng như hạn hán kéo dài, sóng nhiệt, lũ quét và côn trùng phá hoại càng làm các loại cây trồng dễ bị tổn thương.
Chẳng hạn, sản lượng ngô và lúa mì toàn cầu được dự báo sẽ giảm đáng kể do tác động của biến đổi khí khẩu, chủ yếu là phát thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Ở châu Phi và Trung Mỹ, gần 950 triệu tấn ngô được tiêu thụ hàng năm. Ngô đóng vai trò trung tâm trong khẩu phần ăn hàng ngày. Lúa mì hiện cung cấp hơn 20% lượng calo và protein trên thế giới. Các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt và nông nghiệp ngày càng tập trung vào các loại cây trồng ít được biết đến nhưng cứng cáp, đa năng, có thể đáp ứng việc dân số toàn cầu ngày một gia tăng trong khi Trái Đất nóng lên nhanh chóng.
Cây bìm bịp, còn gọi là "chuối giả" hoặc chuối Ethiopia, là một loại cây lâu năm, cao hàng chục mét, được trồng ở vùng Tây Nam cao nguyên Ethiopia. Nó đang là lương thực chính cho 20 triệu người.
Tên là chuối nhưng nó thực tế nó không phải một loại cây ăn quả mà chính thân và rễ giàu tinh bột của nó mới là thứ "đáng tiền". Tinh bột này khi lên men và làm thành bột để tạo ra các món ăn như cháo và kocho – một loại bánh mì dẹt có vị thơm ngon thường được đưa vào bữa sáng.
Loài cây này không được trồng ở ngoài Ethiopia mặc dù người ta phát hiện ra nó mọc hoang ở các thung lũng và hẻm núi ở Nam Phi. Tuy nhiên, bột của các cây dại này có vị đắng và không ngon. Tuy nhiên, việc cây dại xuất hiện ở những vùng như Nam Phi cho thấy "chuối giả" có thể được trồng trên một khu vực rộng lớn hơn nhiều.
"Chuối giả" đóng vai trò là nguồn thực phẩm vô cùng hiệu quả khi chỉ cần khoảng 15 là đủ cho một người ăn trong 1 năm. Cộng đồng người Ethiopia gọi nó là "cây chống đói" vì nó là loại cây duy nhất họ có thể trồng nếu các loại lương thực khác thất bát.
Loại cây này có thể nuôi sống hơn 100 triệu người trong tương lai, ngay cả khi các tác động của biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn, theo nghiên cứu của tiến sĩ James S.Borrel và Olef Koch tại Royal Botanic Gardens Kew, công bố trên tạp chí Environmental Research vào tháng trước.
"Mặc dù đây là một thử thách lớn nhưng với sự khéo léo của con người, không thứ gì có thể làm khó được họ", các nhà khoa học chỉ ra những ví dụ về khoai tây và cà chua, những loại cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ nhưng hiện đã được trồng rộng rãi trên khắp thế giới.
Bìm bịp là loại cây được biết đến với khả năng chịu hạn, chịu được bệnh tật. Vì nó phát triển quanh năm nên có thể dễ dàng bảo quản. Nghiên cứu lưu ý rằng khí hậu khắc nghiệt có thể làm giảm 37-52% tiềm năng phát triển giống cây này vào năm 2070 nhưng những khu vực rộng lớn ở Kenya, Uganda, đặc biệt là xung quanh hồ Victoria và dãy Drakensberg ở Nam Phi là đặc biệt thích hợp.
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)