Cây đào đá ở miền Tây Xứ Nghệ
Xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nằm dưới chân núi Pu Xai Lai Leng, nơi sinh sống của bà con người dân tộc Mông.
Đây cũng được xem là một trong những thủ phủ của đào đá, đào rừng miền Tây xứ Nghệ. Những ngày cuối năm, dọc theo con đường độc đạo từ ngã ba Khe Kiền chạy qua xã Nậm Càn đến Na Ngoi, thấy đâu đâu cũng tràn ngập sắc màu rực rỡ của hoa đào.
Từ nhiều đời nay, cây đào đá được người Mông giữ gìn, nhân giống như một phần không thể thiếu trong đời sống. Đào được trồng quanh nhà, trên rẫy, mang theo trong những lần di canh, di cư. Không chỉ là một nét văn hóa, làm đẹp bản làng, cây đào đá của người Mông giờ còn mang lại giá trị kinh tế, góp phần đem đến cái Tết no đủ ở vùng rẻo cao xứ Nghệ. Đào từ trên núi xuống, khách từ dưới xuôi lên, khiến cho vùng rẻo cao biên giới này trở nên nhộn nhịp, náo nức không khí Tết.
Bà con ở Na Ngoi kể rằng: Cây đào có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của người Mông. Xưa kia, trong những lần di canh, di cư, phát nương làm rẫy mới, dân bản đều đem theo cây đào giống để trồng. Mỗi khi đào rụng hết lá, bắt đầu cho nụ ra hoa cũng là năm cũ hết, người Mông tổ chức Tết và đi thăm nhau. Chuyến đi chơi Xuân kéo dài đến hàng tháng. Cứ tìm theo những cây đào rừng ra hoa, là đến được nhà người quen, họ hàng xa gần. Sau này, khi người Mông bỏ tập quán sinh hoạt du mục, định canh định cư, thì họ vẫn dựng bản làng ở nơi núi cao và trồng đào quanh nhà, trên rẫy.
Bây giờ, người Mông ở Na Ngoi đều đã có điện thoại, biết quay phim, chụp ảnh và còn vào được mạng Internet. Người dân ở đây bảo, phải quay phim, chụp ảnh giới thiệu cho nhiều người biết đào của người Mông. Họ bảo, với giống đào đá này, người dân Na Ngoi năm nào cũng trồng, phải trồng liên tục thì mới giữ được cây đào, mới có mà chặt bán. “Đào của người Mông ta đẹp lắm, rất nhiều nụ. Ra hoa đỏ thắm. Người Mông ta trồng đào từ đời ông, đời cha, đến con cháu cứ tiếp tục như thế”- một người già tại đây chia sẻ.
Bà con người Mông ở Na Ngoi chia đào ra thành 2 loại gồm giống đào đá cổ của người Mông từ xưa và giống đào “dự án” - tức là những loại đào từ nơi khác lai ghép và đem về trồng thử nghiệm. “Đào “dự án” cho hoa sớm, chỉ trồng vài năm là có hoa rồi, nhưng thường nở sớm trước Tết. Còn đào đá thì phải trồng lâu năm mới chặt bán được. Dân bản mình thích cây đào cổ của người Mông hơn và luôn giữ gìn nó”- anh Lầu Bá Hạ, bản Ka Trên, xã Na Ngoi nói.
Vườn đào nhà anh Lầu Bá Hạ có khoảng hơn 50 gốc, nhưng anh cho biết đây chỉ là một phần, còn ở trên rẫy có nhiều hơn. Ra Tết, anh cũng sẽ trồng mới khoảng 50 cây nữa: “Rẫy người Mông ở đâu thì cây đào ở đấy. Bây giờ, trồng đào còn bán kiếm thu nhập nên mình phải để chăm sóc. Vun gốc, chặt bớt những cây dại mọc xung quanh cho gốc đào thoáng, phát triển tốt. Làm như thế mới giữ được cây đào Mông ta”.
Những người yêu cây đào đá, yêu văn hóa Mông cũng tìm đến nơi đây để hưởng chút không khí Xuân của vùng đất này. Nét văn hóa của người Mông không chỉ ở trên rẫy, mà được sẻ chia khắp mọi nơi và cũng góp phần làm cho cái Tết của chính dân bản nơi đây đủ đầy, ấm áp hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cay-dao-da-o-mien-tay-xu-nghe-556169.html