Cây di sản - mộc linh chốn rừng già
Lê Na
BPO - Cây di sản là tên gọi của những cây xanh có tuổi đời ít nhất 100 năm trở lên. Để công nhận cây di sản, đội ngũ các nhà khoa học đã băng rừng, lội suối, tìm đến các “cụ cây” để xác định giống loài, tuổi đời và gắn định vị phục vụ công tác chăm sóc, bảo tồn các cây di sản. Bình Phước hiện có 2 khu rừng có nhiều cây cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam, đó là Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập với 39 cây và rừng Mã Đà thuộc Tiểu khu 379, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú với 135 cây.
HÀNH TRÌNH TÍNH TUỔI CÂY DI SẢN
Một ngày giữa mùa mưa năm 2023, chúng tôi theo chân đoàn khảo sát do Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam làm trưởng đoàn, bắt đầu hành trình xuyên rừng Mã Đà, khoan lấy mẫu nghiên cứu, xác định vị trí gắn định vị cho các cây di sản Việt Nam trong rừng. Ban đầu, đoàn được các thành viên trong tổ bảo vệ rừng Mã Đà “tăng bo” bằng xe gắn máy. Sau hơn 1 giờ men theo đường mòn tuần tra, đoàn dừng lại, “cắt rừng” đi bộ vào vị trí cây di sản. Càng đi sâu vào rừng, đạp chân trên tầng lá mục, không khí càng tươi mát, trong lành. Tiến sĩ Trần Văn Miều đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn thoăn thoắt bước chân, mạnh mẽ băng rừng, đến từng cây di sản để đánh giá, tính tuổi. “Dường như đi rừng, các “cụ cây” cho mình thêm sức khỏe, chân thêm dẻo dai, đi bộ mấy giờ liên tục vẫn không thấy mệt” - ông Miều chia sẻ.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn chính là cây kơnia cổ thụ cao 45m, thân thẳng tắp, chu vi thân khoảng 9,8m. Tiến sĩ Miều ngồi lên một cội rễ để nghỉ chân, vui vẻ cho hay, rừng Mã Đà có quần thể cây kơnia, là loài cây đặc trưng thường gặp tại các cánh rừng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Loài cây này có sức sống bền bỉ, mãnh liệt. Không có cây nào như cây kơnia, 4 mùa không thay lá, đã trở thành huyền thoại trong thơ ca Việt Nam. Trong rừng Mã Đà có 135 cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam thì đến 117 cây kơnia.
Tiếp cận cây di sản, các thành viên trong đoàn tiến hành đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của cây, chụp ảnh, cẩn thận khoan lấy mẫu; định vị vị trí cây trên bản đồ bằng GPS. Sau đó, đoàn tiếp tục di chuyển sang vị trí cây thứ hai. Trong 1 ngày, vừa “tăng bo” bằng xe máy vừa đi bộ băng rừng, đoàn chỉ khảo sát được 7 cây di sản. Anh Phan Thanh Hà, tổ bảo vệ rừng Mã Đà cho biết: “Trong rừng Mã Đà, ngoài những cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều cây cổ thụ khác, ước chừng hàng trăm năm tuổi trở lên. Có những thân cây phải chục người lớn nắm tay nhau vòng quanh gốc mới ôm xuể. Mùa này trời mưa, đường trơn trượt, khó đi rừng lắm. Cây cổ thụ vốn không mọc gần nhau nên để khảo sát hết các cây cổ thụ trong diện tích 512 ha rừng Mã Đà phải mất rất nhiều thời gian”.
Những tiêu chí để công nhận cây di sản gồm: đối với cây tự nhiên, cây sống trên 200 năm, cây to, hùng vĩ, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử; đối với cây trồng, cây sống trên 100 năm, cây to, hùng vĩ, có giá trị về đa dạng sinh học và môi trường, văn hóa, lịch sử; những loại cây khác gần đạt tiêu chí của cây tự nhiên và cây trồng, nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học, đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, mỹ quan.
Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã có nhiều chuyến công tác tại rừng Mã Đà, tiến hành khảo sát nhiều đợt khác nhau với thời gian kéo dài. Chúng tôi vừa đánh giá thực trạng của cây vừa lấy tư liệu, nghiên cứu môi trường sống, đặc tính sinh trưởng của từng loài cây. Qua đó, công nhận cây di sản, hỗ trợ đơn vị khoanh nuôi, bảo vệ rừng và có biện pháp tốt nhất để bảo vệ cây di sản. Đồng thời nhằm bảo tồn tại chỗ đa dạng loài cây và gen thực vật, góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững”.
BẢO VỆ RỪNG - GÌN GIỮ CÂY DI SẢN
Rừng Mã Đà thuộc Tiểu khu 379, nằm trên địa phận xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Khu rừng này rộng khoảng 512 ha, hiện có 135 cây cổ thụ có tuổi đời từ 150 năm trở lên đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Những cây di sản này thuộc 15 loài như: Kơnia, chò, kháo, bằng lăng, tung, gõ mật, mít rừng... Mặc dù các cây đã nhiều tuổi nhưng vẫn xanh tốt, mang sức sống trường tồn, trở thành “mộc linh” quý trong rừng. Để bảo vệ cây di sản, công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng được Công ty cổ phần sản xuất, thương mại, dịch vụ B58 (Công ty B58) đặt lên hàng đầu.
Anh Đỗ Lâm Sinh, Phó Giám đốc Công ty B58 cho biết: Để được công nhận là cây di sản Việt Nam đã khó, việc chăm sóc, bảo tồn cũng gặp không ít khó khăn. Do tuổi thọ cao, các cây di sản dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai. Hằng ngày, đội ngũ bảo vệ rừng của công ty chúng tôi thường ghé thăm các cây di sản, theo dõi sự phát triển của cây để có sự can thiệp kịp thời khi cây bị sâu bệnh hoặc gãy cành, nhánh do dông, gió. Chúng tôi luôn tâm niệm: Bảo vệ rừng khỏi sự xâm lấn, phá hoại của kẻ xấu, chăm sóc cây di sản chính là một trong những cách để bảo vệ cây di sản Việt Nam trong rừng Mã Đà. Cụ thể, công ty đã thành lập 5 chốt bảo vệ rừng, các chốt trưởng đều là cựu chiến binh, con em cựu chiến binh và cán bộ hưu trí. Trong đó, 20 người trông coi bảo vệ rừng 24/24 giờ, ngoài ra, còn có một đội cơ động gồm 15 người luôn sẵn sàng khi có tình huống đột xuất. Ngoài ra, chúng tôi tập trung tuyên truyền các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho cán bộ, nhân viên và người dân. Hướng dẫn người dân xung quanh khu vực rừng thực hiện kế hoạch, phương án bảo vệ và phát triển rừng.
Rừng Mã Đà đã bảo tồn được nhiều loại cây gỗ quý thuộc nhóm nằm trong Sách đỏ như lim, gụ, gõ đỏ, trắc, cẩm lai... Hệ thực vật trong rừng phong phú, trữ lượng gỗ ước đạt gần 300m3/ha. Cây di sản trong rừng Mã Đà có ý nghĩa lịch sử quan trọng, bởi khu rừng này từng là trụ sở của Bộ Tư lệnh miền Đông - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nhiều lãnh đạo lão thành hoạt động cách mạng. Nơi đây vẫn còn giữ được dấu tích của hầm, hào, nhà ở, nhà làm việc, bệnh xá... còn lại từ thời kháng chiến gian khổ năm xưa.
Tiến sĩ TRẦN VĂN MIỀU, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam
Có thể nói, việc công nhận, chăm sóc, bảo tồn cây di sản giúp lưu giữ nguồn gen quý của cây, lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng. Cây di sản gắn với các di tích lịch sử, nếu bảo tồn và phát huy tốt sẽ trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh độc đáo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, tạo động lực bảo vệ môi trường sinh thái.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/149347/cay-di-san-moc-linh-chon-rung-gia