'Cây đũa thần' thúc đẩy hạ tầng giao thông phát triển

Nghị quyết số 98/2023/QH15 (gọi tắt là Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đang được ví là 'cây đũa thần' để khơi thông những bế tắc, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông ở TP Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 98, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu UBND thành phố, ban, ngành, địa phương liên quan cần tập trung cao độ, quyết liệt để tận dụng tối đa những thuận lợi của Nghị quyết 98, sớm khởi công những công trình, dự án lớn, đáp ứng được sự phát triển của đô thị, tương xứng với một thành phố lớn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Rộng cửa thu hút nguồn vốn cho dự án giao thông

Hạ tầng giao thông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đầu tàu của cả nước như TP Hồ Chí Minh. Trong nhiều năm qua, do bị bó hẹp về thẩm quyền, cơ chế, chính sách, nguồn vốn thiếu hụt khiến nhiều dự án bị đình trệ, kéo dài, vướng mắc về thủ tục...

Việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông gặp khó khăn do có nhiều rào cản, đặc biệt là những dự án hạ tầng quy mô lớn bị thiếu cơ chế cân đối, đối ứng dòng tiền, nguồn vốn giữa các đối tác liên danh, vướng mắc thủ tục phải được nhiều bộ, ngành tham gia giải quyết... Các hình thức hợp tác, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước như: Đối tác công tư (PPP), đổi đất lấy hạ tầng (BT), xây dựng-chuyển giao (BOT) khó tạo sức hút đối với các nhà đầu tư.

Nghị quyết 98 tạo nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi giúp TP Hồ Chí Minh phát triển các dự án giao thông đường thủy, đường bộ. Ảnh: Đức Minh

Nghị quyết 98 tạo nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi giúp TP Hồ Chí Minh phát triển các dự án giao thông đường thủy, đường bộ. Ảnh: Đức Minh

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách thành phố còn hạn chế, chỉ bố trí khoảng 75.760 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28,5% nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Từ nay đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 960.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông.

Trong giai đoạn 2021-2023, các hình thức đầu tư hợp đồng BT, BOT... chưa huy động được các nguồn lực xã hội, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhu cầu vốn lớn, song ngân sách của thành phố khó để đáp ứng đủ mà cần kết hợp đầu tư công và phát huy nguồn vốn xã hội qua hình thức PPP, vấn đề này đã được Nghị quyết 98 mở ra nhiều cơ chế thuận lợi.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết 98 tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực lớn cho những dự án giao thông gắn với các hình thức hợp đồng BT, BOT, PPP. Thành phố được triển khai các dự án BT trên một số tuyến đường bộ hiện hữu, nhà đầu tư tham gia được thanh toán bằng tiền (ngân sách trả chậm), khác với hình thức phải quy đổi thanh toán bằng đất gặp nhiều thủ tục thẩm định, quy đổi rất phức tạp.

Bằng hình thức này, các dự án lớn sắp tới sẽ được khơi thông nguồn vốn, cụ thể như: Đường Nguyễn Hữu Thọ mở rộng, Quốc lộ 13, cầu đường Bình Tiên, dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao đài liệt sĩ có tổng mức đầu tư dự kiến 3.196 tỷ đồng, dự án nút giao thông ngã tư Bốn Xã (tổng mức đầu tư dự kiến 1.727 tỷ đồng)... Chỉ tính riêng các dự án trên, thành phố dự kiến sẽ thu hút được khoảng 15.000 tỷ đồng, giảm tải rất nhiều cho đầu tư công, ngân sách nhà nước.

Phát huy tối đa cơ hội, điều kiện, tạo đột phá về hạ tầng

Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong cơ chế, chính sách mới, mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông được kỳ vọng giúp TP Hồ Chí Minh tận dụng được không gian dọc các tuyến metro, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Cơ chế này cho phép thành phố sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đặc biệt, Nghị quyết 98 cho phép thành phố mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức công tư (PPP) đối với các dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, đơn vị này đã chủ động bám sát kế hoạch của UBND thành phố, tập trung xây dựng kế hoạch triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến hạ tầng giao thông. Nhất là nghiên cứu tổ chức thực hiện đối với việc áp dụng hợp đồng BOT trên đường bộ hiện hữu, xây dựng bộ quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính và danh sách các dự án áp dụng hợp đồng BOT đối với đầu tư, xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu...

Nghị quyết 98 cũng tạo cơ chế để TP Hồ Chí Minh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ đến cơ sở ở cấp quận, huyện và TP Thủ Đức trong xây dựng hạ tầng giao thông. Cụ thể, cấp quận, huyện và TP Thủ Đức được triển khai các dự án giao thông thuộc nhóm B, nhóm C nên tạo nhiều thuận lợi về thủ tục.

Đồng chí Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức chia sẻ, để triển khai tốt các dự án giao thông được phân cấp theo Nghị quyết 98, thành phố phải bảo đảm được năng lực quản lý, điều hành, triển khai các dự án giao thông theo phân cấp, yêu cầu mới.

UBND TP Thủ Đức đang tập trung xây dựng kế hoạch tổng thể để tổ chức điều hành, xây dựng đề án cơ cấu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới; nghiên cứu và đề xuất các phương án thí điểm mô hình TOD; lập các danh mục cần triển khai thí điểm theo phương thức đối tác công tư (PPP); xây dựng quy trình thực hiện các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn TP Thủ Đức...

Bài và ảnh: BẢO MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cay-dua-than-thuc-day-ha-tang-giao-thong-phat-trien-735764