Cây dược liệu phát triển tốt ở nơi khó trồng cây nông nghiệp
Thay vì cố trồng các loại ngô, khoai, sắn ở nơi thổ nhưỡng và khí hậu không phù hợp, việc trồng cây dược liệu sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế hơn.
Những năm gần đây, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) vận động người dân đưa cây đương quy vào trồng. Để bảo đảm đúng yêu cầu kĩ thuật, từ khâu làm đất, tạo luống và phủ nylon đều được cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con theo phương châm “cầm tay chỉ việc”.
Nhiều hộ gia đình sau khi được phổ biến về cây dược liệu đã chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô, lúa của gia đình sang trồng cây đương quy. Trên thực tế, so với các cây trồng truyền thống như ngô lúa, thì cây đương quy đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn nhưng nâng cao thu nhập.
Ngoài cây đương quy, cũng đã có hộ gia đình đầu tư trồng trên cả ha cây tam thất. Với khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, tam thất sinh trưởng, phát triển tốt và cho nhiều củ. Ngay vụ đầu tiên đã cho thu nhập gần hàng tỷ đồng.
Theo thống kê, hiện nay toàn huyện Si Ma Cai có trên 130ha trồng cây dược liệu bao gồm, cây đương quy, tam thất, sả Java, nghệ đỏ... ; tập trung tại 6 xã Si Ma Cai, Lùng Thẩn, Quan Hồ Thẩn, Sán Chải và Cán Cấu, với hơn 200 hộ dân tham gia trồng. Bên cạnh việc huy động nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho người nông dân, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã có nhiều ưu đãi đối với các cá nhân, doanh nghiệp tham gia trồng dược liệu; thực hiện làm cầu nối liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến dược phẩm trong và ngoài tỉnh.
Hiện huyện Si Ma Cai đã tham vấn về chuyên môn từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đó ban hành các quy trình kỹ thuật đối với từng loại cây, và tổ chức tập huấn cho người dân thực hiện chăm sóc theo từng thời điểm trong năm.
Qua đánh giá thực tế, đối với các hộ dân đã trồng trước đó, và giá thành đối với sản phẩm cây dược liệu hiện nay, thì giá trị kinh tế của cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa.
Có thể nói, phát triển cây dược liệu đang mở ra hướng mới cho bà con nông dân trên địa bàn huyện vùng cao Si Ma Cai. Với mục tiêu đưa cây dược liệu trở thành cây trồng chính, huyện Si Ma Cai đang đẩy nhanh tiến độ khảo sát, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, từng bước hình thành vùng trồng cây dược liệu, nhằm tạo diện mạo mới cho bức tranh nông nghiệp của tỉnh Lào Cai. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác.