Cây lưỡi rắn có công dụng tuyệt vời với sức khỏe
Cây lưỡi rắn phổ biến ở Việt Nam và có công dụng tuyệt vời với sức khỏe.
Nguồn gốc, ý nghĩa cây lưỡi rắn
Cây lưỡi rắn có tên khoa học là Hedyotis corymbosa (L.) Lam. Họ: Rubiaceae (Cà phê). Loài cây này còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như là đơn dòng, vương thái tô, nọc sởi, (bạch hoa) xà thiệt thảo, cóc mẳn, xà thiệt có cuống,...
Loài cây này thường được phân bố chủ yếu ở các nước có khí hậu nhiệt đới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Lào,...
Toàn cây lưỡi rắn đều có thể dùng trong y học, thường được thu hái vào mùa hè, khi cây đã ra hoa và sau đó để tươi hoặc phơi khô để dùng dần.
Đặc điểm, phân loại cây lưỡi rắn
Cây lưỡi rắn là loài cây cỏ, thân nhỏ, mềm, yếu, nhẵn, phân thành nhiều nhánh, thường cao khoảng 10 - 25 cm và thường mọc hoang ở các bờ ruộng, hai bên đường đi hay sườn núi.
Thân cây có tiết diện vuông, màu nâu nhạt hoặc xanh tím, tròn ở gốc, phần rễ cây lưỡi rắn thường có ít rễ và có củ.
Hoa mọc thành cụm xim mang 2 - 4 hoa ở nách lá, đôi khi mọc ở ngọn cành thuộc loài hoa lưỡng tính thường có màu trắng hoặc tím nhạt.
Cây lưỡi rắn có tác dụng gì?
Tác dụng của cây lưỡi rắn đã được đề cập nhiều trong Đông Y, trong đó nổi bật các đặc tính sau:
Thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc: Cây lưỡi rắn trắng có vị ngọt hơi đắng, tính mát nên có thể dùng để thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, tiêu thũng, hoạt huyết tán ứ, viêm đường tiết niệu, viêm vùng chậu;
Cây lưỡi rắn trị viêm xoang, chứng ho do phế nhiệt, viêm họng, viêm amidan, sốt cao, kiết lỵ, viêm khoang bụng, ung nhọt;
Điều trị độc rắn cắn: Có thể dùng kết hợp uống trong và thoa ngoài để điều trị các vết rắn độc cắn, mụn nhọt, mề đay, lở loét da, ứ huyết sưng đau;
Điều trị chứng viêm phổi, kinh phong, sốt cao, đau dạ dày ở trẻ em.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng cây lưỡi rắn
Mặc dù công dụng của cây lưỡi rắn rất đa dạng và có ứng dụng hiệu quả với nhiều người, tuy nhiên phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng loại cây này. Phụ nữ đang cho con bú cũng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng.
Ngoài ra, cây cỏ lưỡi rắn còn ức chế quá trình sinh tinh ở chuột thí nghiệm, do vậy nam giới yếu sinh lý cũng nên lưu ý.
Nhìn chung, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng cây cỏ lưỡi rắn, bệnh nhân cần trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn liều dùng và cách dùng phù hợp.