Cây phố, cây làng
Cho đến mùa xuân Ất Tỵ này, rất nhiều người vẫn mặc định, đầu làng ở các xã ngoại thành có cây đa cổ thụ, lá cành xum xuê, có cây gạo cao lớn tháng ba hoa đỏ như mâm lễ trời.
Nhà nhà đều có mảnh vườn trồng cây ăn quả, cây bóng mát nên cây xanh ngoại thành nhiều hơn khu vực nội đô. Nhưng thực tế hôm nay không còn đúng như vậy.

Hàng cây sao trăm tuổi trên phố Lò Đúc. Ảnh: Internet
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp chiếm Hà Nội đã cải tạo lại phố cổ, xây phố mới ở phía nam, phía tây theo kiểu đô thị phương Tây: Có vỉa hè, cống thoát nước thải, đèn đường. Họ trồng cây xanh trên hè phố và thiết kế các vườn hoa. Khi cây lớn có tán sẽ chống cái nắng gay gắt khi miền Bắc vào hè, đồng thời làm đẹp thành phố. Họ gọi đó là kiến trúc phong cảnh.
Để đạt được mục đích thứ nhất, chính quyền khi đó đã chọn các giống bản địa, nhập nhiều loài cây ở Nam Mỹ, châu Phi, xứ ôn đới theo các tiêu chí phù hợp với đô thị đông dân. Cây có rễ cọc có thể hạn chế đổ, gãy khi gió to, bão lớn; quả thì không ăn được để con trẻ không trèo leo gây nguy hiểm đến tính mạng. Cây không tiết ra mùi hôi, nhựa độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Muốn thành phố quanh năm xanh, họ chọn các giống cây rụng lá vào các mùa khác nhau, tránh rụng vào một mùa để thành phố không đơn điệu, đồng thời tránh sự vất vả cho công nhân vệ sinh. Họ nhượng bộ giống cây có quả ăn được duy nhất là sấu vì cây này có dáng hình nấm rất đẹp, lớn nhanh, lá hình mắt nai duyên dáng. Họ cũng ban hành nghị định, hè phố phải rộng từ 3 mét trở lên mới được trồng cây.
Để tạo ra kiến trúc phong cảnh, họ quy định các công trình dân sự cao không quá hai tầng, tạo tỉ lệ hài hòa giữa vỉa hè, cây và nhà. Ở các công viên nhỏ, họ thường trồng cọ châu Phi thân thẳng, mỗi năm chỉ rụng vài ba tàu lá. Tạo điểm nhấn và ấn tượng cho du khách, ở mỗi phố, người Pháp trồng một giống cây. Đầu phố Lò Đúc là cây sao, cả phố Lý Thường Kiệt trồng cây cơm nguội; các phố Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng... trồng sấu; phố Quán Thánh, Nguyễn Du trồng hoa sữa; phố Lý Nam Đế trồng xà cừ; quanh hồ Gươm trồng phượng và liễu. Trong khuôn viên biệt thự công và tư, người Pháp khuyến khích trồng hoàng lan, hoa giấy.
Sau năm 1954, nội đô được mở rộng. Chưa kịp mở mang hạ tầng ở các phố mới thì Mỹ đánh bom Hà Nội. Để ngụy trang cho các công trình, kho tàng, công sở, trận địa pháo, hầm trú ẩn, cây được trồng khắp nơi, kể cả các phố có vỉa hè hẹp. Tuy nhiên, giai đoạn này và suốt thời kỳ bao cấp, giống cây ở các vườn ươm chỉ lèo tèo vài ba giống cũ và theo cơ chế cấp phát nên ngành Lâm nghiệp có gì cung cấp nấy. Thế nên có cả những giống cây mà các chuyên gia trước đó đã loại bỏ.
Theo thời gian, cây lớn, thân phình to. Và đến hôm nay, hầu hết nhà mặt phố được xây cao hơn ngọn cây đã gây ra tình trạng thân nghiêng ra đường, tạo mối nguy cho các phương tiện tham gia giao thông, nhất là ô tô. Điển hình là phố Lý Nam Đế, thân cây xà cừ có đường kính lớn chiếm hết vỉa hè, gốc xù xì bạnh ra đường. Khoa học công nghệ phát triển, các phương tiện làm mát không khí mùa hè vô cùng đa dạng, giá cả lại bình dân nên nhà nào cũng có thể mua sử dụng. Vì thế, cây xanh không còn tác dụng chống nóng. Để hạn chế cây đổ, cành gãy do mưa bão, đơn vị quản lý thực hiện cưa cành khiến cây trơ trụi, dẫn đến kiến trúc phong cảnh bị phá vỡ. Một mục đích trước đó người ta không tính đến thì nay xuất hiện, cây giữ vai trò làm bộ lọc không khí, góp phần nhỏ chống biến đổi khí hậu.
Ở ngoại thành, nhiều xã lên phường. Đường làng trở thành các phố, được làm hệ thống cống nước thải, trải nhựa hay đổ bê tông. Lối vào xóm thành ngõ ngách. Phố làng đa phần hẹp, các phố đi qua phường Yên Hòa, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, Định Công, Diễn... không có vỉa hè nên không thể trồng cây. Nhiều gia đình ở các xã lên phường, xã ngoại thành muốn cải thiện sinh hoạt, song do điều kiện kinh tế hạn chế đã cắt đất nhà, vườn bán lấy tiền xây nhà, sắm đồ. Đô thị hóa ở ngoại thành đã dẫn đến cây xanh ở các khu đất công cộng, vườn nhà bị mất. Tại các khu đô thị mới, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận, tăng chiều cao hơn là môi trường xanh. Họ vẫn trồng cây hai bên đường nhưng với quy mô nhỏ lẻ ở các điểm công cộng. Cả thành phố bị bê tông hóa, cây xanh thưa thớt nên nhiệt độ ở Hà Nội vào mùa hè thường cao hơn các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ.
Thiết nghĩ đã đến lúc phải thay đổi mục đích trồng cây xanh không phải lấy bóng mát. Rà soát các giống cây, loại bỏ giống không phù hợp, tính toán việc trồng cây trên hè, thậm chí đốn bỏ cây lớn ở các phố cây thấp hơn chiều cao nhà. Cần trồng tập trung trên một diện tích, tạo ra những “khu rừng nhỏ” để hình thành nên nhiều “lá phổi xanh”, vừa tạo cảnh quan, vừa có chỗ nghỉ ngơi, vui chơi phù hợp với đô thị lớn, san sát nhà như Hà Nội.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cay-pho-cay-lang-693863.html