Theo người dân địa phương, ngôi miếu cổ này thờ Thần Cao Sơn nên thường được gọi là miếu Cao Sơn, nằm ở thôn Bồng Sơn, xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Ông Vũ Quang Thơm, nguyên Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, cho biết ngôi miếu nhỏ này rất thiêng. "Cách đây mấy năm, tôi có dẫn cán bộ của Trung tâm bảo tồn tỉnh Thanh Hóa tới dịch các chữ trên tấm bia thì được biết ngôi miếu này thờ một vị quan triều đình nhà Nguyễn. Thời đó, vị quan này đi qua khu vực này gặp nạn qua đời. Ông được đưa lên khu đất này mai táng tạm, sau đó đưa về Huế. Người dân địa phương sau đó cho dựng ngôi miếu này để thờ cúng, tưởng nhớ và đây trở thành điểm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương"- ông Thơm thông tin.
Ngôi miếu nằm trọn trong bộ rễ khổng lồ của cây sanh tại thôn Bồng Sơn, xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống
Theo các bậc cao niên thôn Bồng Sơn, ngôi miếu này có niên đại hàng trăm năm và rất linh thiêng. Nhiều người cao tuổi cho biết khi lớn lên đã thấy một cây sanh cổ thụ với bộ rễ mọc chằng chịt, khổng lồ ôm chặt, bao bọc lấy toàn bộ ngôi miếu.
Ông Trần Vũ Luận (SN 1968, ngụ thôn Bồng Sơn) là người trông coi miếu Cao Sơn. Ông cho biết đã trông coi ngôi miếu này gần 20 năm
"Không ai trong làng biết chính xác miếu Cao Sơn có từ niên đại nào, nhưng theo một số tài liệu được dịch lại ngôi miếu có tuổi đời hàng trăm năm"- ông Luận thông tin
Ngôi miếu thiêng nằm tựa mình bên một sườn núi thấp, hướng ra giếng ngọc, ao sen cùng cánh đồng lúa của người dân địa phương. Trải qua hàng trăm năm, ngôi miếu này vẫn luôn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ
Điểm nhấn của miếu chính là cây sanh cổ thụ cao khoảng 20-25 m với bộ rễ ôm trọn ngôi miếu, tán cây xanh tốt, tỏa mát cả một khoảng rộng
Bên dưới, cây sanh có hàng trăm chiếc rễ lớn nhỏ vươn dài bám chặt vào ngôi miếu tạo thành một chiếc "áo giáp" che chở cho ngôi miếu, chỉ chừa một cửa chính ra vào
Trước ngôi miếu nhỏ là giếng Ngọc, được người dân địa phương cho biết quanh năm không cạn nước
Bên trong ngôi miếu thiêng có một bàn thờ nhỏ, có các câu đối bằng chữ Nho. Ông Vũ Quang Thơm nói các cán bộ Trung tâm bảo tồn di sản tỉnh Thanh Hóa đã dịch và nắm được ngôi miếu này có thờ một vị quan nhà Nguyễn
Có lẽ nhờ được bộ rễ che chở mà ngôi miếu này dù đã tồn tại hàng trăm năm nhưng vẫn được bảo vệ tương đối nguyên vẹn cho tới tận bây giờ. "Ngôi miếu này rất thiêng, có nhiều người tới đây cầu gặp may mắn, bình an. Chính vì thế, người làng tôi ai cũng ra sức bảo vệ"- ông Trần Vũ Luận cho hay.
Tin-ảnh: Tuấn Minh