Cây táo tuổi thơ
Bất cứ vị khách nào, nếu có dịp ghé thăm Trường THCS Bản Cầm, huyện Bảo Thắng đều rất ngạc nhiên với hình ảnh cây táo cổ thụ, sừng sững giữa sân trường - 'Thư viện xanh' yêu thích của hàng trăm học sinh trong mỗi năm học.
Trong một lần tới thăm thầy, cô và học sinh Trường THCS Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, vừa bước chân vào trường, tôi đã bị cây táo thu hút bởi tôi chưa từng nhìn thấy cây táo to và cổ thụ như thế bao giờ. Cây táo này thuộc giống táo ta, không ai biết cây táo được trồng từ bao giờ. Chỉ biết, khi các thầy, cô thay nhau về đây dạy học đã thấy có cây táo to cao, sừng sững giữa sân trường.
Cô giáo Trần Bích Hải, giáo viên Trường THCS Bản Cầm năm nay vừa tròn 40 tuổi và đã có 10 năm giảng dạy tại trường chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê này. Nhà ở gần trường nhưng tôi cũng không biết cây táo được trồng từ khi nào, chỉ biết khi tôi chập chững biết đi, mẹ thường bế tôi sang gốc táo chơi. Ngày đó, cây táo chưa cao lớn như bây giờ nhưng cành lá cũng xum xuê, tỏa bóng mát cho trẻ con trong xóm sang chơi mỗi dịp trưa hè nắng nóng. Mùa quả tới, chúng tôi lại trốn dưới tán cây đem bát muối ớt ra hái quả ăn, rồi thi nhau xem ai tìm được quả to, ngon. Tuổi thơ của tôi và nhiều thế hệ người dân quanh trường đều ít nhiều có những kỷ niệm gắn với cây táo này.
Theo năm tháng, cây táo già đã trải qua nhiều mùa bão giông nhưng vẫn hiên ngang đứng vững, vươn cành lá xum xuê như bàn tay khổng lồ che chắn nắng mưa, gió bão, tạo không gian xanh mát cho học sinh và giáo viên trong trường. Giờ ra chơi hay những tiết học ngoài trời trở nên thú vị hơn vì có bóng râm của cây táo.
Bây giờ, gốc táo đã phải 2 người ôm mới xuể. Tới mùa, cây sai quả trĩu cành. Quả táo có vị chua rôn rốt làm mê mẩn tâm hồn ăn uống của bao thế hệ học sinh. Tuy nhiên, như một quy tắc “bất thành văn” không học sinh nào trèo lên cây hái quả, bẻ cành.
Em Vương Chiêu Anh, lớp 9A, Trường THCS Bản Cầm tự hào: Ngày đầu tiên vào trường, nhìn thấy cây táo khổng lồ này em đã rất bất ngờ. Bây giờ thì em đã có gần 4 năm học được ngồi dưới bóng mát cây táo cổ thụ. Em thấy rất tự hào vì trong trường có cây đặc biệt này. Chúng em bảo nhau chăm sóc, giữ gìn cây mỗi ngày.
Nhiều trường học cũng có các cây xanh to lớn, nhưng tôi chưa thấy ở đâu giữ được một táo cổ thụ như thế này ở sân trường. Trong tự nhiên, tôi nghĩ rằng một cây táo ta không dễ để sống được lâu năm, cao lớn như vậy. Hơn nữa, cây ở giữa sân trường vừa cho bóng mát, vừa có quả ăn, lại có thể tận dụng làm không gian “Thư viện xanh” cho nhà trường. Hằng năm, các thầy, cô và học sinh đều chịu khó vun xới, trừ sâu bệnh, thêm đất, tưới nước cho cây.
Thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng
Hiệu trưởng Trường THCS Bản Cầm cho biết.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã gia cố thêm cột chống đỡ cành già cỗi, đồng thời, bố trí nhiều ghế đá dưới gốc cây để học sinh có thể ngồi đọc sách, đọc truyện thoải mái. “Thư viện xanh” yêu thích của học sinh và giáo viên Trường THCS Bản Cầm được hình thành một cách tự nhiên như vậy ngay giữa sân trường. Giờ đây, cây táo già không chỉ đơn giản là một cây xanh che bóng mát mà đã trở thành người bạn của các em. Cây táo như một chứng nhân lịch sử chứng kiến sự trưởng thành của bao thế hệ học sinh ở Bản Cầm.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cay-tao-tuoi-tho-post383755.html