Cây thạch anh điều trị ung thư...

Gần đây, cây thạch anh được nhiều người đồn đại như một loại thuốc quý có tiềm năng điều trị ung thư như ung thư lưỡi, ung thư vòm hầu... Tuy nhiên, chưa có căn cứ khoa học nào chứng minh điều này. Mặc dù vậy, thạch anh có một số tác dụng mà bạn cũng nên quan tâm.

1. Nhận biết cây thạch anh

Cây thạch anh (Euphorbia tithymaloides subs. padifolia) còn có tên gọi khác là cây công đức, là một cây mọng nước, nhỏ, cây trưởng thành cao đến khoảng 20 – 30 cm. Lá mọc so le thành hai dãy đều, hình xoan, dày, gốc tròn, đầu nhọn, gân lá rất mờ. Toàn thân và lá cây có nhiều nhựa mủ trắng.

Cây thạch anh là cây mọng nước, có khả năng chịu hạn tốt, ưa sáng, có khả năng sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khắc nghiệt, những vùng đất nghèo dinh dưỡng hay ở những vùng bán hoang mạc.

Tại Việt Nam, cây thạch anh thường được trồng làm cảnh trong vườn, ít thấy ra hoa, kết quả, nhưng có khả năng tái sinh bằng sinh sản vô tính khỏe.

Theo Y học cổ truyền, toàn cây thạch anh có vị chua, hơi chát, tính hàn, có độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ tiêu thũng, chỉ huyết sinh cơ. Cây thường được dùng ngoài, dùng lá tươi hoặc toàn cây giã nhuyễn, có thể thêm muối để đắp, hoặc dùng nhựa mủ tươi bôi lên các vết thương chảy máu, các vết lở loét, mụn nhọt.

Hiện nay các nghiên cứu về tác dụng dược lý theo y học hiện đại của cây thạch anh dường như rất ít, tuy nhiên một số thử nghiệm in vitro cũng như thử nghiệm in vivo trên động vật ở cây thuốc dấu (Euphorbia tithymaloides L.), một cây cùng chi khác loài với cây thạch anh (các cây thuốc cùng chi hay cùng chi khác loài thường các tác dụng dược lý tương tự nhau) cho thấy, lá và nhựa mủ cây thạch anh có tác dụng chống oxy hóa mạnh, làm lành vết thương, kháng viêm, kháng khuẩn, nhờ có chứa nhiều chất có tính chất chống oxy hóa và kháng viêm tự nhiên.

Chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng điều trị ung thư của cây thạch anh.

Chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng điều trị ung thư của cây thạch anh.

2.Phân biệt cây thạch anh và cúc tần

Nhiều người dân thường nhầm lẫn cây thạch anh với cây cúc tần hay cho rằng hai cây này là một. Thật ra, cúc tần (Pluchea indica (L.) Less) là một loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Có thể dễ dàng phân biệt giữa hai loài này thông qua một số đặc điểm như sau:

Cây thạch anh có chứa nhiều nhựa mủ trắng trong thân và lá cây.
Lá cây thạch anh có phiến lá nguyên, dày, trơn, màu xanh lục đậm, gân lá không rõ, lá cây cúc tần có phiến lá có khía răng, sờ nhám, gân lá rõ, màu xanh lục nhạt hơn.

Lá cây cúc tần có khía răng, khác với lá cây thạch anh không có khía, dày, trơn.

Lá cây cúc tần có khía răng, khác với lá cây thạch anh không có khía, dày, trơn.

3.Một số bài thuốc có chứa cây thạch anh

Một số cách dùng cây thạch anh chữa bệnh:

- Chữa sâu răng, viêm họng hạt, viêm amidan từ cây thạch anh: Rửa sạch lá thạch anh, giã lấy nước uống hoặc nhai trong vòng 10 – 15 phút, vừa nhai vừa súc họng, mỗi lần từ 3 – 5 lá, cố gắng đưa nước lá vào vị trí tổn thương.

- Chữa bướu cổ: Rửa sạch khoảng 8 g lá thạch anh tươi, ngâm với nước muối loãng, sau đó nhai sống cùng một chút muối trắng, nuốt lấy nước, bỏ bã.

Lá của cây thạch anh có tác dụng chữa viêm họng hạt.

Lá của cây thạch anh có tác dụng chữa viêm họng hạt.

4. Tác dụng điều trị ung thư của cây thạch anh có đúng không?

Cho đến hiện tại, các nghiên cứu về tác dụng điều trị ung thư của cây thạch anh vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù có một số thử nghiệm in vitro cho thấy cao chiết từ lá cây thạch anh có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư đại tràng, ung thư gan... nhưng vẫn chưa có nghiên cứu nào thử nghiệm tác dụng ức chế khối u trên động vật và hoàn toàn chưa có thử nghiệm lâm sàng trên người về tác dụng điều trị ung thư của cây thạch anh.

Hơn nữa, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào để chứng minh tác dụng của lá cây thạch anh trong điều trị ung thư lưỡi, ung thư vòm hầu như các thông tin trước đây.

Cảnh báo: Do chưa có các dữ liệu đầy đủ về liều điều trị và độc tính, người dân không nên tự ý sử dụng cây thạch anh để điều trị bệnh lý này, mà cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền có kinh nghiệm, để có thể theo dõi liệu trình và cá thể hóa điều trị cũng như theo dõi độc tính, tránh làm mất đi thời gian vàng trong điều trị.

Mời bạn xem tiếp video:

Uống sữa chua cà phê có tốt cho sức khỏe hay không- -SKĐS

TS. DS. Nguyễn Thành Triết . BS. Dương Phan Nguyên Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cay-thach-anh-dieu-tri-ung-thu-169230608160218335.htm