Cây thị xóm Mỏ
Đến Mai Châu, bên cạnh những địa danh nổi tiếng như bản Lác, Pom Coọng, bản Bước, thì cây thị xóm Mỏ (cây thị bản Bó), xã Chiềng Châu là một trong những điểm đến du khách không nên bỏ qua. Gần 1.000 năm qua, mặc cho bão táp mưa sa, cây thị vẫn ở đó, dang những tán lá rộng như chở che cho người dân nơi đây, như là chứng tích lịch sử lâu đời của vùng đất này. Ngày 18/10/2016, chính quyền và Nhân dân huyện Mai Châu đã tổ chức lễ đón bằng công nhận cây di sản Việt Nam cho cây thị gần 1.000 năm tuổi.
Đứng từ xa, cây như một người khổng lồ, sừng sững bên cánh đồng lúa xanh đang thì con gái. Những trầm tích thời gian in hằn lên gốc cây cổ thụ, từng mảng rễ xù xì, gồ ghề, nổi hẳn lên, những lớp vỏ dày tróc ra từng mảng, đến cả những cành cây cao nhất cũng bám rêu mốc theo thời gian. Đưa chúng tôi thăm cây thị xóm Mỏ, chị Vì Thị Oanh, một người dân trong xóm cho biết: Không ai biết cây thị chính xác có từ bao giờ, chỉ biết rằng bao đời người dân nơi đây sinh ra đã thấy cây thị ở đó. Nói về cây thị thì dài lắm, nhiều câu chuyện được những người cao tuổi kể lại cho con cháu, thực có, hư có cũng không có ai kiểm chứng. Chỉ biết rằng cây thị được coi như linh hồn của người Thái. Bất cứ người thầy cúng nào của người Thái dù ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La hay thậm chí từ bên nước bạn Lào xa xôi, trước khi cúng đều phải nhắc đến cây thị xóm Mỏ. Người ta coi đó là một thủ tục bắt buộc.
Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, năm Quý Dậu (1733) giặc Cờ vàng Trung Quốc do Chư soái Lưu Hữu Phúc chỉ huy từ châu Mộc Châu (Sơn La) tràn xuống đánh chiếm Mai Châu. Chư soái Lưu Hữu Phúc cho quân xây dựng đồn lũy tại khu vực cây thị xóm Mỏ làm căn cứ chỉ huy để chiếm đóng toàn bộ châu Mai Châu. Dân bản thường gọi quân giặc này là "Sậc Hàn cờ tướng” hay "Sậc Hàn Lò Lè”. Quân giặc tàn ác, đi đến đâu, vơ vét tài sản của dân, tàn phá mùa màng, giết trai tráng trong làng và binh sĩ nơi chúng đi qua, lấy một phần thi thể người đã chết (gọi là lấy "qoạch”) rồi nộp cho Chư soái để lấy công và treo lên cành cây thị. Sau khi đã nhận công, chúng đào hố chôn tập trung cách gốc cây thị khoảng 200 m về phía Thanh Hóa. Để tưởng nhớ những nạn nhân bị quân giặc giết, hàng năm, người thân của họ nhờ thầy cúng đến gốc cây thị để gọi hồn về.
Vào những năm chiến tranh, giặc ném bom dữ dội, những lúc máy bay địch thả pháo sáng cả làng đều chạy đến ẩn nấp dưới gốc cây thị. Những khi họp dân quân du kích, bày binh bố trận chiến đấu cũng ở dưới gốc cây. Bởi vậy, người dân Mai Châu coi cây thị là vị cứu tinh, là chứng nhân lịch sử lâu đời và rõ ràng nhất cho những thăng trầm của mảnh đất này.
Đồng chí Vì Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu cho biết: Từ khi cây thị được công nhận là cây di sản Việt Nam, UBND huyện chỉ đạo việc gìn giữ, bảo tồn thường xuyên cùng với hang Nhật, hang Láng, hang Mỏ Luông. Hiện nay, dưới gốc cây thị đặt hòm công đức, mỗi năm mở 1 lần, số tiền quyên góp được sử dụng để tu bổ, tôn tạo khu vực xung quanh cây. Hàng năm, vào dịp lễ Xên Mường, trước khi diễn ra phần lễ, thầy mo mang vải vóc, gà, lợn ra đặt tại gốc cây cúng, sau đó mới quay về đình làng Bôn hành lễ. Người dân xóm Mỏ thường xuyên phân công nhau đến nhổ cỏ, quét dọn và bảo vệ cây thị, ngăn không cho người đến phá hoại cây. Thời gian tới, UBND xã sẽ gắn bia khái quát ngắn gọn lịch sử của cây, để mỗi người dân và du khách đi qua biết và hiểu thêm giá trị của nhân chứng lịch sử, đồng thời cùng chung tay gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/157272/cay-thi-xom-mo.htm