Cấy thuê, đổi thóc: Những mảnh ghép trong khốn khó
Anh Nam bảo: Vợ chồng mới lấy nhau, đất đai không có, chúng tôi phải xuống núi cầy, cấy thuê để đổi lấy thóc gạo về ăn.
Vụ xuân này, vợ chồng anh Nam nhận cày, cấy thuê cho gia đình chị Đặng Thị Loan, ở xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai). Hoàn cảnh của chị Loan cũng thuộc diện khó khăn. Chồng mất đã gần 10 năm, đứa con gái duy nhất đi lấy chồng xa, giờ chị Loan và mẹ già 90 tuổi nương tựa vào nhau nhưng chưa năm nào đủ ăn.
Chị Loan có 5 sào ruộng, nhưng không đủ sức để cấy, trồng nên phải thuê vợ chồng anh Nam làm giúp từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy, chăm sóc, thu hoạch. Sau khi thu hoạch thóc, sản phẩm sẽ được chia làm 3 phần, vợ chồng anh Nam nhận 2 phần, còn chị Loan 1 phần.
Chị Loan chia sẻ: Một phần thóc mỗi vụ không đủ cho hai mẹ con ăn trong năm nên hằng ngày tôi phải thu gom đồ phế thải để bán. Công việc của tôi cũng bấp bênh lắm, có hôm đi cả ngày cũng chỉ gom được vài thứ bán chưa nổi 20 nghìn.
Nói đến đây, chị Loan ngừng lời, quay đi. Tôi hiểu, chị đang cố gắng kìm nén cảm xúc, không muốn tôi nhìn thấy những giọt nước mắt. Tiếng ho khù khụ từ trong nhà vọng ra, chị Loan cười nhẹ với tôi rồi xin phép vào nhà xem mẹ già thế nào. Tôi hướng mắt ra đám ruộng trước mặt, 3 đứa trẻ con nhà anh Nam đang bì bõm lội trong đám bùn. Tôi bất giác than: Trời ơi, lạnh thế này, sao không bảo các cháu ngồi vào chỗ nào chơi cho sạch, để lội bùn, ốm mất?
Anh Nam nói luôn: Kệ chúng thôi, không bảo được đâu, bẩn tí về tắm thôi!
Rong ruổi một buổi sáng, khắp các xóm Tân Sơn, Nam Sơn, Trường Sơn… của xã Cúc Đường, chúng tôi gặp các chị Ngô Thị Xuyên, Hoàng Thị Vàng, Hoàng Thị Dia, anh Hoàng Văn Lý… đều làm nghề cày cấy thuê đổi lấy thóc gạo. Họ đều là người dân tộc Mông ở xóm Mỏ Chì. Sau 3 ngày Tết, ai cũng chuẩn bị đồ nghề để xuống núi lo cho 3 bữa ăn thường nhật.
Anh Hoàng Văn Lý cho biết: Từ ngày gia đình tôi chuyển từ Quan Trung (Cao Bằng) về xóm Mỏ Chì sinh sống, tôi đã phải đi làm thuê làm mướn duy trì cuộc sống bởi không có đất sản xuất. Lao động khá vất vả vẫn bữa đói, bữa no, nhưng còn hơn thời ở Cao Bằng. Ngày nào muốn xuống chợ, chúng tôi phải dậy từ 1 giờ sáng để đi bộ xuyên núi. Ăn no một bữa, có khi nhịn 2 bữa, nên giờ đến Mỏ Chì sinh sống, tôi thấy vui hơn nhiều.
Vụ xuân này, ở xóm Mỏ Chì không chỉ có anh Nam, anh Lý, chị Xuyên… phải xuống núi đi cấy cầy thuê, mà có tới hơn 70% số hộ có nhân lực lao động phải đi làm thuê. Bởi, cả xóm có 162 hộ thì chỉ có 10% hộ có đất cấy lúa và trồng ngô; còn lại không có đất sản xuất…
Anh Ngô Văn Chú, Trưởng xóm Mỏ Chì, cho biết: Số lao động trong xóm khá dồi dào, nhưng không có đất để sản xuất, không có việc làm nên buộc họ phải xuống núi đi tìm việc làm thuê, làm mướn. Những công việc đó giúp họ đủ ăn là mừng, ít nhiều góp phần giúp xóm giảm số hộ nghèo đói, còn bảo có “của ăn của để” thì khó lắm. Sau Tết, thấy người dân mau mắn đi làm, tôi cũng mừng, bởi trước kia nhiều người sức ỳ lớn, không chịu làm ăn, chỉ trông chờ vào sự cứu đói, hỗ trợ của Nhà nước thôi. Nay, người Mông Mỏ Chì đã thay đổi tư duy, thay đổi cách làm nên xóm ngày càng phát triển, số hộ nghèo cũng giảm qua các năm. Hiện, xóm chỉ còn khoảng 70 hộ, chúng tôi phấn đấu trong năm nay giảm tiếp 14 hộ.
Anh Chú nói đúng, công việc làm thuê thủ công, đơn thuần không mang lại thu nhập cao cho người Mông Mỏ Chì nhưng điều đó là một trong những thay đổi tích cực trong cách nghĩ, cách làm của một bộ phận người Mông trước kia chỉ biết ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước.
Người có đất lại không có sức, người có sức thì không có đất sản xuất, họ đã biết tìm đến nhau để làm ra thóc gạo - những “mảnh ghép” trong khó khăn.