Cây tri kỷ

Trời mưa tầm tã. Mùa thu này nhiều mưa khác lạ. Dịch bệnh khắp nơi khiến người ta chẳng còn đi ngắm cảnh. Ban mai đầy nước. Và nỗi cô đơn mêng mông. Tôi đứng nhìn ra bãi cỏ trước nhà. Nhớ da diết cái cây của mình trên triền đồi ấy. Cây tỏa bóng một mình. Xanh đến dịu lòng, mát mắt. Tôi thường trở về bên cây mỗi khi lòng mình trống trải đến mức không thể ngồi yên. Xung quanh là làng mạc, núi đồi.

Cây dã hương cô đơn đứng bên sườn dốc chờ tôi. Áp má mình vào thân cây, ôm vòng tay quanh nó, nhắm mắt lại, cảm nhận những chiếc lá khép lại, vỗ về dịu dàng, như được ôm người tình hiểu chuyện. Nắng gió rì rào trải rộng trên cao hóa giải sự hoang mang sâu thẳm trong lòng. Cây sống tự tại giữa đất trời, vững chãi và hồn nhiên, say mê xanh. Học cây mà sống.

 Minh họa: HIỀN NHÂN.

Minh họa: HIỀN NHÂN.

Cuộc trò chuyện của tôi và cây kết thúc bằng việc tôi sẽ ngả lưng dưới gốc nó, nhắm mắt, nghe tiếng cười lao xao đâu đây. Tôi hái mấy chiếc lá, đắp lên mặt mình và cồn cào. Dù thế nào tôi vẫn luôn nhớ anh. Anh chẳng khác cái cây này là bao. Anh chưa bao giờ nói về ly biệt nhưng cũng không gặp gỡ. Cuộc sống như dòng sông, hãy để nó chảy trôi, anh bảo thế. Anh và em như hai giọt nước vậy thôi. Giọt nước có phận sự khác dòng sông...

Mưa này, cả dòng sông mưa ngoài kia đâu là anh và em? Anh và em tan đi, lạc trôi nhau hay hòa quện, đam mê? Chỉ bầu trời mới biết.

Chiều ấy nắng đổ tràn. Anh đưa em đi gặp cây. Ngồi bên anh, tựa vào vai anh nhìn lá và im lặng. Cảm giác hơi thở của hai người không còn riêng biệt. Hai tâm hồn như hòa tan hoàn toàn vào nhau trong thinh lặng và tinh khiết. Tôi nhớ anh. Và biết chắc anh cũng thế. Ngồi bên nhau và nghĩ về nhau miên man, bất tận, thương từng sợi tóc. Không có chiếc hôn nào. Nhưng tôi và anh đã đi đến tận cùng con người nhau bởi giao cảm. Tôi đã yêu anh hơn bất cứ thứ gì quý giá. Tin rằng anh cũng thế.

Đôi mắt của anh luôn tĩnh lặng và thẳm sâu như vùng biển sau cơn bão. Gió ào đến tinh quái, bứt nắm lá xanh tung lên mặt đất. Tôi thảng thốt nhận ra một nỗi đau mơ hồ. Sẽ có lúc, tôi và anh phải xa nhau như đám lá lìa cây kia. Anh ôm vai tôi an ủi, lá đều rụng về cội, mình có xa cũng là để được bên nhau mãi, em đừng buồn. Tôi không dám buồn. Chỉ sợ buổi chiều như thơ ấy bay mất. Anh bằng xương bằng thịt ngay trước mắt tôi mà lại như ảo ảnh thật vời xa... Có hai dòng nước nóng bỏng, mặn chát đã chực trào ra khóe mắt. Anh đứng dậy với lên cành cây, hái những chiếc lá đưa tôi.

“Cây thiêng lắm, em nhắm mắt vào, thở sâu và ước gì đi”. Nắm lá trong tay tôi lấp lánh. “Anh định nói gì qua mấy cái lá này? Để em dịch nhé, 9 lá đúng không, là anh muốn nói gì với em đúng không?”. Tôi đọc tên anh và tên tôi ghép lại. Anh cười trắng lóa, nụ cười hiền đến ngạc nhiên. Đúng rồi, anh là cây và em là lá. Anh xòe tay đỡ tôi leo qua mấy hòn đá lởm chởm. Lên xe, cả chặng dài, hai người chìm trong ca khúc mà ca sĩ trên đài đang hát. Tôi đi cùng anh đến chân trời góc bể, xây ngôi nhà mơ ước của riêng mình trong tưởng tượng. Ở đó, đêm đêm, tôi rúc vào lòng anh ngủ ngon lành. Còn anh, không biết anh nghĩ gì, anh trôi đến nơi nào, ở đó có tôi không? Anh thả tôi ở nhà mẹ và bảo, ăn nhiều vào, béo chút cũng tốt. Anh đúng là tiết kiệm lời nói.

* * *

Đêm ấy đã muộn, căn phòng nhỏ của anh trên sườn núi còn sáng đèn. Những dữ liệu thu thập được trong chuyến đi khảo sát địa hình bày trên mặt giấy. Anh phải lập kế hoạch cho cơ quan thiết kế một viện dưỡng lão ở nơi này. Có tiếng chân rầm rập, tiếng gõ cửa vội vã. Anh mở cửa. Người đàn bà nhỏ thó, lam lũ ào vào, theo sau là mấy thanh niên mướt mải mồ hôi. “Anh ơi, làm ơn giúp gia đình tôi, nhà tôi trong bản kia, bố tôi đang nguy kịch quá, anh có ô tô, nhờ anh đưa giúp ông vào bệnh viện”.

“ Vâng, vâng, được rồi, chị đi cùng tôi, mọi người về đi, tôi đi ngay đây”. Anh gọi chàng kỹ sư địa chất đang ngủ say dậy trông lán trại, còn anh nổ xe đi. Đêm tối, đường xấu, xe rung lên bần bật. Ngôi nhà anh đến nằm bên con suối cạn, cảnh nhà tồi tàn, không có gì đáng giá. Cụ ông chừng 80 tuổi bị tê liệt một cánh tay, nói khó, thở khó. Anh xếp cho ông cụ nằm ở ghế sau và hai người nhà đi theo, nhằm bệnh viện đi. Bác sĩ điều trị gặp anh nói:“Bệnh nhân bị tắc mạch máu, liệt tay tạm thời, suy đa tạng anh nhé”.

Nhìn người đàn bà lam lũ, đứng bên giường vị bác sĩ hỏi anh: “Anh là thế nào với ông cụ”? “Tôi… tôi là người đưa cụ đến”. “Không phải con à, thế con ruột cụ đâu?”. Người đàn bà đứng lên lí nhí: "Em đây, nhờ bác sĩ cứu giúp, gia đình em khó khăn". “Có chứng nhận hộ nghèo không, mang đây nhé”. Người đàn bà bỗng òa khóc. Anh đứng sững, hiểu phần nào hoàn cảnh của họ. Người đàn ông đi cùng lúc này mới cất tiếng, bác sĩ xem cứu bố tôi, nếu không cho ông chuyển viện.

Rất may, vị bác sĩ từ tốn nói: “Cánh tay hiện không vận động được, tuy chưa nguy hiểm, nhưng cụ cần cấp cứu tích cực, còn nếu xin chuyển viện, thì chuyện lớn đấy, gia đình cần chuẩn bị tiền, khoảng 50 triệu để chuyển viện, mổ cho cụ nhé”. Người đàn ông vò đầu: “Em là con trai, chỉ đến thăm ông thôi, em không có tiền”. “Thế cụ ở với ai?”. “ Với chị dâu em, anh cả mất rồi”. Người đàn bà từ nãy im lặng giờ đứng lên, mắt ngấn nước: “Cụ ở với em, nhà mấy mẹ con hoàn cảnh khó khăn lắm, mong bác sĩ giúp đỡ”. Không khí chùng xuống. Bác sĩ trực ngẩn người nói: "Thôi được rồi, biết thế, lát tôi gặp gia đình sau, bây giờ sẽ chữa chữa trị cho cụ theo khả năng tốt nhất".

Người phụ nữ cầm chỗ tiền chừng triệu bạc chạy lật đật xuống khu nộp viện phí. Anh chạnh lòng. Anh đưa tay vào túi áo, mấy triệu anh định mai cầm về cho bà xã mua sắm gì đó cho hai cô con gái có lẽ nên giúp họ. Anh gọi người phụ nữ quay lại, đưa tiền cho chị, giúp đỡ chút ít rồi lên xe về công trường. Ngồi trên xe, đi một mình trong đêm anh mới nhớ bữa tối chưa ăn gì.

Hai tuần sau, ông cụ được ra viện, cái tay nhúc nhắc cử động, anh vui mừng gọi cho tôi.

“Em thấy anh xử lý thế được không?". “Được ạ”. “Em có tập thở đều không? Sức khỏe là quan trọng nhất, em phải luôn nhớ thế, sáng nay em ăn gì?”. Nghe mà tưởng bố mình đang hỏi. Hồi nhỏ, mỗi khi chuẩn bị đi học bố đều nấu bữa sáng cho tôi. Sau này học xa nhà, nếu có về qua nhà, bố hay hỏi sáng nay ăn gì. Tôi cầm cốc trà hoa, hít hà mùi thơm của nó rồi mới nói, em ăn no rồi, anh như là bố em ý nhỉ. Đúng ra mà nói, mọi chuyện, anh là tri kỷ, là anh, là bố mình. Anh lườm, hai hàng mi rợp xuống.

Nhiều lần đi bên anh ở một nơi nào đó, một đoạn đường, một rặng cây, tôi hay hỏi anh rằng, không biết người ta nhìn mình sẽ nghĩ thế nào nhỉ. “Bây giờ, ai đi với ai, người ta chẳng còn trong sáng nghĩ rằng họ tốt đẹp, họ không làm gì lầm lạc, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng họ là này nọ, họ là những kẻ trộm, những kẻ giấu giếm xấu xa nào đó... Kệ thôi, mình không trở thành xấu nếu mình không xấu”. Ngồi thò chân xuống suối nước chảy, tôi nói chuyện về lũ nhóc của mình, còn anh, anh kể về bà nội, về các con, về ngôi nhà của mẹ mình, về cuộc hôn nhân mà anh cho là duyên nợ lớn.

Tôi và anh đóng khung đẹp đẽ những thứ đó, trân trọng và nâng niu. Tôi thèm là gió bay lên khoảng trời kia. Những mệt nhọc cõi người, bao bon chen áp lực công việc sẽ tan biến hết. Anh ngồi trên cỏ lơ đãng ngắm mấy cánh chim rời rạc. Anh hiếm khi có thời gian riêng tư cho mình. Tôi áp bàn tay anh lên má mình. Anh hỏi, em tin vào số phận không? “Sao tự nhiên hỏi em”. “À, anh thấy ở bệnh viện thôi, nhiều người cứ nghĩ họ sẽ chết thì họ lại sống, rất thọ, người nghĩ mình sẽ không sao, lại chết”.

“Em không biết, kệ, có ai biết mình chết khi nào đâu”. “Nhưng em không bao giờ chết, ít nhất trong lòng anh”. Trời ạ, cuối cùng cũng nói ra như vậy. Tôi suýt khóc. Tôi nói lảng sang cuốn sách mình đang đọc dở. Anh nhìn tóc tôi rồi bảo, “Em ăn uống ngủ nghỉ tử tế vào, tóc bạc nhiều quá rồi, làm gì cũng phải khỏe”. Anh như bị ám ảnh về sức khỏe vậy. Tôi giục về, anh bảo tí lên xe ngồi xem cơn mưa. Cơn mưa thì có gì hay đâu, hồi nhỏ tôi sợ mưa giông sấm chớp. Anh nhìn mưa tràn qua cửa xe bảo, mùa này cá nhiều lắm, dọc các con rạch nhỏ ven đồng.

Tôi lại có khao khát khác. Có lúc, tôi muốn ôm chầm lấy anh, hôn ngấu nghiến anh rồi chìm đắm vào thế giới của anh, rồi đến đâu thì đến. Hay anh là thiền sư? Đôi khi tôi hỏi vậy. Nhưng không, lại có một sợi dây nào đó kéo giật tôi lại. Hình ảnh mọi người trong gia đình nói cười vui vẻ đợi mình bên mâm cơm, khuôn mặt bố mẹ mình, những buổi tu tập ở chùa... khuôn mặt sư bà như tượng tạc... lần lượt trôi nhanh trong đầu. Bói chỉ tay cho anh một chút vui vui rồi về. Anh và tôi luôn là một nhưng lại là hai, rất rõ ràng, mỗi người đứng bên một bờ sông, nhìn sang nhau, thấu hiểu và xa cách.

* * *

Còn nhớ cái lớp học đó ồn ào nhốn nháo. Anh mặc cái áo kẻ đứng bên cạnh tôi không nói, rất lâu mới từ tốn xin số điện thoại, tôi cầm điện thoại trên tay, bảo không nhớ số của mình. Anh chịu, ra về. Gần chục năm, tôi và anh luôn biết những biến cố của nhau nhưng im lặng. Tôi gặp anh trên phố, ngắm rất kỹ anh, cười chào và phóng xe đi. Rồi tôi ốm, trận ốm tưởng mang tôi về với thần chết đã đem anh đến.

Anh đến thăm, ngồi nói chuyện với chồng tôi cả đêm, theo dõi từng hơi thở thoi thóp của tôi. Ngày mai, khi mặt trời nhô cao, anh mỉm cười qua chào một câu rồi đi. “Ổn rồi, khỏe rồi”- anh luôn nói thế. Và anh kiên nhẫn dạy tôi những bài tập thở của yoga. Hít vào, thở ra... chậm thôi, thật nhẹ nhàng, hãy buông thư hoàn toàn tâm trí... Lời anh có lúc chỉ còn là gió. Tôi đã trôi vào miền xa nào đó vô định. Ngày hai vợ chồng chở nhau từ viện về nhà, tối muộn anh tạt qua nhà đưa cho tôi nắm thuốc rồi đi.

Nhìn dáng vẻ anh bước đi mà thấy nỗi buồn lan từ chân tóc xuống gót chân anh. Không hiểu anh đang nghĩ gì. Rồi mỗi ngày, tôi và anh luôn kết nối với nhau bằng một cách nào đó, không rời xa. Những câu chuyện về các cuốn sách, những bài tập mới, những điều anh gặp đủ cho tôi viết một thứ gì đó. Tôi có thể gọi cho anh mọi lúc, nhờ vả mọi chuyện, cả những phàn nàn. Anh có thể gọi tôi làm cho anh thứ này thứ kia, hoặc có thời gian thì lên núi, qua chỗ anh gặp một người bạn mới...

Đôi khi, tôi cùng anh đi ngắm cây. Cái cây kỳ lạ cô đơn bên sườn đồi vốn thuộc về tôi nhiều năm tháng. Giờ nó biết thêm anh. Và như một sắp đặt, tôi luôn nghĩ anh là cái cây kỳ lạ trên đời, xanh tươi trong bao kiếp nạn. Tuổi thơ lam lũ, luôn bị dọa cho bỏ học, vật lộn kiếm sống, làm đủ thứ việc nặng nhọc, đi học, rồi thành kiên trúc sư như bây giờ. Anh luôn nhận những oan ức, bão tố, hiểu lầm, thua thiệt.

Không sao cả, anh im lặng làm tròn chữ hiếu, im lặng sống như cái cây của tôi. Đôi lúc tôi cũng thấy sợ trước vẻ lạnh lùng của anh. Nhưng tôi biết, sau tảng băng ấy là ngọn lửa đầy ấm áp. Tôi gặp chuyện gì buồn nản là anh nói cả một ngày, chỉ cốt tôi hiểu ra rằng, trên đời này, buồn vui là thường tình. Chấp nhận nó mà làm chủ cuộc sống của mình mới là vấn đề, em hiểu không. Tôi chỉ khóc. Anh lắc đầu, đúng là trẻ con, nói mãi chẳng ngấm.

Tôi tìm đến những khóa tu để vực dậy thân tâm mình sau trận ốm. Tôi cuối cùng cũng hiểu ra cái cảm giác hạnh phúc mà mình có mỗi khi bên anh dù không có chút nào xác thịt. Mối tình tương ứng tương cảm, được xây từ hiểu biết và thông cảm. Như anh vẫn nói chuyện của mình là tâm ứng tâm, không dễ ai hiểu nổi, trừ những cặp thầy trò trong Phật pháp.

Anh là thầy tôi trong đời sống. Chuyện gì quan trọng tôi đều hỏi anh, mọi phân tích của anh đều kín kẽ, thuyết phục. Buồn gì, tôi tìm anh. Anh pha trà, lặng im nghe tôi kể lể, nói những chuyện đâu đâu. Hoặc tôi sẽ không nói, ngồi ngắm mấy cái lá mới nhú trong chậu cây. Anh thổi chén trà đưa cho rồi bảo, rồi em sẽ thấy chẳng có gì quá quan trọng đâu, chỉ sức khỏe của mình là quan trọng nhất. Em buồn là em tự làm tổn hại sức khỏe của mình. Mà anh đọc những trang em viết rồi, rất thú vị và tinh tế. Đừng thức khuya viết nhé.

Muốn giận dỗi anh cũng khó, cứ như lúc nào anh cũng sẵn sàng xử lý mọi chuyện tôi gặp. Mỗi lần tôi xuống xe, anh đều nhìn một cách chăm chú, đợi tôi cúi đầu chào, anh mới đóng cửa xe và đi. Trời rét, anh khoác cho cái áo, dặn phải biết giữ mình. Đọc câu chuyện tôi viết về tình yêu của người đời, anh khóc và bảo, sẽ không đọc nữa, đọc cảm động khiến mình yếu lòng. Kỳ cục thế. Anh luôn ngủ sớm theo một giờ nhất định, ngày nào tôi quên hỏi gì đó khuya, hôm sau bị nhắc ngay, hãy biết quý giấc ngủ, không trẻ mãi được đâu. Thật. Tôi thấy mình cũng già đi nhiều.

Sau cơn mưa này tôi và anh sẽ xa nhau. Quyết tâm không đi đâu cùng nhau, không uống trà hay ngồi bên nhau trò chuyện nữa. Bởi có quá nhiều thứ tác động xấu đến chúng tôi. Chẳng có ai người ta tin chuyện đàn ông đàn bà thân thiết nhau mà không có gì xảy ra. Nhiều xoi mói, nghi kỵ, cả những bịa tạc đã ném vào anh và tôi. Anh im lặng. Tôi tìm cái cây dựa vào gốc nó mà buồn. Nhưng xét ra, đúng là tôi đã yêu anh, và anh cũng vậy, trong thẳm sâu tôi biết. Nhỡ đâu, rồi chúng tôi lại gây ra bão tố, gây ra tội lỗi?

Giấc mơ ấy đã thay đổi tôi. “Em cưới anh nhé” - Anh nói thế và cúi xuống hôn xiết đôi môi của tôi giữa rừng hồi xanh thẫm. Hương hồi chín sực nức, ngào ngạt loang ra. Mớ tóc tôi xổ tràn trên mặt anh. Tiếng gió trong khe sâu vang lên nghe u u trầm trầm như ai đó thổi một nhạc cụ huyền thoại. Anh và tôi ngồi ở một bãi cỏ mênh mông, vàng rực nắng. Anh bỗng hôn tôi thật chậm, thật dài. Chiếc váy dài bung ra, và hai người trôi trên mây xốp bồng bềnh.

Ẩm ướt và nóng bỏng, anh đã tan trong tôi một cách mê mải, vô tận. Tôi gào lên trong cực cảm tuôn trào và ôm anh mãi không buông. Rồi anh bỗng vuột khỏi vòng tay tôi, bay vút lên tán cây. Tôi bàng hoàng đưa tay lên môi ướt. Anh nhòm xuống cười ha ha rồi sải đôi cánh trắng muốt bay đi. Giật mình. Tôi mở mắt. Một giấc mơ lạ lùng. Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng. Nhớ mùi tóc anh như mùi bạc hà, bàn tay anh luôn hồng hào, tôi vẫn cầm áp lên má mình mỗi dịp gặp nhau.

Tỉnh dậy, tim vẫn còn đập loạn xạ. Cảm giác tội lỗi len lỏi trong sâu thẳm. Và tôi quyết định gọi cho anh, rằng mỗi người nên đi một ngả. Đi đến chốn nào thì tôi không định hình được. Anh chỉ hỏi, quyết tâm chưa, rồi bảo, phải biết tự yêu mình, tự chăm sóc bản thân mình thật tốt và nuôi dưỡng niềm vui sống một cách giản dị. Vâng, tôi sẽ vẫn ngắm mặt trời lên trước nhà và đám hoa dại như muôn ngày đã qua, sẽ không gặp anh, mà sẽ nhớ anh trong cõi của mình.

Anh chuyển về Lạng Sơn quê anh, nơi có những rừng hồi thơm ngào ngạt khi viện dưỡng lão vừa hoàn thành. Anh nhắn qua điện thoại sẽ gửi cho tôi một cây hồi, để tôi mang về trồng cạnh cái cây của tôi.

Không biết khi nhắn vậy, anh có nghĩ rằng, mỗi lần thăm cây thì tôi nghĩ gì không? Những giấc ngủ ngắn ngay dưới gốc cây cho tôi sống với ký ức nào không? Chắc chắn, một hồi nào đó, chừng mấy chục năm sau, hai ông bà già lẩm cẩm, tóc như cước ngồi dưới gốc cây cười như trẻ con ấy là anh em mình, anh nhỉ.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/410173/cay-tri-ky.html