Cây trồng chủ lực trên đồng đất Thuận Châu

Đến Thuận Châu những ngày này, tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi người là những vườn, đồi cà phê đang bước vào vụ thu hoạch. Cà phê mới bắt đầu vào vụ, được thương lái thu mua từ 7.500 - 8.500 đồng/kg. Bà con nông dân phấn khởi vì năm nay cà phê được mùa, được giá.

Nhân dân bản Trộ Phảng, xã Chiềng Pha thu hoạch cà phê.

Nhân dân bản Trộ Phảng, xã Chiềng Pha thu hoạch cà phê.

Cây cà phê đang được xem là cây trồng chủ lực của huyện Thuận Châu, được trồng nhiều tại các xã: Nậm Lầu, Bon Phặng, Muổi Nọi, Tông Cọ, Chiềng Pha, Chiềng Bôm... với 5.000ha đã cho thu hoạch, năng suất từ 8-10 tấn/ha.

Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Từ năm 2022 đến nay, Phòng đã tham mưu với UBND huyện kế hoạch liên kết chuỗi sản xuất cà phê 85 ha tại xã Púng Tra, Chiềng Pha, Muổi Nọi. Phối hợp với Công ty cổ phần cà phê DETECH rà soát hỗ trợ phát triển quy trình canh tác 3 ha cà phê Arabica giống mới đặc sản tại bản Quỳnh Châu, xã Phổng Lái. Hoàn thiện quy trình cấp giấy chứng nhận VietGap cho 30 ha cà phê tại xã Púng Tra và 100 ha tại xã Chiềng La. Phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai mô hình canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, huyện còn phối hợp với Hội Cà phê Sơn La tham gia các sự kiện, dự án, các chương trình của tỉnh về phát triển cà phê, cây công nghiệp, nông sản xuất khẩu. Tham gia các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê Sơn La, như: Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại tỉnh Sơn La năm 2022; Lễ hội cà phê Thành phố năm 2022; qua đó giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của huyện.

Ông Lường Văn Hải, bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha, chia sẻ: Gia đình tôi có 2 ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng đạt 18 tấn/năm. Quá trình trồng và chăm sóc, chúng tôi được cán bộ huyện và HTX liên kết nông nghiệp sạch Pha Đin hướng dẫn, chăm sóc, cách bón phân theo nguyên tắc “4 đúng”. Giá cà phê so với cùng thời điểm năm trước cao hơn 1.000 đồng/kg.

Trên địa bàn huyện Thuận Châu đang có 10 cơ sở chế biến và 5 HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê, tập trung tại các xã Nong Lay, Chiềng Pha, Chiềng Ngàm, Phổng Lái và Muổi Nọi. Mạng lưới các đại lý thu gom cà phê có mặt ở các nương, vườn, góp phần quan trọng giúp bà con kịp thời đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Xưởng sản xuất, sơ chế cà phê của HTX liên kết nông nghiệp sạch Pha Đin, bản Chiên Luông Mai, xã Chiềng Pha, thời điểm này luôn tấp nập xe tải ra, vào chở cà phê để sơ chế. Anh Bùi Công Thành, Giám đốc HTX, cho hay: Mới vào đầu vụ, mỗi ngày xưởng thu mua từ 7-10 tấn cà phê tươi cho các hộ dân khu vực các xã Chiềng Pha, Nậm Lầu, Chiềng Bôm... với giá trung bình từ 7.500-8.500 đồng/kg; duy trì 12 đầu xe tại 35-40 điểm thu mua, tạo thuận lợi cho bà con trồng cà phê.

Xã Púng Tra đang có trên 350 ha cà phê, tập trung ở các bản Tra, Púng Lọng, Púng A, Púng B, sản lượng đạt trên 3.000 tấn/năm. Xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp, trong đó có phát triển bền vững cây cà phê, UBND xã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác cây cà phê theo hướng VietGap. Cà phê ở xã chủ yếu là giống Catimor; 3 năm gần đây, giá cà phê từ 7.000-15.000 đồng/kg, tạo nguồn thu nhập chính cho nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 3-5%/năm. Đến nay, Púng Tra có 2 HTX trồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê cho nhân dân.

Anh Lường Văn Diêu, Giám đốc HTX Tú Tài, bản Tra, xã Púng Tra, cho biết: HTX được thành lập năm 2018, với 11 thành viên, trồng 10 ha cà phê và liên kết với 93 hộ dân trong bản trồng 64 ha cà phê. Hiện nay, HTX đã hoàn thành các bước để được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận vùng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tại Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất chuẩn bị được diễn ra, huyện Thuận Châu đã chuẩn bị các điều kiện để trưng bày 7 gian hàng giới thiệu các thành tựu phát triển KT-XH, tiềm năng phát triển cà phê trên địa bàn; trưng bày các sản phẩm chế biến từ cà phê, giới thiệu cách pha chế cà phê của HTX liên kết Pha Đin và Công ty cổ phần cà phê Detech. Giới thiệu các Tour du lịch trải nghiệm vườn cà phê, như: Tham quan vườn cà phê tại bản Trọ Phảng, xã Chiềng Pha; vườn cà phê trồng theo phương pháp nông lâm kết hợp; tham quan sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng tại HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận...

Cây cà phê mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Thuận Châu.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/cay-trong-chu-luc-tren-dong-dat-thuan-chau-q97VgGMIR.html