Cây xanh ngã, đổ do mưa bão: Trồng lại hay thay mới?

Theo thống kê, ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã có khoảng 25.000 cây xanh bị đổ, gãy cành. Một số ý kiến cho rằng, những cây nào quý, khỏe cần trồng lại ngay tại vị trí đó. Cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc, bởi bài học về những dự án trồng cây vừa qua khi đánh bầu cắt rễ cái (rễ cọc) đã làm cho hàng nghìn cây mới trồng vài năm qua bật gốc. Bên cạnh đó, liệu trong đô thị có nên trồng cây cổ thụ cũng là câu chuyện nhiều người đặt ra…

Cần quy hoạch và chọn đúng loại cây trồng phù hợp với đặc điểm của từng loại không gian cảnh quan cho mỗi đô thị để hạn chế việc gãy đổ cây. Ảnh: Lê Minh.

Cần quy hoạch và chọn đúng loại cây trồng phù hợp với đặc điểm của từng loại không gian cảnh quan cho mỗi đô thị để hạn chế việc gãy đổ cây. Ảnh: Lê Minh.

Những ngày này, Hà Nội đang bắt đầu công cuộc “hồi sinh” những cây xanh bị ngã đổ sau mưa bão.

Liên quan đến công tác khắc phục tình trạng cây gãy, đổ do bão, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chỉ đạo: Cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ; vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo: Đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay, bảo đảm cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc thực hiện di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào các vị trí phù hợp trên địa bàn thành phố, hoàn thành trước ngày 15/9/2024.

Đáng chú ý, khi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi bị hư hại do bão, cần cố gắng giữ, trồng lại.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng những cây xanh có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy đổ, việc cắt cành, di chuyển về vườn ươm trồng lại có khả năng thực hiện được, tỷ lệ sống cao hơn, do vẫn còn là cây trẻ, bộ rễ chưa phát triển hết. Tuy nhiên, với cây cổ thụ, cây có đường kính lớn, việc trồng lại là rất khó vì cây đã sinh trưởng nhiều năm, bộ rễ ít có khả năng tái tạo.

Cây xanh ngã, đổ trong bão số 3 tại một tuyến phố ở Hà Nội được cắt tỉa để chuẩn bị trồng lại. Ảnh: Đức Quang.

Cây xanh ngã, đổ trong bão số 3 tại một tuyến phố ở Hà Nội được cắt tỉa để chuẩn bị trồng lại. Ảnh: Đức Quang.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội, việc trồng lại cây bị bật gốc, ngã đổ do ảnh hưởng mưa bão sẽ được kiểm tra và xem xét cụ thể từng trường hợp. Vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản chỉ đạo về việc triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây xanh gãy, đổ sau cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố. Đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay nhằm đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc thực hiện di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào các vị trí phù hợp trên địa bàn thành phố. Đơn vị sẽ triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho hay, đơn vị sẽ cố gắng giữ tối đa cây xanh để trồng lại. Tuy nhiên những cây này phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn và an toàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Ngô Quang Đê - nguyên Chủ nhiệm Khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Lâm Nghiệp cho biết, những cây bị bật gốc ngã đổ nếu trồng lại thì cũng cần chú ý, nếu cây kích thước lớn (đường kính trên 50cm) khi trồng lại rất khó sống. Bên cạnh đó, vừa qua số lượng cây bật gốc, gãy đổ rất lớn. Các đơn vị phụ trách không thể xử lý hết trong ngày 1, ngày 2 mà cần khá nhiều thời gian. Vì thế, cần phải có cách bảo quản những cây chưa kịp xử lý trồng lại bằng cách sử dụng phương thức gì đó để che đậy giữ ẩm cho bộ rễ tránh bị khô, dẫn đến cây bị yếu, khi trồng lại khả năng sống không cao, cũng như chậm phát triển.

Đối với việc có nên trồng lại cây cổ thụ trong phố, theo GS Ngô Quang Đê vẫn nên thực hiện nhưng trồng từ cây bé, chứ không mang cây lớn về trồng, khả năng phát triển và bám đất kém, dễ dẫn đến gãy, đổ.

“Trồng lại hay trồng mới cây gì thì cũng phải chú ý đảm bảo đúng ký thuật để cây sớm “lấy lại sức” và phát triển. Đồng thời hạn chế việc bật gốc, ngã đổ sau này. Tránh trường hợp lặp lại việc trồng hố nông, không bỏ bọc bầu,… không đúng kỹ thuật như những trường hợp phát hiện mới đây”- GS.TS Ngô Quang Đê nói thêm.

Còn ông Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, việc cây xanh ngã, đổ hàng loạt cũng còn nằm ở vấn đề là do chủng loại cây đô thị không phù hợp, kỹ thuật trồng cây cũng cần phải khắc phục. “Gió bão gây đổ cây là không tránh khỏi, vì ngay cả ô tô còn bị thổi bay. Tuy nhiên, nếu trồng cây to, lúc đầu nhìn thì đẹp nhưng rễ không ăn sâu được xuống lòng đất, cây dễ bị sâu bệnh và gãy đổ” - ông Học nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, TP Hà Nội nên trồng cây bé, sinh trưởng khỏe, sẽ không bị gãy đổ trong mùa mưa bão. Nếu trồng cây nhỏ theo phương pháp đào hố sâu khoảng 1m, rồi lấp đất dần theo sự sinh trưởng của cây, xung quanh dùng cọc chống đỡ cẩn thận thì không bao giờ bị đổ vào mùa mưa bão.

Trước vấn đề này, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, bão đi qua, chính quyền cũng như cơ quan chức năng TP Hà Nội cần nhìn nhận một cách tổng thể để có chính sách quản lý chặt chẽ hơn đối với vấn đề cây xanh.

“Theo quy trình chống bão, trước khi bão đến phải đi kiểm tra. Ngay trong mùa bão buộc phải rà soát lại tất cả cây xanh và phải cưa những cây, cành có nguy cơ gãy đổ. Các loại cây trồng cũng cần xem lại về chủng loại. Cần trồng những loại cây có thể chống được bão, vấn đề này các chuyên gia nông nghiệp họ có thể tư vấn được ngay” - ông Hồng chia sẻ.

Chủng loại, kích thước và độ tuổi khi trồng cây xanh đô thị

Theo PGS.TS Đặng Văn Hà - Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp), khi khai thác đưa cây vào trồng trong đô thị (đa phần là cây có kích thước lớn), hệ thống phần rễ cọc đều bị chặt đứt chỉ có thể phát triển rễ bên. Với cây kích thước càng lớn, phần rễ chặt đi càng nhiều do khó thu hồi toàn bộ hệ thống rễ - đây là hiện tượng chung với cây đô thị hiện nay. Một nhược điểm nữa của việc trồng cây trong đô thị hiện nay là kích thước cây đưa vào trồng chưa rõ ràng. Có tuyến phố trồng cây có đường kính lên tới 15-20cm, như thế rất nguy hiểm. Chỉ nên chọn trồng những cây còn nhỏ, đường kính 8-10cm nhưng bộ rễ chính cọc phải bảo tồn được để cây phát triển sau này.

Vẫn theo PGS.TS Đặng Văn Hà, mỗi đô thị có đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, cấu trúc không gian kiến trúc công trình. Do đó, phải quy hoạch và chọn đúng loại cây trồng phù hợp với đặc điểm của từng loại không gian cảnh quan cho mỗi đô thị là yếu tố quan trọng. Đặc biệt, đối với cây trồng đường phố, loại cây này bị tác động bởi yếu tố hạ tầng, yếu tố con người cho nên cần theo dõi chặt chẽ. Với cây xanh đô thị cần quan tâm từ khâu chọn chủng loại, chọn kích thước độ tuổi khi đưa vào trồng, và chuẩn bị đất trồng xung quanh có đủ độ tươi xốp, thoáng khí để rễ phát triển ra được. Khi diện tích xung quanh chật chội rễ sẽ chỉ phát triển trong phạm vi hẹp, trong khi tán lá trên rậm rạp, không cắt tỉa thường xuyên sẽ dễ dàng gãy đổ khi xảy ra mưa bão.

P.V

Quốc Thanh-Lê Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cay-xanh-nga-do-do-mua-bao-trong-lai-hay-thay-moi-10290179.html