CCB làm kinh tế giỏi
Hội viên CCB Ma Xuân Huỳnh, Chi hội thôn Bản Dạ, xã Sơn Phú (Na Hang) phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không ngại khó, ngại khổ vượt lên hoàn cảnh. Anh đã tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương, xây dựng mô hình kinh tế cho thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm.
Từ năm 2015 trở về trước, gia đình anh thuộc hộ nghèo vì có vợ thường xuyên đau ốm, con còn nhỏ, anh là lao động chính trong gia đình. Thu nhập của gia đình chỉ trông mong vào mấy sào ruộng và nghề lái xe thuê của anh. Nhiều năm lái xe, anh tích lũy được kinh nghiệm làm ăn. Năm 2016, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện; 100 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua lại chiếc xe tải cũ để chạy hàng. Anh thường lấy hoa quả, rau củ tại các chợ đầu mối rồi đổ buôn tại các chợ vùng cao của tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Tuyên Quang… Anh còn kinh doanh thêm cây giống lâm nghiệp, cây hoa quả cung ứng cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh theo mùa vụ, kinh doanh than củi. Nhờ có hướng đi mới, gia đình anh đã thoát nghèo trong năm 2016.
Nhận thấy cây giống được lấy từ các vườn ươm có chất lượng tại tỉnh Phú Thọ sau đó vận chuyển về huyện Na Hang bị hỏng nhiều do đường xa, năm 2018, anh Huỳnh quyết định phát triển mô hình kinh tế sản xuất giống cây lâm nghiệp. “Vốn được đào tạo nghề nông, lâm, ngư nghiệp trước khi xuất ngũ nên bắt tay sản xuất cây giống với tôi không quá khó khăn. Tôi tự trau dồi, tự học thêm kỹ thuật gieo, trồng, chăm sóc trên mạng Internet” - anh Huỳnh cho biết. Sau gần 3 năm triển khai, mỗi năm mô hình của anh cung ứng thị trường 30 vạn cây giống gồm keo, mỡ, xoan, hồi, tre bát độ; chưa kể đến sản xuất và cung ứng các loại giống cây giống hoa quả như cam sành, quýt… Mô hình thường xuyên tạo việc làm thời vụ cho từ 15 - 20 lao động địa phương, mức thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày. Sau khi trừ chi phí, anh thu được khoảng 150 triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, gia đình anh duy trì đàn lợn sinh sản và thương phẩm, chăn nuôi gà, cho thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng/năm.
Tích lũy được thêm đồng vốn, đầu năm 2020, anh đầu tư khoảng 200 triệu đồng để xây lò, mua nguyên liệu để sản xuất than củi. Theo anh Huỳnh, hiện nay tại địa phương chưa có ai làm mô hình này trong khi nguyên liệu sẵn có, tận dụng gỗ, củi của vườn rừng khai thác và nhu cầu của thị trường rất lớn, nhất là trong mùa đông này. Hiện nay, anh đã sản xuất, chuẩn bị xuất ra thị trường khoảng trên 5 tấn.
Đồng chí Chúc Đức Chính, Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Phú cho biết, hội viên Ma Xuân Huỳnh là người năng động, nhạy bén, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Hội sẽ tiếp tục xây dựng mô hình kinh tế của anh là điển hình tiên tiến trong toàn Hội nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng của hội viên CCB toàn xã.