CDC Mỹ: Mũi tăng cường vắc xin COVID-19 đặc biệt quan trọng với người cao tuổi, bệnh nền

Tuần trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) đã cho phép tiêm liều tăng cường thứ hai vắc-xin COVID-19 do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất . Sự cho phép này áp dụng cho các cá nhân từ 50 tuổi trở lên, cũng như một số người bị suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên.

Nếu bạn trên 65 tuổi hoặc đang gặp các vấn đề về suy giảm hệ miễn dịch thì nên tiêm mũi tăng cường thứ hai.

Nếu bạn trên 65 tuổi hoặc đang gặp các vấn đề về suy giảm hệ miễn dịch thì nên tiêm mũi tăng cường thứ hai.

Tiến sĩ Rochelle P. Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, cho biết mũi tiêm tăng cường thứ hai là đặc biệt quan trọng đối với những người từ 65 tuổi trở lên và những người từ 50 tuổi trở lên có các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng từ COVID-19.

Có sự đồng thuận rằng mũi tiêm tăng cường thứ hai là an toàn và những người từ 65 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch ở mọi lứa tuổi sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ mũi tiêm nhắc lại thứ hai, John P. Moore, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Weill Cornell Medicine, cho biết.

Moore nhấn mạnh rằng, những người khỏe mạnh ở độ tuổi 50 trở lên nên tiêm mũi tăng cường thứ hai ngay bây giờ nếu họ muốn, nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu.

FDA cho biết, bất kỳ ai từ 50 tuổi trở lên đều có thể nhận được liều nhắc lại thứ hai của loại vắc xin mRNA - Pfizer-BioNTech hoặc Moderna - nếu đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất được ít nhất bốn tháng.

Những người trẻ hơn (những người trên 12 tuổi đã tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc những người trên 18 tuổi đã tiêm vắc xin Moderna) cũng có thể tiêm liều nhắc lại thứ hai nếu họ có các tình trạng làm suy giảm phản ứng miễn dịch.

FDA cho biết: “Đó là những người đã trải qua cấy ghép nội tạng, liên quan đến việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, hoặc những người đang sống trong điều kiện được coi là có mức độ suy giảm miễn dịch tương đương”.

Một nghiên cứu, được đăng vào ngày 1/2 lên cơ sở dữ liệu medRxiv , được tiến hành với hơn một triệu người từ 60 tuổi trở lên đã được tiêm một hoặc hai mũi tăng cường ở Israel. Thời gian theo dõi rất ngắn - chỉ 12 ngày - nhưng cho rằng tỷ lệ bệnh nặng thấp hơn khoảng 4 lần ở nhóm được tăng cường gấp đôi, Eric Topol, giáo sư y học phân tử tại Scripps Research ở La Jolla, California, cho biết.

Một nghiên cứu khác từ Israel, được đăng vào ngày 24/ 3 trên cơ sở dữ liệu trước khi in trên tạp chí Nature , đã được tiến hành với hơn 560.000 người từ 60 tuổi trở lên, và cho thấy rằng những người được tiêm nhắc lại lần thứ hai có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn 78% so với những người chỉ nhận một mũi tăng cường.

Tuy nhiên, sự gia tăng khả năng bảo vệ này kéo dài bao lâu là một câu hỏi mở.

Có bất kỳ rủi ro an toàn nào đối với mũi tăng cường thứ hai không?

Dữ liệu hiện có cho thấy rằng, các mũi tiêm nhắc lại thứ hai không đi kèm với bất kỳ mối quan tâm an toàn đáng chú ý nào, theo FDA.

Bộ Y tế Israel đã gửi cho FDA một bản tóm tắt dữ liệu giám sát an toàn được thu thập từ khoảng 700.000 người - chủ yếu trên 60 tuổi - đã nhận liều nhắc lại thứ hai của vắc xin Pfizer-BioNTech ít nhất bốn tháng sau liều nhắc lại đầu tiên của họ. Phân tích này không cho thấy mối quan tâm mới về độ an toàn.

FDA cho biết: “Không có mối lo ngại mới nào về an toàn được báo cáo trong thời gian 3 tuần theo dõi sau liều tăng cường thứ hai”.

Ai nên tiêm liều tăng cường thứ hai?

Về việc ai nên tiêm phòng mũi tăng cường thứ hai ngay bây giờ, Topol đã viết trên blog của mình rằng, nên tiêm mũi tăng cường thứ hai nếu đã hơn 4 đến 6 tháng kể từ lần tiêm nhắc lại mũi tăng cường thứ nhất và bạn trên 50 tuổi, bạn đã dung nạp tốt các mũi tiêm trước đó, và bạn lo lắng về làn sóng BA.2 nơi bạn sống.

Đối với những người đã tiêm ba liều vắc xin mRNA và bị mắc biến chủng Omicron ngay bây giờ không cần phải tiêm mũi tăng cường thứ hai, Topol viết.

Một số người lo ngại rằng, việc tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường thứ hai có thể phá hoại nỗ lực của hệ thống miễn dịch để ngăn chặn các biến thể SAR-CoV-2 trong tương lai. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy việc nhận nhiều liều tăng cường chống lại cùng một biến thể có tác dụng làm suy yếu hệ miễn dịch. Nói chung, các liều tăng cường lặp lại có thể mang lại kết quả giảm dần.

"Theo những gì chúng ta biết cho đến nay, liều thứ ba có thể là liều lượng quan trọng nhất", Moore nói, đề cập đến việc tiêm mũi tăng cường mRNA đầu tiên. Mũi tăng cường này có thể giúp củng cố trí nhớ của miễn dịch trong khi cũng mở rộng các đặc điểm của virus có thể được hệ thống miễn dịch nhận ra.

Hà Thu

Theo Live Science

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cdc-my-mui-tang-cuong-vac-xin-covid-19-dac-biet-quan-trong-voi-nguoi-cao-tuoi-benh-nen-post1428734.tpo