CEO có hai bằng sáng chế ở Mỹ: 'Tôi không mê kiếm tiền'

'Tôi tiêu tốn hết gần 13 tỉ đồng mới tìm thấy con đường đi của mình' - CEO Công ty Treant Protector Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Bỏ học chuyên ngành công nghệ thông tin giữa chừng tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vì đam mê kiếm tiền và “đốt” hàng tỉ đồng cho mục tiêu khởi nghiệp, giờ đây Phạm Anh Tuấn, thế hệ 9X, Công ty Treant Protector, mới tìm thấy lối đi vững chắc cho con đường thương mại hóa sản phẩm. Đó là chuyên sản xuất máy và giải pháp công nghệ trồng cây trong nhà.

Đáng chú ý chiếc máy của Tuấn có khả năng trồng mọi loại cây rau, các loại cây dược liệu, thậm chí trồng được sâm Hàn Quốc.

Sau tai nạn… nảy sinh làm máy trồng cây

. Phóng viên: Tại sao anh lại chọn ý tưởng trồng cây trong nhà, nó đến tình cờ hay là một cơ hội cần nắm bắt?

+ CEO Phạm Anh Tuấn: Khi rời khỏi trường đại học, tôi trải qua làm nhiều ngành kinh doanh khác nhau và kiếm được tiền tỉ từ lúc còn rất trẻ. Có lẽ cái máu kinh doanh sẽ tiếp tục nếu không có một tai nạn buộc tôi phải nằm im trên giường trong ba tháng.

Trên giường bệnh, có thời gian chiêm nghiệm lại cuộc sống, tôi bỗng mình thấy trân trọng, yêu thương cuộc sống và gia đình hơn, cảm thấy tiền bạc không còn ý nghĩa. Và bỗng dưng xuất hiện niềm yêu thương thiên nhiên, cây cối. Do đó tôi quyết định tìm kiếm các công nghệ và nung nấu giải pháp xây dựng cái máy trồng cây trong nhà.

. Từ ý tưởng đến triển khai thực tế là một quá trình không dễ, vậy anh khởi đầu từ đâu?

+ Mới đầu mọi thứ tôi đều học từ trên mạng. Sau đó tôi tìm hiểu những mô hình trồng cây trong nhà thực tế. Từ khi lên ý tưởng thiết kế bản vẽ, hình dạng, kích thước, chạy các thuật toán, hệ thống dinh dưỡng, quang hợp, tưới tiêu cho đến lúc ra được mẫu chạy thử đầu tiên và chạy một cách ổn định mất hai tháng.

Tuy nhiên, lúc đó tôi lại định hình một ý tưởng khác là một cái máy trồng cây rau trong nhà phải trồng được nhiều loại chứ một vài loại thì không hiệu quả.

. Để trồng nhiều loại cây, anh làm cách nào?

+ Tôi bắt đầu con đường chinh phục từng loại cây. Nhưng tôi không xây dựng các thuật toán giả lập mà học theo chính mẹ thiên nhiên. Chẳng hạn, cây húng láng thì phải trồng tại đúng làng Láng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) mới ngon. Vậy là tôi đến đó tổng hợp các yếu tố dữ liệu ở vùng đất đó và mô phỏng lại tương tự chứ không tạo ra các thuật toán giả định áp lên cho cây.

Khi tổng hợp dữ liệu với mục đích ban đầu là trồng cây, vô hình trung tôi phát hiện ra mình đang xây dựng một công nghệ giả lập khí hậu và môi trường. Chính việc xây dựng công nghệ giả lập khí hậu và môi trường theo mẹ thiên nhiên đã giúp tôi lấy được bằng sáng chế bên Mỹ.

CEO Phạm Anh Tuấn: Việc tôi đăng ký sáng chế tại Việt Nam không thành công vì không tìm được những đơn vị đủ sức diễn tả hết những cái mà mình muốn bộc lộ. Ảnh: QUANG HUY

CEO Phạm Anh Tuấn: Việc tôi đăng ký sáng chế tại Việt Nam không thành công vì không tìm được những đơn vị đủ sức diễn tả hết những cái mà mình muốn bộc lộ. Ảnh: QUANG HUY

Vượt qua giai đoạn khủng hoảng

. Sau khi thử nghiệm trồng loại rau thì quá trình thương mại hóa ra sao?

+ Cũng không phải dễ dàng, khó hơn những gì tôi kỳ vọng ban đầu. Giai đoạn nghiên cứu cũng đã gần hoàn thiện và khởi đầu chuyển sang thương mại hóa bị bế tắc. Đây là giai đoạn khủng hoảng của công ty khi bộ máy đang “đốt” 850 triệu đồng/tháng. Hơn nữa, một khi gọi vốn không được, toàn bộ hệ thống bị gãy, mọi thứ gần như phải dừng lại.

Tôi còn nhớ đến thời điểm này, công ty đã chi gần 13 tỉ đồng gồm vốn tự có của tôi lẫn của một nhà đầu tư. Toàn bộ số tiền này chủ yếu phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ.

. Gãy hết, vậy anh và các cộng sự của mình giải quyết bài toán tiếp theo ra sao?

+ Giai đoạn đó phải đi vay mượn và cùng với những người còn lại bám trụ với công ty bò lăn qua ngày, mãi về sau mới định hình hướng phát triển. Lúc đó tôi đi gặp gỡ nhiều người để xin tư vấn. Họ bảo rằng thứ mà khách hàng cần nhất chính là cái máy trồng rau sạch trong nhà, trong khi tôi đi làm máy giả lập khí hậu để trồng sâm, dược liệu đắt tiền làm gì.

Tôi tỉnh ngộ ra, vậy là chỉ cần sản xuất máy trồng rau, hoa đơn thuần. Có nghĩa rằng biến cái máy cao cấp trở nên một cách cơ bản nhất và rẻ tiền nhất nhưng vẫn đáp ứng trồng cây tự động hóa trong nhà.

Chỉ cần mở ứng dụng trồng cây và… chờ hái quả

Tôi là người tay ngang sang làm mảng nông nghiệp nên tư duy cũng giống như khách hàng. Một khách hàng bình thường không có nhiều kiến thức về nông nghiệp. Do đó, tôi định hình sản phẩm theo hướng người dùng thích trồng cái gì chỉ cần bỏ hạt giống vào trong máy. Sau đó mở ứng dụng (app) chọn đúng loại cây mình thích trồng, bấm và máy sẽ tự động làm mọi thứ và chỉ đợi thu hoạch thôi.

AnhPHẠM ANH TUẤN

Muốn chinh phục thị trường nước ngoài

. Mọi việc đối với anh bây giờ có vẻ đã thuận lợihơn?

+ Thật ra khi ra thị trường cũng gặp vấn đề khác. Đó là khó có độ phủ lớn tại phân khúc căn hộ do ít người sẵn sàng bỏ 30 triệu đồng để mua máy. Tuy vậy, sau đó tôi cũng đã nhận được hợp đồng bán sỉ 100 máy cho một đơn vị để đưa vào gói thiết kế của họ.

Từ những đơn hàng nhỏ này thì thị trường đã giúp tôi vỡ ra nhiều điều. Chẳng hạn những người ở nhà phố họ muốn có một máy trồng cây trong gầm cầu thang để tận dụng khoảng không lãng phí. Hay mình không thể ép khách hàng mua thiết kế sẵn có nên tôi thiết kế linh hoạt theo nhu cầu và sở thích của họ.

Ngoài ra, tôi chuyển qua cung cấp giải pháp công nghệ cho các đơn vị trồng cây, vì họ có sẵn khách hàng khá lớn.

. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh suy nghĩ ra saovà những định hướng sắp đến là gì?

+ Tôi nhìn thấy đây là sự may mắn, vì trước đây chỉ đơn thuần kinh doanh, tức là chỉ biết sống chết kiếm tiền, không có mục đích sống nào cả. Nay chuyển qua nghiên cứu, tôi thấy bây giờ là con đường tuyệt vời giúp nhìn nhận đúng bản thân, mục tiêu sống và sống để đam mê theo đuổi sáng tạo. Một sự may mắn khác là có nhà đầu tư cùng đồng hành, hiểu mình và rót tiền cho mình để đeo đuổi ước mơ.

Định hình trong tương lai là sẽ xuất khẩu công nghệ này đi đến nhiều quốc gia, vì khả năng đáp ứng nhu cầu cho khách nước ngoài phù hợp hơn về điều kiện sống và chi phí. Tôi cũng đang nỗ lực xây dựng máy hoàn thiện hơn để có thể phá vỡ các đặc trưng vùng miền, giúp mọi người có thể trồng bất cứ loại rau, hoa hay dược liệu nào theo mong muốn.

. Xin cám ơn anh.

Việt Nam bác, Mỹ công nhận

. Tại sao Tuấn lại chọn Mỹ để lấy bằng sáng chế chứ không phải tại Việt Nam?

+ Thật ra tôi chọn Việt Nam đầu tiên để xin cấp bằng sáng chế nhưng bị bác. Vì trong giai đoạn phản biện, những người có thẩm quyền cho rằng công nghệ của tôi không có tính mới. Họ nói rằng cái máy của tôi không khác gì các trang trại công nghệ cao.

Tôi cũng đã có phản biện lại rất nhiều, thậm chí còn nói rằng nếu nói như vậy khác gì ví điện thoại di động không khác điện thoại bàn. Mặc dù tranh luận nhiều nhưng ý của họ vẫn là công nghệ của tôi chỉ đạt được giải pháp hữu ích chứ không phải là sáng chế.

Do đó tôi quyết định mang toàn bộ công nghệ này sang Mỹ xin bằng sáng chế.

. Vậy người Mỹ giải quyết ra sao và anh có đối diện với khó khăn như tại Việt Nam?

+ Khó khăn hơn gấp bội. Mới đầu tôi tự làm lấy mọi thứ và nộp cho cơ quan chức năng của Mỹ. Tất nhiên cũng bị họ “hành” cho ra trò vì làm chưa đúng hình thức. Bên Mỹ để đi đến vòng thẩm định nội dung trước hết phải viết đúng theo các hình thức quy định.

Nhưng sau đó, thấy là không thể tự làm nên tôi quyết định nhờ các công ty Mỹ thực hiện thay. Một số công ty Mỹ thậm chí còn tỏ ra xem thường tôi khi đến gặp họ vì họ cho rằng mình không đủ khả năng sáng chế.

Qua quá trình đi tìm người tư vấn, may mắn gặp đúng một công ty luật của Mỹ chuyên về xin cấp bằng sáng chế. Họ chịu khó ngồi lắng nghe câu chuyện của tôi, sau đó họ bảo nộp các tài liệu đã từng làm để họ phân tích.

Tiếp đó họ theo sát tôi ròng rã một tháng trời để quan sát, ghi chép, tìm hiểu mọi thứ về công nghệ để nắm rõ hoàn toàn những gì mình làm. Rồi họ tìm kiếm xem có sáng chế nào tương tự không, phân tích xem công nghệ mình có tính mới ra sao.

Họ tổng hợp mọi thứ rồi viết một tài liệu về những sáng chế mình dự định đăng ký rồi nộp cho cơ quan cấp bằng sáng chế của Mỹ. Tất nhiên tôi phải đi bảo vệ từng nội dung trong đó trước các phản biện của các chuyên gia Mỹ. Sau khi chứng minh được và vượt qua hết các thẩm định của họ thì mình được công nhận bằng sáng chế thôi.

Hiện nay phía Mỹ cấp hai bằng sáng chế cho tôi. Thứ nhất là bằng sáng chế về thiết bị tủ trồng cây thông minh trong nhà; thứ hai là bằng sáng chế về công nghệ giả lập khí hậu và thổ nhưỡng.

PHƯƠNG MINH - QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/ceo-co-hai-bang-sang-che-o-my-toi-khong-me-kiem-tien-859713.html