CEO qua đời, khủng hoảng Samsung thêm trầm trọng
Việc lãnh đạo mảng kinh doanh smartphone và thiết bị điện tử đột ngột qua đời làm Samsung rung chuyển, đặc biệt trong giai đoạn được xem là khủng hoảng.
Sau khi ông Han Jong Hee, đồng CEO Samsung Electronics, bất ngờ qua đời hôm 25/3 do ngưng tim, ông Jun Young Hyun, phụ trách mảng bán dẫn và linh kiện khác, trở thành CEO duy nhất của Samsung. Chưa rõ có ai thay thế vị trí của người quá cố hay không.
Do sản xuất nhiều thiết bị điện tử và gia dụng, từ smartphone đến máy giặt, TV, Samsung thường dùng đến 2 CEO. Công ty còn là nhà cung ứng linh kiện lớn cho các hãng công nghệ khác. Dù vậy, những năm gần đây, chaebol lớn nhất Hàn Quốc gặp khó khăn khi ngành công nghiệp trải qua cuộc bùng nổ AI.

CEO Samsung Han Jong Hee đột ngột qua đời ngày 25/3. Ảnh: Bloomberg
Đối thủ SK Hynix đã đánh bại Samsung để trở thành nhà cung ứng chip băng thông tốc độ cao (HBM) cho Nvidia. Năm 2024 là năm thứ hai liên tiếp Apple bán nhiều smartphone hơn Samsung. Xưởng đúc chip TSMC nới rộng khoảng cách trong sản xuất chip tiên tiến và cam kết đầu tư ít nhất 100 tỷ USD vào Mỹ.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, Samsung nói sẽ đầu tư hàng chục tỷ USD để mở rộng sản xuất tại Texas. Samsung có một nhà máy lớn tại Mexico, là đối tượng chịu thuế nhập khẩu 25% của chính quyền Donald Trump, buộc họ phải cân nhắc phân bổ sản xuất thêm tại Mỹ.
Giá cổ phiếu Samsung giảm khoảng 22% trong năm qua, ngược lại với Apple, SK Hynix và TSMC, mỗi công ty tăng ít nhất 25%.
Tình cảnh của Samsung được nhấn mạnh trong thông điệp gần đây của Chủ tịch Lee Jae Yong. Trong một video gửi đến các lãnh đạo, ông Lee kêu gọi mọi người nêu cao tinh thần “làm hoặc chết”. Họ còn nhận được một tấm bảng khắc dòng chữ nhân viên Samsung “mạnh mẽ trong khủng hoảng, giỏi lật ngược thế cờ và quyết liệt trong cạnh tranh”.
Ông Han gia nhập Samsung năm 1988. Trong suốt sự nghiệp 37 năm, ông là người đã giúp công ty trở thành người chơi số 1 trên thị trường TV cùng các mảng điện tử tiêu dùng khác.
Phát biểu tại cuộc họp cổ đông thường niên tuần trước, cố CEO Samsung thừa nhận những khó khăn và thề sẽ vực dậy công ty. “Tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến các cổ đông vì giá cổ phiếu đáng thất vọng”, ông nói.
Mùa thu năm 2024, Samsung đã xin lỗi một lần vì để tụt hậu trong cuộc chiến chip AI.
Một trong những điều đặc biệt đáng lo ngại nhất là lợi thế công nghệ giữa Samsung và các công ty Trung Quốc đang dần bị thu hẹp. Chẳng hạn, Samsung chiếm 40% thị phần màn hình smartphone AMOLED toàn cầu năm 2024, giảm 20% chỉ trong hai năm do các thương hiệu Trung Quốc chuyển sang dùng hàng nội, theo hãng nghiên cứu CINNO.
Trung Quốc cũng đạt những bước nhảy vọt trong bán dẫn khi nước này ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng bản địa. Xưởng đúc chip SMIC của đại lục hiện là nhà thầu sản xuất theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới và đang rút ngắn khoảng cách với Samsung. Hãng nghiên cứu TrendForce cho biết, trong 5 năm, từ một tên tuổi vô danh, SMIC đã chiếm 10% thị phần memory thế giới.
Năm 2024, doanh thu thường niên Samsung tăng 16% lên gần 301 nghìn tỷ won (205 tỷ USD). Lợi nhuận hoạt động mảng linh kiện, bao gồm bán dẫn, đạt 15,1 nghìn tỷ won, bằng 1/3 thời kỳ đỉnh cao dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Liu Yushi – nhà phân tích cấp cao tại CINNO Research – nhận xét Samsung sở hữu năng lực sản xuất chip lớn nhất thế giới và có đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục đầu tư vào các công nghệ trọng điểm.
(Theo WSJ)
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ceo-qua-doi-khung-hoang-samsung-them-tram-trong-2384705.html