Nhà nước cần tạo môi trường để doanh nghiệp tư nhân tiên phong đầu tư
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) NGUYỄN HOÀI NAM, để kinh tế tư nhân trở thành động lực, trụ cột quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, Nhà nước cần tạo môi trường và nuôi dưỡng cảm xúc để doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong đầu tư, mạnh dạn mở rộng sản xuất, bắt kịp cơ hội tăng trưởng.
Tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động thay vì nghiêng về kiểm soát
- Ông đánh giá như thế nào về chính sách phát triển kinh tế tư nhân thời gian qua?
- Như nhiều chuyên gia đã nhận định, các chính sách hiện nay cho kinh tế tư nhân còn ít và mờ nhạt, chưa công bằng khi so với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng; trong tiếp cận đất đai, vốn, tín dụng, thủ tục hành chính và không ít chính sách ưu đãi khác.

Ngay trong cùng khối doanh nghiệp tư nhân cũng đã có sự “khác” giữa những doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình…; “khác” giữa doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản với doanh nghiệp công nghiệp, bất động sản, sản xuất, chế tạo, dịch vụ. Ngành nông nghiệp, thủy sản quan trọng với nước ta không chỉ về kinh tế, thương hiệu mà còn về sinh kế, văn hóa, nhưng những doanh nghiệp lĩnh vực này đa số là nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình và có nhiều thách thức hơn cả.
- Để thực sự tạo ra đột phá mang tính “cách mạng” như “Khoán 10” trong phát triển kinh tế tư nhân, theo ông, cần tiếp cận chính sách như thế nào?
- Tôi cho rằng, chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân cần phân định rõ giữa nhóm doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa, nhỏ; giữa nhóm doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản với doanh nghiệp các lĩnh vực còn lại. Chính sách cần huy động doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia các dự án lớn, quan trọng của đất nước. Với ngành thủy sản thì đó là việc xây dựng và hình thành các doanh nghiệp tư nhân lớn trong khai thác biển, trong hợp tác khai thác biển với các quốc gia có biển, trong xây dựng các hệ thống cầu cảng ở bờ biển và hải đảo. Đồng thời, cần nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân và trở thành đối tác của cơ quan nhà nước.
Các quy định pháp luật và thủ tục hành chính phải thông thoáng, dễ hiểu, minh bạch; bãi bỏ các quy định chồng chéo, bất hợp lý để tạo công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI; tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động thay vì nghiêng về kiểm soát. Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ để doanh nghiệp tư nhân không bị “bào mòn” nhiệt huyết và cải cách triệt để đạo đức công vụ nhằm phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Mỗi tỉnh nên thành lập “Trung tâm khởi nghiệp” để hỗ trợ pháp lý, chuyển giao công nghệ và thẩm định dự án, giúp thực hiện các quyết sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân.
Cuối cùng, các quyết sách cần giải quyết được thực trạng “không công bằng”, “lực cản” và “mất cảm xúc” để doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản không chỉ “mạnh khỏe” mà còn có động lực, niềm tin và cảm xúc cho phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Tiến hành “cách mạng” về quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng
- Cụ thể, cần rà soát, bãi bỏ hoặc sửa đổi những vấn đề gì, thưa ông?
- Trước hết, phải tiến hành cuộc “cách mạng” trong quy định, quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng. Theo đó, doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm và chỉ thông báo/đăng ký tại một cơ quan duy nhất. Như vậy, chính sách đột phá cần có là Nhà nước ban hành danh mục những việc doanh nghiệp không được phép làm và Nhà nước sẽ thanh tra, kiểm tra, nếu doanh nghiệp làm sai thì xử lý vi phạm thích đáng.

Nên sửa đổi điều kiện cho vay để mở rộng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp tư nhân. Nguồn: ITN
Doanh nghiệp tư nhân cũng cần được ưu tiên tiếp cận đất đai để xây dựng cơ sở sản xuất, nhà xưởng với giá thuê ưu đãi; dành các quỹ đất để doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nông, thủy sản xây dựng nhà ở cho công nhân. Chính sách cho doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần được ưu tiên và thủ tục thuận lợi, nhất là quy định và thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp như từ trồng lúa sang nuôi tôm nhằm gia tăng hiệu quả đầu tư.
- Về vấn đề vốn, tín dụng, lãi suất và thuế thì sao thưa ông?
- Không chỉ cần ưu đãi về hạn mức tín dụng và lãi suất thấp cho doanh nghiệp tư nhân mà cần bảo đảm công bằng trong cơ hội tiếp cận vốn. Phải quy định huy động sự tham gia tích cực của các quỹ hiện có do Nhà nước quản lý để cùng các ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách này. Sửa đổi điều kiện cho vay để mở rộng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các doanh nghiệp và hộ gia đình ngành nông nghiệp. Thay vì chỉ những tài sản được cấp quyền sở hữu và ghi vào giấy mới cho đăng ký tài sản thế chấp để làm điều kiện vay vốn thì có thể xem xét đến cả tài sản đã đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai và tín chấp.
Đối với chính sách thuế, bên cạnh ưu đãi thuế cần triệt để cải cách công tác hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp tư nhân. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không nên cào bằng mà nên thiết kế các mức khác nhau giữa doanh nghiệp “đại bàng” và doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ, doanh nghiệp nông nghiệp để tạo động lực cho họ.
Bên cạnh đó, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của nước ta đang ở tốp cao của thế giới, áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp, chính sách mới cần xem xét “phân vùng” để có ưu đãi hoặc phân tầng cho doanh nghiệp tư nhân. Chính sách ưu đãi hoặc hỗ trợ chi phí điện năng cũng tạo ra “cảm xúc” lớn cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, hàng năm, doanh nghiệp phải chịu nhiều đợt thanh tra, kiểm tra từ nhiều cơ quan. Mong rằng, quyết sách của Nhà nước để thúc đẩy, tạo động lực cho kinh tế tư nhân cũng cần xem xét đến nội dung quan trọng này, có thể gộp hoặc giảm tối đa các loại thanh tra, kiểm tra này.
- Xin cảm ơn ông!