CEO rời hãng AI tạo đạn pháo bắn chính xác đến 153km, muốn thay đổi ngành quốc phòng phương Tây
Gần đây, công ty khởi nghiệp công nghệ quốc phòng Tiberius Aerospace tuyên bố táo bạo rằng đã chế tạo thành công một loại đạn pháo 155mm tiên tiến mang tên Sceptre.
Loại đạn này nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ sự kết hợp hứa hẹn giữa tầm bắn vượt trội và độ chính xác cao. Song theo doanh nhân công nghệ Chad Steelberg - nhà sáng lập Tiberius Aerospace (có trụ sở chính ở Mỹ và văn phòng tại Anh), điểm đổi mới thực sự không hẳn nằm ở việc Sceptre làm được gì mà là cách nó được chế tạo và bán ra.

Sceptre khi cánh được thu gọn (trái) và bung ra (phải) - Ảnh: Tiberius Aerospace
Trao đổi với trang Insider, Chad Steelberg mô tả Sceptre như một nền tảng vũ khí mở: Được cấp phép cho các chính phủ, sản xuất tại địa phương và cập nhật như phần mềm. Điều này cho phép Tiberius Aerospace tập trung vào nghiên cứu và phát triển thay vì phải quản lý các hợp đồng sản xuất quy mô lớn.
Đây là mô hình không xuất phát từ phòng họp của ngành công nghiệp quốc phòng, mà từ tư duy của Thung lũng Silicon (Mỹ) và chiến trường ở Ukraine. Đó là mô hình được xây dựng cho tốc độ, khả năng lặp lại và quy mô.
Đề xuất này là một bước đi mang tính đột phá, khác xa nền công nghiệp quốc phòng vốn tập trung hóa và vận hành chậm chạp, cùng các quy trình hợp đồng và mua sắm mà Lầu Năm Góc lẫn các quốc gia phương Tây khác đang gắn bó. Thế nên, mô hình của Tiberius Aerospace đã gây ra sự tò mò lẫn hoài nghi.
Rời công ty AI, chế tạo đạn pháo tiên tiến
Đau lòng vì những đau thương và mất mát do cuộc chiến Nga - Ukraine gây ra, Chad Steelberg cuối năm 2024 đã quyết định từ chức Giám đốc điều hành Veritone - công ty trí tuệ nhân tạo (AI) ở Mỹ mà ông đồng sáng lập và chuyển giao vai trò này cho người kế nhiệm.
"Tôi đã báo trước cho họ 4 tháng trước khi thành lập Tiberius Aerospace", Chad Steelberg chia sẻ với Insider.
Chad Steelberg thừa nhận lúc đó không biết gì về hàng không vũ trụ. Thế nhưng, doanh nhân 54 tuổi người Mỹ biết về những người có chuyên môn, gồm một sĩ quan chỉ huy trong lực lượng đặc nhiệm SEAL (Biển, Không, và Đất liền) của Hải quân Mỹ, một cựu lãnh đạo phần cứng của Apple và một kỹ sư hàng đầu từ Raytheon.
Raytheon (hiện thuộc RTX Corporation) là một trong những tập đoàn công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia lớn nhất của Mỹ và trên thế giới.
“Bạn mời những người giỏi nhất thế giới, đưa họ vào một căn phòng, khóa cửa lại rồi nói: Giờ chúng ta giải quyết vấn đề này thôi”, Chad Steelberg kể.

Chad Steelberg đề xuất mô hình mới mang tính đột phá để sản xuất đạn pháo 155mm - Ảnh: Insider
Kết quả là Tiberius Aerospace trình làng Sceptre - loại đạn pháo 155mm gắn động cơ phản lực, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 95 dặm (khoảng 153km), gần gấp 3 lần tầm bắn của đạn pháo thông thường, mà vẫn chính xác kể cả trong môi trường không có GPS (hệ thống định vị toàn cầu, do Bộ Quốc phòng Mỹ thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý).
GPS ban đầu phục vụ quốc phòng, sau đó mở rộng sang dân sự và trở thành hệ thống định vị phổ biến toàn cầu ngày nay.
Sceptre đã được thử nghiệm bắn từ pháo M777 tại Mỹ.
Sceptre vượt trội các loại đạn thông thường (vốn có tầm bắn khoảng 24,14km và cần phụ kiện đẩy bằng pháo phản lực giúp đạn bay xa hơn và dẫn đường chính xác), có thể so sánh với GMLRS (hệ thống pháo phản lực phóng hàng loạt có điều khiển) tầm xa. Tuy nhiên, giống loại đạn 155mm nguyên bản, Sceptre được bắn ra từ một khẩu pháo.
Trong chiến tranh pháo binh, tầm bắn là yếu tố then chốt. Đó là một phần lý do vì sao hệ thống pháo phản lực HIMARS của hãng Lockheed Martin (Mỹ) lại hiệu quả đến vậy khi mới đến Ukraine, mang lại cho quân đội nước này tầm bắn cần thiết trong chiến đấu.
Chad Steelberg nói rằng Sceptre sẽ “thay đổi cán cân sức mạnh” trên chiến trường ở Ukraine và xa hơn nữa, nếu nó được triển khai rộng rãi.
Thay đổi cách mua sắm vũ khí
Tiberius Aerospace sẽ không trực tiếp sản xuất đạn Sceptre, mà thay vào đó cung cấp mô hình “quốc phòng như dịch vụ” (defense-as-a-service). Cụ thể, công ty khởi nghiệp này sẽ cấp phép thiết kế cho các chính phủ, thu 5 triệu USD phí ban đầu để có quyền sản xuất, sau đó 2,5 triệu USD mỗi năm nhằm tiếp tục duy trì quyền tiếp cận và nhận các bản cập nhật liên tục.
Các chính phủ sau đó có thể tự sản xuất tại chỗ, sử dụng chuỗi cung ứng và cơ sở công nghiệp của chính họ.
Điều này khả thi vì Tiberius Aerospace mở thông số kỹ thuật của các thành phần riêng lẻ, chẳng hạn pin, thiết bị dẫn đường, hệ thống nhiên liệu, cho các nhà cung ứng bên ngoài.
Chad Steelberg nói rằng các nhà cung ứng sẽ được khuyến khích đề xuất cải tiến, miễn là thành phần đó phù hợp với không gian cấu trúc của Sceptre. “Chúng tôi sẽ kiểm định, thử nghiệm, bắn thử và xác nhận phiên bản, nếu nó đạt tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả”, ông nói.
Mô hình này tạo ra sự cạnh tranh và lựa chọn cho các chính phủ, Chad Steelberg lập luận.
Lấy cảm hứng từ Intel
Chad Steelberg nói mô hình này lấy cảm hứng từ những ngày đầu của hãng chip Intel (Mỹ) dựa trên kiến trúc mở. Dù các công ty lớn như Boeing cũng dùng nhà thầu phụ để cung cấp linh kiện, nền tảng của Tiberius Aerospace được thiết kế để nuôi dưỡng một hệ sinh thái mở liên tục, gần giống một cửa hàng ứng dụng trực tuyến (app store) cho công nghệ quốc phòng, với Sceptre ở trung tâm.
Doanh nhân công nghệ cho rằng điều này giúp các chính phủ tự do chọn những nhà sản xuất nhỏ, linh hoạt hơn, hỗ trợ hệ sinh thái quốc phòng trong nước và giảm phụ thuộc vào nhà thầu lớn. Các chính phủ sẽ giữ quyền sở hữu trí tuệ với phiên bản Sceptre mà họ sản xuất.
Hầu hết bộ phận chính của Sceptre có thể được sản xuất bằng máy CNC (điều khiển số bằng máy tính) đơn giản, dễ tiếp cận. Điều đó giảm nhu cầu về các cơ sở sản xuất đắt đỏ thường liên quan đến đạn và mở đường cho các doanh nghiệp nhỏ hơn nhiều tham gia, Chad Steelberg lý giải.
“Giờ đây, các chính phủ phân bổ tiền để hỗ trợ không chỉ vũ khí cuối cùng họ đang tìm kiếm, mà còn cả các ngành công nghiệp và nhà cung cấp đã sản xuất ra nó”, ông nói thêm.
Theo quan điểm của Chad Steelberg, kết quả là tạo ra một hệ thống linh hoạt hơn, kiên cường hơn và phù hợp hơn với chiến tranh hiện đại, nơi nhu cầu thay đổi nhanh hơn so với tốc độ mua sắm truyền thống có thể đáp ứng.
Máy CNC được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính, trái ngược với các máy công cụ thủ công truyền thống. Nguyên lý hoạt động của CNC dựa trên việc chuyển đổi bản vẽ thiết kế các lệnh số mà máy tính có thể hiểu được. Các lệnh này sau đó sẽ điều khiển chuyển động chính xác của dụng cụ cắt (dao, mũi khoan, tia laser…) và phôi liệu để tạo ra sản phẩm theo đúng yêu cầu.
Vấn đề của hệ thống hiện tại
Khi các nước NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) gấp rút tái trang bị kho vũ khí, hạn chế của hệ thống mua sắm truyền thống đang ngày càng rõ ràng.
"Về đạn dược, Nga sản xuất trong 3 tháng bằng toàn bộ NATO trong 1 năm", ông Mark Rutte (Tổng thư ký NATO) cảnh báo.
Theo trang Insider, Nga có thể chỉ huy ngành công nghiệp theo ý muốn. Các nền dân chủ thì không thể và hệ thống mua sắm được xây dựng cho thời bình có xu hướng di chuyển cực kỳ chậm chạp. Ví dụ: Một chính phủ thường đặt hàng cho nhà thầu lớn, thống nhất thời gian và giá cả rồi 5, 10, 20 năm sau thì sản phẩm mới hoàn thành. Mô hình đó gần như loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ.
Chad Steelberg nói: "Vấn đề lớn nhất thực sự là có sự đồng tiến hóa giữa các bộ quốc phòng và nhà sản xuất lớn". Ông gọi đó là "rào cản trí tuệ và hợp đồng" ngăn cản bất kỳ ai khác tham gia. Hiện tượng này được gọi là "thung lũng tử thần", nơi rất ít công ty mới có thể vượt qua hệ thống hành chính rườm rà và phức tạp của Lầu Năm Góc, hoặc tồn tại đủ lâu để giành được hợp đồng.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang thử nghiệm các mô hình mới hơn và linh hoạt hơn, chẳng hạn nền tảng mở và các kế hoạch hợp tác với các công ty nhỏ hơn, nhưng chưa có gì đạt đến quy mô mà Tiberius Aerospace hình dung.
Paul Hough, chuyên gia Anh về mua sắm quốc phòng, đồng tình với quan điểm của Chad Steelberg về việc cải tổ hệ thống: “Trước khi rót hàng núi tiền vào mô hình mua sắm cũ và cấu trúc cơ sở công nghiệp cũ, chúng ta nên dừng lại, hít thở một chút”.
Khoảng cách lớn giữa các nguyên mẫu tiềm năng từ những công ty nhỏ và việc quân đội triển khai thực tế còn phức tạp hơn, bởi thực tế là đổi mới ngày càng đến từ khu vực tư nhân.
Vào những năm 1960, các chính phủ tài trợ 60% chi phí nghiên cứu và phát triển toàn cầu, theo Casey Purley - Giám đốc Phòng thí nghiệm Ứng dụng Quân đội của Lầu Năm Góc. Ngày nay, bà nói con số đó chỉ khoảng 20%, phần còn lại do các các công ty thương mại (thường là hãng công nghệ) đảm nhận.
“Từ AI đến robot, chúng ta phải làm việc với những công ty mà trước đây không quen”, Casey Purley nói tại một hội nghị gần đây ở London (thủ đô Anh).
Đảm bảo chất lượng và theo dõi xuất xứ nguyên vật liệu
Cynthia Cook, Giám đốc Nhóm Sáng kiến Công nghiệp Quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói rằng mô hình của Chad Steelberg "có tiềm năng sản xuất, trong đó một số bộ phận chủ yếu được tạo bởi các nhà cung cấp thương mại". Bà nói với Insider: "Đây có thể là một cách để huy động toàn bộ cơ sở công nghiệp, thay vì phân khúc hẹp hơn của các công ty được hiểu là nhà thầu quốc phòng".
Đại úy Bradley Martin, chuyên gia về chuỗi cung ứng thuộc RAND (tổ chức nghiên cứu và phân tích chính sách phi lợi nhuận), nói rằng việc các công ty chỉ cung cấp một phần nhỏ của hệ thống lớn sẽ giúp giải quyết phần lớn vấn đề rào cản gia nhập ngành. Thế nhưng, ông nói các vấn đề khác đáng được xem xét kỹ lưỡng.
Dù Tiberius Aerospace có kế hoạch chịu trách nhiệm chứng nhận các thành phần, việc đảm bảo chất lượng có thể là vấn đề lớn, Bradley Martin cho hay.
Ngoài ra, ông nói rằng cần theo dõi xuất xứ nguyên vật liệu được sử dụng bởi các công ty cung cấp linh kiện, vì nếu chuỗi cung ứng của một công ty dựa nhiều vào Trung Quốc thì sẽ tạo ra lỗ hổng.
Sản xuất linh hoạt so với số lượng lớn
Các đạn pháo 155mm tiêu chuẩn của Mỹ do cơ sở thuộc chính phủ sản xuất, có thể tạm dừng hoặc tăng cường sản lượng tương đối dễ dàng. Thế nhưng, điều đó không đúng với đạn pháo phi tiêu chuẩn như Sceptre.
Nếu các công ty ở Mỹ không chuyên tâm sản xuất linh kiện cho Sceptre và rút khỏi lĩnh vực này do thiếu hợp đồng thì sẽ phải tìm cách thu hút họ quay trở lại. Song có thể lúc đó, họ đã chuyển sang làm việc khác rồi, Cynthia Cook nói.

Đạn pháo 155mm được sản xuất tại một nhà máy ở Pháp - Ảnh: AFP
Paul Hough cho rằng Sceptre có thể rẻ hơn và nhanh hơn khi sản xuất quy mô nhỏ nhưng không phù hợp với bản chất của pháo binh - vốn vẫn chủ yếu là vũ khí tác động theo khu vực, phá hủy và trấn áp trên diện rộng chứ không phải từng mục tiêu riêng biệt. Do đó, đạn dẫn đường chính xác tinh xảo như Sceptre khó có thể thay thế hoàn toàn đạn thường nếu học thuyết quân sự không thay đổi.
Chuyên gia này nói rằng, sau khi cuộc chiến xảy ra ở Ukraine, các quân đội đang ưu tiên kho dự trữ lớn hơn là sự linh hoạt tức thời - xu hướng dường như không phù hợp với mô hình linh hoạt hơn của Tiberius Aerospace. Ông cho biết một số giai đoạn sản xuất đạn pháo, gồm cả khi thuốc nổ được đưa vào vỏ đạn, cũng "không phải là hoạt động tầm thường" và ưu tiên các đợt sản xuất tập trung, dài hơn.
Với Paul Hough, mô hình cấp phép của Tiberius Aerospace có thể được quân đội sử dụng tốt nhất trong lĩnh vực phần mềm mà Chad Steelberg lấy cảm hứng. Ông nói: "Tôi hy vọng rằng mô hình của Tiberius hoạt động. Song tại thời điểm này, nó dường như là sự bổ sung tiềm năng mới lạ hơn là thay đổi cơ bản với chuỗi cung ứng quốc phòng đã được thiết lập".
“Dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, chúng ta cần những người dám thách thức hệ thống như thế”, Paul Hough nhấn mạnh.
Sứ mệnh lớn lao
Sứ mệnh của Chad Steelberg được lấy cảm hứng từ bài diễn văn nổi tiếng "máu, lao động, nước mắt và mồ hôi" từ Sir Winston Churchill. Song với nhà sáng lập Tiberius Aerospace, đã có đủ máu và nước mắt đổ xuống trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina.
Chad Steelberg theo đuổi lý tưởng "phục vụ quốc phòng" nhưng với mục tiêu giảm bớt đau thương chứ không phải kéo dài chiến tranh. Ông muốn đổi mới cách sản xuất và cung ứng vũ khí để giúp rút ngắn thời gian cuộc xung đột, cứu mạng nhiều người.
Sir Winston Churchill là một trong những chính khách nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất lịch sử hiện đại Anh lẫn thế giới. Ông làm Thủ tướng Anh trong hai giai đoạn 1940 - 1945 và 1951 - 1955, lãnh đạo nước này trong Thế chiến II, nổi tiếng với tài hùng biện, lòng kiên cường và vai trò huy động toàn dân kháng cự Đức Quốc xã.