Khu công nghiệp xanh theo tiêu chuẩn ESG: Mô hình phát triển bền vững cho Việt Nam
Phát triển khu công nghiệp xanh theo tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) đang trở thành xu thế tất yếu tại Việt Nam. Mô hình này mang lại lợi ích toàn diện cho môi trường, doanh nghiệp và người lao động.
Phát triển khu công nghiệp xanh là yêu cầu cấp thiết
Bà Nguyễn Thi Dung, Phó chủ tịch Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam cho biết, cả nước hiện có 435 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động.
Theo quy hoạch đến năm 2030, nguồn cung đất công nghiệp sẽ tăng mạnh bởi có thêm 221 KCN quy hoạch mới; 299 khu dự kiến thành lập; hơn 900 cụm công nghiệp được quy hoạch mới…

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân được Viglacera đầu tư cách KCN Yên Phong một con đường.
Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. "Việc xây dựng KCN hiện đại, xanh và bền vững không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới, mà còn mở ra cơ hội vàng để Việt Nam thu hút đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia", bà Dung nhấn mạnh.
Theo bà Dung, KCN xanh là KCN có hạ tầng thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu xây dựng bền vững; thiết kế tiết kiệm năng lượng, tích hợp năng lượng tái tạo; hệ thống xử lý nước thải và rác thải hiện đại; môi trường làm việc an toàn, tiện ích cho người lao động…
Còn theo các chuyên gia, KCN xanh theo tiêu chuẩn ESG không chỉ "xanh" về hạ tầng, năng lượng, cây và nước, mà còn "xanh" trong cách nghĩ, cách quản lý và cách doanh nghiệp đối xử với môi trường - con người - luật pháp.
Hiện trong cả nước, KCN phát triển theo tiêu chí xanh chưa nhiều. Một số KCN xanh, sinh thái thành công tại Việt Nam như: KCN Hiệp Phước (TP.HCM), Amata (Đồng Nai), Deep C (Hải Phòng)…
Phát triển khu công nghiệp xanh theo tiêu chí ESG sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Chinh, Giám đốc Ban Bất động sản Tổng công ty Viglacera cho biết, để xây dựng KCN xanh, Viglacera đầu tư mạnh vào hệ thống sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải. Viglacera áp dụng tự động hóa trong kiểm soát hóa chất tại các khâu cấp nước, xử lý nước thải, giúp tuần hoàn tài nguyên và giảm ô nhiễm môi trường…
Các KCN mới của Viglacera được quy hoạch với tỷ lệ tối thiểu 60% diện tích cây xanh, ưu tiên các loài cây có khả năng hấp thụ CO₂ cao. Chuyển đổi số cũng được thúc đẩy thông qua các hệ thống quản lý an ninh ứng dụng AI, phần mềm điều hành thông minh, chia sẻ dữ liệu tập trung toàn hệ thống...
Viglacera đồng thời đặt ra tiêu chí tại mỗi KCN có tối thiểu một khu nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhà ở, dịch vụ cho công nhân tại KCN đó và gia tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN…
Tương tự, TS Lý Duy Khiêm, Giám đốc Trung tâm Điều hành Thông minh Becamex IDC cho biết, doanh nghiệp này đang phát triển KCN dựa trên 4 trụ cột ESG+, với mục tiêu hỗ trợ cả nhà đầu tư và người lao động phát triển bền vững.
Về môi trường, Becamex triển khai trang trại điện mặt trời, hệ thống pin lưu trữ BESS, điện mặt trời áp mái... giúp giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch và nâng cao độ tin cậy của hệ thống điện. Doanh nghiệp này thực hiện sáng kiến trồng 2 triệu cây bản địa, gỗ lớn trong 2 năm 2024 - 2025; phát triển vườn hoa đô thị; tái sử dụng lá cây làm phân hữu cơ…
Becamex áp dụng mô hình cộng sinh công nghiệp tại khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương. Rác thải rắn được tái chế thành phân bón, gạch không nung. Các doanh nghiệp trong KCN trao đổi phụ phẩm, chất thải để tái sử dụng, như công ty chế biến gỗ trong KCN cung cấp mùn cưa cho nồi hơi của nhà máy dệt…
Các KCN của Becamex được vận hành thông minh qua Trung tâm IOC, quản lý điện, nước, an ninh, cây xanh... bằng công nghệ số và dữ liệu thời gian thực. Các giải pháp này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả vận hành KCN mà còn tăng tính minh bạch và an toàn.
Đặc biệt hơn nữa, Becamex đầu tư bài bản vào hạ tầng xã hội để đảm bảo cuộc sống bền vững thông qua việc chủ động phát triển các công trình phục vụ cộng đồng như bệnh viện, trường học, trung tâm thể thao - văn hóa.
Becamex đã đầu tư hoàn thành 47.500 căn hộ nhà ở công nhân giá hợp lý cho người lao động. Giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai hơn 118.000 căn, góp phần ổn định đời sống người lao động, giữ chân nhân sự lâu dài, tạo động lực phát triển chung.
Becamex hiện đang trực tiếp vận hành một trường đại học, hai bệnh viện, một trường liên cấp, đồng thời hợp tác phát triển nhiều tiện ích xã hội khác trong các khu đô thị công nghiệp…
"Chúng tôi áp dụng các hệ thống quản lý đạt chuẩn quốc tế để tạo lòng tin với nhà đầu tư và cộng đồng. Các KCN của Becamex IDC thu hút 2000 nhà đầu tư, tạo ra được hơn một triệu việc làm", TS Lý Duy Khiêm chia sẻ.

Becamex "phủ" điện mặt trời áp mái trong các KCN, nhằm giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch.
Lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và quốc gia
Theo ông Nguyễn Thế Chinh, Viglacera đang nỗ lực đón đầu làn sóng dịch chuyển sản xuất thông minh và xanh. Việc cam kết phát triển theo tiêu chuẩn ESG không chỉ giúp doanh nghiệp đứng vững trong cạnh tranh mà còn tạo lợi thế dài hạn về thương hiệu, đầu tư và phát triển thị trường. Viglacera kỳ vọng thu hút các doanh nghiệp "đại bàng" lớn trên thế giới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam đến đầu tư nhà máy, nhà xưởng.
Với những nỗ lực trong phát triển các dự án xanh, Viglacera đang quyết tâm từng bước thu nhỏ "dấu chân carbon", góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính Phủ Việt Nam đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại COP 26, cũng như không ngừng kiến tạo những giá trị bền vững và góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước.
Còn theo TS Lý Duy Khiêm, ESG là một chiến lược toàn diện: "Phát triển bền vững chính là lợi thế cạnh tranh của Becamex. ESG không chỉ là trách nhiệm xã hội mà là chiến lược giúp thu hút đầu tư, phát triển dài hạn".
Becamex sẽ tiếp tục phát triển KCN sinh thái theo mô hình EIP 2.0 của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, quản lý KCN theo hướng tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
"Mục tiêu của Becamex là phát triển KCN đạt chuẩn quốc tế, cân bằng giữa tăng trưởng công nghiệp và trách nhiệm với xã hội - môi trường", TS Khiêm cho biết.
Các chuyên gia cho rằng phát triển KCN xanh theo chuẩn ESG mang lại lợi ích rõ rệt. Về môi trường, giảm phát thải, tuần hoàn tài nguyên, cải thiện sinh thái. Về xã hội, nâng cao phúc lợi, điều kiện sống của người lao động, giúp các nhà đầu tư trong KCN giữ chân lao động.
Về quản trị, KCN xanh theo chuẩn ESG minh bạch, giảm rủi ro, tăng niềm tin với nhà đầu tư. Về kinh tế, KCN xanh theo chuẩn ESG tiết kiệm chi phí, dễ tiếp cận tài chính xanh, thuận lợi xuất khẩu…
Chủ đầu tư có lợi ích kép khi đầu tư vào KCN xanh, lợi thế cạnh tranh trong thu hút các tập đoàn đa quốc gia; tiết kiệm chi phí dài hạn nhờ vận hành hiệu quả và công nghệ xanh; hưởng ưu đãi chính sách như miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính, ưu tiên quy hoạch…

Becamex quy hoạch KCN Cây Trường, KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 gần các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, nhằm hình thành một quần thể liên kết công nghiệp - năng lượng hoàn chỉnh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của doanh nghiệp này.
"Gỡ rào cản" trong phát triển KCN xanh
Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng việc phát triển KCN xanh theo tiêu chuẩn ESG vẫn còn nhiều thách thức, từ nhận thức đến hành động.
Theo TS Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, báo cáo Triển vọng kinh doanh 2023 của Tập đoàn UOB khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực ASEAN và Trung Quốc cho thấy, 94% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nhận ra được mức độ quan trọng của phát triển bền vững. Nhưng chỉ 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện có chiến lược ESG và chỉ khoảng 21% có kế hoạch triển khai trong vòng 2 - 4 năm tới.
TS Cương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang khó khăn trong triển khai ESG, bởi nhận thức, nguồn lực tài chính và năng lực quản trị doanh nghiệp còn hạn chế…
Thời gian tới, để ESG không chỉ dừng lại ở các cam kết trên giấy mà đi vào thực tiễn doanh nghiệp, cần một số giải pháp đồng bộ như củng cố khung chính sách liên ngành; đơn giản hóa và đồng bộ hóa các hướng dẫn ESG; xây dựng cơ sở dữ liệu ESG quốc gia; hỗ trợ tài chính, tín dụng xanh; thúc đẩy giáo dục ESG trong đào tạo nghề, đại học và các chương trình đào tạo doanh nghiệp; tăng cường phối hợp giữa Nhà nước - doanh nghiệp - cộng đồng và quốc tế.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định, ESG đang trở thành điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp hội nhập và phát triển bền vững. Không chỉ dừng ở công trình xanh, ESG bao gồm cả tiêu chuẩn quản trị, xã hội và phát thải thấp…
Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng các tổ chức như Hội đồng Công trình xanh Việt Nam phổ biến các công cụ như LCA (đánh giá vòng đời sản phẩm) và EPD (chứng nhận sản phẩm bền vững), thúc đẩy ESG trong bất động sản và toàn ngành Xây dựng…
Còn theo bà Nguyễn Thi Dung, đầu tư phát triển hạ tầng KCN đang đứng trước "thời điểm vàng" với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính sách, nhu cầu FDI tăng cao và nguồn cung đất mở rộng.
Việc phát triển các KCN hiện đại, xanh và tích hợp ESG là chìa khóa để Việt Nam nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và 2050.