Hà Nội cấm xe máy xăng ở nội đô: Thời điểm chín muồi cứu môi trường Thủ đô

GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng việc Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026 là bước ngoặt trong chính sách phát triển đô thị bền vững.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu UBND TP Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu lưu thông trong khu vực Vành đai 1.

Thủ tướng cũng đặt ra lộ trình, từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe môtô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.

Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Thời điểm chín muồi để cứu môi trường Thủ đô

Trả lời phóng viên Báo Điện tử VTC News, GS.TS Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí khu vực nội đô Hà Nội chủ yếu do hoạt động giao thông.

Bà Chi nêu thực tế, hoạt động vận tải hiện nay chủ yếu đang sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu. Loại nguyên liệu này sẽ phát ra khí thải nhà kính.

Theo nghiên cứu, mỗi xe máy khi tiêu thụ 1 lít xăng sẽ phát thải 2,297kg khí CO2 ra môi trường. Còn mỗi xe ô tô con cứ chạy 1km sẽ phát thải 250-252g khí CO2; nếu tính trong 1 năm thì lượng CO2 mà một xe ô tô thải ra môi trường là 3 tấn.

Cấm xe máy xăng ở nội đô Hà Nội là bước chuyển mạnh mẽ, bước ngoặt trong chính sách phát triển đô thị bền vững.

GS.TS Đặng Kim Chi

Theo bà Chi, tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và đây là mục tiêu vô cùng thách thức. Để giảm phát thải về "0", nguyên tắc chung cần thực hiện là chuyển từ phát thải cao về thấp và chuyển từ phát thải thấp về "0".

Muốn thực hiện được điều này, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng phải chuyển đổi năng lượng, nghĩa là chuyển từ năng lượng phát thải cao sang năng lượng sạch.

"Giảm thiểu ô nhiễm không khí, trước mắt đánh vào hoạt động giao thông là đúng và trúng. Tôi đánh giá việc Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai lộ trình cấm xe máy chạy xăng trong khu vực trung tâm từ giữa năm 2026, tiến tới mở rộng vùng phát thải thấp toàn thành phố vào năm 2030 là một thái độ rất tích cực nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Và có thể coi đây là bước chuyển mạnh mẽ, bước ngoặt trong chính sách phát triển đô thị bền vững", PGS.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh.

Nữ chuyên gia phân tích thêm, đô thị phát triển bền vững là đô thị xanh, đô thị không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Và việc giảm, tiến tới không còn phương tiện giao thông chạy xăng dầu sẽ là một trong những giải pháp trọng tâm hướng tới hồi sinh một đô thị sinh thái, đô thị bền vững.

Cùng bàn luận, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trên thực tế, Hà Nội đã lên kế hoạch cấm xe máy và triển khai vùng phát thải thấp từ năm 2017, khi HĐND thành phố thông qua nghị quyết liên quan. Song, do thiếu đồng bộ về chính sách và hạ tầng, việc thực hiện vẫn còn gián đoạn.

Ngày 12/12/2024, HĐND TP Hà Nội tiếp tục thông qua Nghị quyết về vùng phát thải thấp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, xe tải hạng nặng chạy dầu diesel, ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy không đạt tiêu chuẩn mức 2 sẽ bị hạn chế hoặc cấm lưu thông trong vùng phát thải thấp.

Hà Nội dự kiến thí điểm vùng phát thải thấp tại khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình trong giai đoạn 2025-2030. Sau đó mở rộng, tiến tới đến năm 2036, toàn bộ vùng có ô nhiễm không khí vượt quy chuẩn quốc gia bắt buộc phải áp dụng vùng phát thải thấp.

"Chỉ thị mới đây cho thấy sự quyết quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng với thời gian chỉ có 1 năm để Hà Nội chuẩn bị. Điều này cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị không thể chần chừ, chậm chễ được nữa, càng chậm thì càng khó giải quyết, càng tốn kém. Lãnh đạo Chính phủ thấy rằng đây là thời điểm chín muồi để có hành động quyết liệt hơn nữa", ông Tùng nêu quan điểm.

Cần chính sách hỗ trợ người dân

Lợi ích của việc cấm phương tiện chạy xăng dầu là rõ ràng, song TS Hoàng Dương Tùng cho rằng để thực hiện được thì không dễ dàng.

"Khó khăn trước mắt có thể thấy là phản ứng của dư luận. Nhiều người chỉ quan tâm đến từ "cấm" sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, tiền đâu để chuyển đổi phương tiện. Với nhiều gia đình, xe máy vẫn là phương tiện chính và nó là tài sản không nhỏ", ông Tùng nêu thực tế.

Nhận định đa phần người dân sẽ ủng hộ các giải pháp cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, ông Tùng nêu rõ, khi có thông tin cấm xe máy chạy xăng thì người dân mong muốn biết những chính sách hỗ trợ của Nhà nước như thế nào.

Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, thời gian từ nay đến ngày 1/7/2026 không còn nhiều, do đó, Hà Nội phải khẩn trương hành động, đẩy mạnh tuyên truyền và đặc biệt là tính toán phương án hỗ trợ người dân.

"Tôi nghĩ sẽ có tới hàng triệu xe máy phải chuyển đổi. Với số lượng lớn như vậy, chính quyền thành phố phải tính đến việc hỗ trợ người dân như thế nào? Bên cạnh các chương trình đổi xe của doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân", ông Tùng đặt vấn đề.

TS Tùng cũng lưu ý Hà Nội cần khẩn trương quy hoạch, lắp đặt các trạm sạc công cộng để đáp ứng nhu cầu và bảo đảm an toàn. Cùng đó là đẩy nhanh tiến độ và mở rộng hệ thống giao thông công cộng như metro, xe buýt điện - giải pháp căn cơ để giảm ô nhiễm và khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân.

Bên cạnh chính sách chuyển đổi phương tiện cho người dân, GS.TS Đặng Kim Chi khuyến nghị Hà Nội nghiên cứu giải pháp xử lý số lượng lớn xe máy xăng sẽ không còn được sử dụng.

"Phải tránh tình trạng tình trạng "đánh tráo phương tiện" - người dân bán xe xăng cũ về nông thôn hoặc các tỉnh lân cận. Điều này chẳng khác nào chuyển nguồn gây ô nhiễm từ địa phương này sang địa phương khác", bà Chi nói thêm.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ha-noi-cam-xe-may-xang-o-noi-do-thoi-diem-chin-muoi-cuu-moi-truong-thu-do-ar954152.html