CEO Saigon Co.op: 'Mọi người nghĩ siêu thị lúc nào cũng có lời, nhưng chúng tôi cũng cần… ATM Oxy'

Theo ông Nguyễn Anh Đức, với thị trường Việt Nam, thương mại hiện tại chỉ chiếm 22-25% thị phần. Từ đó, khi hình thức mua bán truyền thống bị ảnh hưởng, áp lực sẽ dồn lên các chuỗi bán lẻ.

Trong hội thảo trực tuyến Vietnam CEO Forum phiên bản đặc biệt - Open Talks với chủ đề "Đâu là trận cuối?", Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức đã chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ trong đợt dịch vừa qua.

Hội thảo Vietnam CEO Forum phiên bản đặc biệt - Open Talks với chủ đề "Đâu là trận cuối?"

Bài liên quan

Không gây khó khăn cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa

Kinh tế truyền thông: Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển báo chí

Cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho hai ngành công nghiệp “mũi nhọn” dệt may và da giày

Dự kiến hỗ trợ doanh nghiệp, người dân 140 nghìn tỷ để vượt qua khó khăn bởi dịch COVID-19

Đôi lúc cần đến "ATM Oxy" vì hụt hơi

Trong 2 quý đầu năm nay, theo ông Đức, nếu các doanh nghiệp du lịch như Vietravel phải dùng đến "ECMO" thì bản thân Saigon Co.op đôi lúc cũng cần đến "ATM Oxy" vì hụt hơi.

"Mọi người hay nói rằng ngành bán lẻ, đặc biệt là siêu thị lúc nào cũng có lời, sống khỏe. Nhận định này đúng với một số thị trường có tỉ trọng bán lẻ hiện đại ở mức cao trong tổng thương mại như Singapore và một số thị trường phát triển. Nhưng với thị trường Việt Nam, thương mại hiện đại chỉ chiếm 22-25% thị phần, khi hình thức mua bán truyền thống bị ảnh hưởng thì thương mại hiện đại sẽ dồn tất cả khó khăn trong chuỗi cung ứng", ông Đức nêu.

Tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức

Theo ông, hành vi mua sắm thay đổi, cấu trúc hàng hóa thay đổi sẽ tạo áp lực lên thương mại hiện đại. Đặc biệt, với hàng thực phẩm tươi sống - ngành hàng có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất, siêu thị càng bán càng lỗ. Trong khi đó, các rủi ro cho người lao động luôn chầu chực trong bối cảnh dịch bệnh.

"Có lúc chúng tôi phải đóng cửa ¼ siêu thị của mình nhưng chi phí vẫn phải tiếp tục gánh chịu, không có doanh thu hoặc doanh thu cũng tạo nên lãi gộp rất thấp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chọn giải pháp cùng đóng góp cho xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng để nuôi dưỡng bình oxy trong tương lai tốt hơn", CEO Saigon Co.op chia sẻ.

Nhận định về thời gian qua, ông Đức cho rằng đây là cuộc chạy cực kỳ gắng sức. Chưa bao giờ Saigon Co.op phải giao ban toàn công ty hàng ngày, cho thấy nhịp độ quá nhanh. "Ngày hôm sau chưa kịp cảm nhận những quyết định của hôm trước thì mọi thứ đã thay đổi rồi. Thay đổi của những chính sách nên mình cũng phải thay đổi cách vận hành. Chúng tôi cảm thấy quá nhanh và quá nguy hiểm", ông Đức nói.

Việc thay đổi các chính sách mỗi ngày còn khiến các doanh nghiệp dù có hàng hóa cũng không thể đưa đến siêu thị. Lúc đó, Saigon Co.op phải tìm giải pháp khác để đảm bảo "nhịp thở ở mức thấp nhưng vẫn thở đều".

Trong thời gian dịch bệnh, Saigon Co.op cung ứng hơn 2.000 tấn hàng hóa mỗi ngày

Trong thời gian dịch bệnh diễn ra, Saigon Co.op vẫn nỗ lực cung ứng hơn 2.000 tấn hàng hóa mỗi ngày tại gần 1.000 điểm bán trực thuộc trên 44 tỉnh, thành trong cả nước.

Đồng thời, tiếp tục cung cấp trung bình gần 46.000 suất ăn mỗi ngày cho các khu cách ly tập trung tại TP. HCM. Ngoài ra, còn phối hợp với hệ thống MTTQ Việt Nam TP. HCM thực hiện các túi quà an sinh xã hội đến với các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

18.000 nhân viên không bị mất việc hay giảm lương

Theo Tổng giám đốc Saigon Coop Nguyễn Anh Đức, hệ thống bán lẻ này có hơn 18.000 cán bộ, nhân viên nhưng trong giai đoạn 4 tháng qua không ai bị mất việc hay bị giảm lương.

"Phương châm của cá nhân tôi mong muốn duy trì một truyền thống, đây là mái nhà của mọi lao động nên việc sa thải hay không là do sự tự nguyện của người lao động nếu họ muốn tìm cơ hội khác. Thứ hai, chúng tôi đào tạo lực lượng này nếu họ vượt qua thời khắc khó khăn thì đó giống như việc tốt nghiệp thạc sĩ, họ sẽ đóng góp tốt hơn trong giai đoạn sau này", ông Đức chỉ ra.

Saigon Co.op tự hào vì có chính sách cho nhân viên bị nhiễm Covid, không để ai mất việc

Đến thời điểm hiện tại, CEO Saigon Co.op tự hào vì "không ở đâu có chính sách như Saigon Coop" đối với nhân viên bị nhiễm Covid. Trong 18.000 người, có 1.300 cán bộ nhân viên là F0 nhưng vẫn có chính sách cho họ, để không người lao động bị mất việc.

Ông Đức cho rằng, đại dịch cũng thúc đẩy doanh nghiệp đưa ra những giải pháp đột phá. Có những việc Saigon Co.op ấp ủ "5 năm không làm được nhưng 3 tháng làm được".

Tuy nhiên, thời gian qua Saigon Co.op phải chạy với cường độ quá cao, đặt ra lo ngại về chất lượng sau giãn cách. "Đó là minh chứng cho thấy đôi khi số lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ngay cả với ngành bán lẻ", ông Đức nhấn mạnh.

Theo ông Đức, để vượt qua khó khăn các doanh nghiệp cần hành xử nhanh, "tỉnh thức trong tâm thế sắp tới".

"Qua cuộc khủng hoảng này, kinh nghiệm thế giới cho thấy các doanh nghiệp nội địa hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ có ưu thế hơn so với các doanh nghiệp FDI, bởi cấu trúc hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ khác. Yếu tố tâm lý của người tiêu dùng cũng khác. Sự phân hóa ở các kênh bán hàng khác nhau, trước đây offline thì giờ thành online. Đồng thời, xu thế chung là số hóa trong hoạt động kể cả góc độ nhỏ", CEO Saigon Coop đúc kết.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ceo-saigon-coop-moi-nguoi-nghi-sieu-thi-luc-nao-cung-co-loi-nhung-chung-toi-cung-can-atm-oxy-post159210.html