CEO UOB Việt Nam: Ngân hàng Nhà nước sẽ cân bằng chính sách tiền tệ

Theo ông Victor Ngo, với việc lạm phát duy trì ổn định, NHNN sẽ cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, duy trì ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Nhân sự kiện UOB vừa hoàn tất mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, ông Victor Ngo, Tổng giám đốc UOB Việt Nam, đã có những chia sẻ với Zing về định hướng kinh doanh của ngân hàng tại thị trường Việt Nam.

Đồng thời, ông cũng có những chia sẻ liên quan triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 và xu hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, đánh giá về triển vọng kinh tế, CEO UOB Việt Nam cho biết tăng trưởng mạnh mẽ đạt được trong năm 2022 cho thấy sự bền bỉ và khả năng phục hồi của Việt Nam sau những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong đó, tăng trưởng được hỗ trợ bởi các lĩnh vực kinh tế đa dạng như sản xuất và dịch vụ.

Cân bằng chính sách tiền tệ

Tuy nhiên, theo ông Victor Ngo, sự phục hồi mạnh mẽ khó có thể bền vững và động lực tăng trưởng về tổng thể có thể suy giảm trong năm nay. Nguyên nhân của xu hướng này đến từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và Châu Âu, chiếm 41% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, NHNN cũng đã thắt chặt chính sách tiền tệ trước áp lực lạm phát và Đồng Việt Nam suy yếu.

“Chúng tôi dự báo nhu cầu trong nước có thể dẫn dắt tăng trưởng năm nay với thu nhập gia tăng và triển vọng kinh doanh được cải thiện. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam ở mức 6,6%, phù hợp với dự báo chính thức là 6,5%”, ông Victor Ngo chia sẻ.

Về chính sách tiền tệ, CEO UOB Việt Nam cho rằng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm các đợt tăng lãi suất liên tục vẫn phù hợp và Chủ tịch Fed Jerome Powell tiết lộ rằng sẽ còn một vài lần tăng lãi suất. UOB dự báo Fed sẽ có thêm hai đợt tăng lãi suất nữa vào tháng 3 và tháng 5 trước khi tạm dừng. Trong đó, mức tăng mỗi lần sẽ là 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất điều hành cuối cùng lên 5,25%/năm và duy trì đến hết năm 2023.

Theo vị lãnh đạo ngân hàng, khi Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều rục rịch tăng lãi suất, Việt Nam khó có thể đi ngược dòng chảy chung, vấn đề là các biện pháp ứng phó.

Theo ông, định hướng điều hành của NHNN là duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, chấp nhận được và chủ động, linh hoạt thích ứng với từng diễn biến của thị trường.

Tuy nhiên, với tỷ lệ lạm phát có khả năng duy trì ổn định, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2023, NHNN sẽ cân bằng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng đồng thời duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Với ngành ngân hàng, CEO UOB Việt Nam cho rằng năm 2023 tiếp tục là một năm thách thức đối với lĩnh vực ngân hàng khi mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, gây áp lực duy trì thu nhập lãi thuần (NIM) ở mức hiện tại.

“Dự kiến năm nay tăng trưởng cho vay sẽ rất chọn lọc, do đó tốc độ tăng trưởng cho vay có thể chậm lại, cũng như có những thách thức trong việc huy động vốn”, ông Victor Ngo đánh giá.

Tham vọng khi mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng

Chia sẻ sâu hơn về thương vụ mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, CEO UOB Việt Nam cho biết thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động bán lẻ tại khu vực ASEAN của UOB, bên ngoài thị trường mẹ là Singapore.

Mảng ngân hàng tiêu dùng mà UOB thu mua lại từ Citigroup bao gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi.

Thương vụ này dự kiến giúp mở rộng mạng lưới đối tác của UOB đồng thời tăng gấp đôi cơ sở khách hàng bán lẻ tại 4 thị trường lên 5,3 triệu khách hàng và kết nạp thêm 5.000 nhân sự, đẩy nhanh mục tiêu phát triển cơ sở khách hàng của ngân hàng lên trước 5 năm.

 Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc UOB Việt Nam. Ảnh: UOB.

Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc UOB Việt Nam. Ảnh: UOB.

Theo ông Victor Ngo, Citigroup khá mạnh về thẻ tín dụng và các sản phẩm cho vay tín chấp, điều đó sẽ giúp đa dạng hóa danh mục cho vay cũng như củng cố năng lực và danh mục sản phẩm hiện có của UOB, từ đó giúp mở rộng các nguồn thu cho nhà băng.

Ông cũng cho biết việc thực hiện thương vụ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động thể hiện sự tin tưởng của UOB vào tiềm năng dài hạn của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, nguồn vốn thực hiện thương vụ được lấy từ vốn thặng dư trích riêng qua nhiều năm, kiên nhẫn chờ đợi cơ hội phù hợp.

“Khi mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại 4 thị trường được chào bán, chúng tôi biết rằng đây là cơ hội tuyệt vời đến đúng thời điểm đặc biệt là khi khu vực ASEAN tái khởi động guồng máy tăng trưởng sau đại dịch”, ông Victor Ngo nói và cho biết đến nay, kết quả ban đầu của thương vụ đã vượt hơn mong đợi.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo UOB, việc mua lại mảng kinh doanh này có thể giúp doanh thu của tập đoàn tăng thêm 1 tỷ đô Singapore (khoảng 743 triệu USD) trong năm 2023.

Sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam và khu vực, vị CEO cho biết hai thập kỷ trước, các ngân hàng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường cạnh tranh, nhưng hiện tại, các ngân hàng khu vực như UOB lại chiếm ưu thế, và không nhiều ngân hàng có mạng lưới rộng khắp như UOB.

“Chúng tôi đã đi trước các đối thủ trong khu vực, từng mua và sáp nhập 5 ngân hàng ở Singapore và 5 ngân hàng trong khu vực trong 40 năm qua”, ông Victor Ngo nhấn mạnh.

Riêng tại thị trường Việt Nam, UOB là ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập chi nhánh và cũng là ngân hàng Singapore đầu tiên có giấy phép thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài. Thực tế, năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 30 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam của UOB.

Việt Nam cho thấy cơ hội cho việc xây dựng một ngân hàng thuần số. Số hóa cho phép chúng tôi đi nhanh hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn rất nhiều so với trước đây

Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc UOB Việt Nam

Lãnh đạo UOB Việt Nam cho biết với tư cách là một ngân hàng con của UOB, ngân hàng có thể tận dụng mạng lưới khu vực rộng khắp của tập đoàn để khai thác nhu cầu thanh toán xuyên biên giới cũng như phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài từ Singapore và các thị trường khác trong khu vực vào Việt Nam, cũng như hỗ trợ các khách hàng Việt Nam ra khu vực.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận dù đã hiện diện tại Việt Nam gần 30 năm, hoạt động kinh doanh bán lẻ của UOB còn khá non trẻ. “Điều này đòi hỏi chúng tôi phải sáng tạo và làm những điều khác biệt để có thể cạnh tranh với hơn 40 ngân hàng nội địa”, ông nói và cho biết UOB Việt Nam hiện không có hệ thống chi nhánh rộng lớn.

Tuy nhiên, với thị trường hiện tại, khi việc ứng dụng kỹ thuật số đang không ngừng gia tăng, và năng lực ngân hàng kỹ thuật số không ngừng cải tiến, các ngân hàng không cần phải phụ thuộc vào mạng lưới chi nhánh và ATM để thu hút và phục vụ khách hàng.

“Việt Nam cho thấy cơ hội cho việc xây dựng một ngân hàng thuần số. Số hóa cho phép chúng tôi đi nhanh hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn rất nhiều so với trước đây”.

Theo ông Victor Ngo, UOB đã đầu tư hơn 500 triệu đô Singapore (khoảng 372 triệu USD) vào các sáng kiến kỹ thuật số trên khắp khu vực ASEAN, bao gồm cả Việt Nam. Và trong thời gian tới, tập đoàn tài chính này sẽ tăng cường đầu tư để phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Trong đó, việc mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam sẽ làm tăng gấp ba cơ sở khách hàng bán lẻ và tăng gấp đôi số dư tiền gửi, cho vay bán lẻ của UOB Việt Nam, mang lại bộ sản phẩm tín chấp mở rộng, bao gồm thẻ tín dụng và khoản vay tín chấp cá nhân, bổ sung vào các giải pháp cho vay hiện tại của ngân hàng.

Với hoạt động bán buôn, trọng tâm chiến lược của UOB sẽ là sự kết nối, tức là tận dụng mạng lưới rộng khắp ASEAN của tập đoàn để hỗ trợ cho các khách hàng phát triển trong khu vực.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ceo-uob-viet-nam-ngan-hang-nha-nuoc-se-can-bang-chinh-sach-tien-te-post1409035.html