Cha con nghệ sĩ Lê Lâm - Xuân Lê: Đam mê từ cha truyền lửa cho con

Đạo diễn Lê Lâm và nghệ sĩ múa Xuân Lê là những gương mặt đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực nghệ thuật tại Pháp và trở thành cầu nối văn hóa giữa hai quốc gia Pháp - Việt.

Cử nhân Toán bước vào con đường nghệ thuật

Đạo diễn Lê Lâm và nghệ sĩ múa Xuân Lê là hai gương mặt nổi bật trong cộng đồng nghệ sĩ Việt kiều tại Pháp. Hai cha con nghệ sĩ ghi dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực nghệ thuật nước Pháp và trở thành cầu nối văn hóa giữa hai quốc gia.

Từ những thước phim đầy cảm xúc của người cha đến những vũ điệu đương đại đầy sáng tạo của con trai, gia đình nghệ sĩ này đã và đang viết nên câu chuyện về tình yêu nghệ thuật và sự gắn kết với cội nguồn qua hai thế hệ.

Đạo diễn Lê Lâm (trái) và nghệ sĩ múa Xuân Lê (Ảnh: TL)

Đạo diễn Lê Lâm (trái) và nghệ sĩ múa Xuân Lê (Ảnh: TL)

Sinh năm 1948 tại Hải Phòng, đạo diễn Lê Lâm sang Pháp du học khi ông 18 tuổi (năm 1966). Trong thời gian học cử nhân Toán, Lê Lâm tìm thấy niềm đam mê trong những thước phim. Ông đắm chìm trong từng buổi chiếu, say sưa tranh luận với những sinh viên điện ảnh Pháp, và dần dần, ngọn lửa đam mê trong Lê Lâm bùng cháy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Năm 1975, khi đất nước vừa được giải phóng, Lê Lâm đã làm phụ tá cho các đạo diễn Pháp, vừa kiếm sống và học nghề. Mỗi ngày trôi qua, ông càng thấy mình đang sống đúng với con người thật của mình.

Bước ngoặt sự nghiệp của Lê Lâm đến từ kịch bản "Long Vân Khánh Hội". Tác phẩm này không chỉ được Cục Điện ảnh Pháp đánh giá cao mà còn nhận được tài trợ. Đây chính là cơ hội để Lê Lâm từ bỏ vai trò phụ tá, mạnh dạn bước vào con đường đạo diễn chuyên nghiệp.

Bộ phim đầu tay của ông đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Nó không chỉ được chọn tham dự các Liên hoan phim danh giá như Cannes, Venice mà còn được trình chiếu khắp thế giới. Điều đáng ngạc nhiên là trong thời đại phim màu đang thịnh hành, tác phẩm đen trắng của ông lại được đón nhận nồng nhiệt.

Đạo diễn, biên kịch Lê Lâm đã từng là giảng viên về môn kịch bản và đạo diễn tại trường Điện ảnh Pháp IDHEC-la FEMIS. Ông từng đảm nhiệm tổ chức Liên hoan Điện ảnh Nga tại tỉnh Nice năm 2008 và tỉnh Valence năm 2006, là một trong những người sáng lập đoàn kịch Atelierl’Epeé de Bois, Paris. Đạo diễn được trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học (Chevalier des Arts et des Lettres) của Bộ Văn hóa năm 1986; Đạo diễn gốc Việt duy nhất được Huy chương vàng LHP Quảng cáo Quốc tế Cannes 1988 và 1990. (Ảnh: VNex)

Đạo diễn, biên kịch Lê Lâm đã từng là giảng viên về môn kịch bản và đạo diễn tại trường Điện ảnh Pháp IDHEC-la FEMIS. Ông từng đảm nhiệm tổ chức Liên hoan Điện ảnh Nga tại tỉnh Nice năm 2008 và tỉnh Valence năm 2006, là một trong những người sáng lập đoàn kịch Atelierl’Epeé de Bois, Paris. Đạo diễn được trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học (Chevalier des Arts et des Lettres) của Bộ Văn hóa năm 1986; Đạo diễn gốc Việt duy nhất được Huy chương vàng LHP Quảng cáo Quốc tế Cannes 1988 và 1990. (Ảnh: VNex)

"Long Vân khánh hội" đã đi vào lịch sử như bộ phim tiếng Việt đầu tiên được công chiếu trên màn ảnh châu Âu (năm 1981) . Đây là một bước đột phá lớn, bởi trước đó, phim Việt Nam chỉ giới hạn trong các liên hoan ở Liên Xô và Đông Âu. Việc tác phẩm của Lê Lâm vượt ra khỏi ranh giới đó, thậm chí còn được chiếu tại Mỹ, đã tạo nên một tiếng vang lớn trong giới điện ảnh quốc tế.

Một năm sau, một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Lê Lâm. Sự chú ý của báo chí quốc tế dành cho ông không chỉ dừng lại ở các cuộc phỏng vấn mà còn thu hút sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Lần đầu tiên, chính phủ Việt Nam biết đến tên tuổi của Lê Lâm và mời ông về nước để giới thiệu bộ phim "Long Vân Khánh Hội" cho giới điện ảnh trong nước.

Trong chuyến về nước năm này, ông đã giới thiệu với chính phủ dự án phim mới của mình "Đế chế tàn vụn", một tác phẩm đã hoàn thành kịch bản và nhận được tài trợ.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, chính phủ cho phép một đoàn làm phim từ nước tư bản (Pháp) thực hiện một bộ phim truyện dài tại Việt Nam.

Quá trình sản xuất "Đế chế tàn vụn" diễn ra nhanh chóng trong 2 năm (1982-1983), bộ phim đã được chọn tham dự chính thức tại các Liên hoan phim danh tiếng như Venice và Berlin, sau đó tiếp tục được trình chiếu khắp thế giới. Tác phẩm này đã tạo nên tiếng vang lớn trong giới điện ảnh quốc tế. Tại Pháp, hàng chục tờ báo đã viết về bộ phim.

Đặc biệt, tờ "Nhân loại" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp - đã dành nhiều lời khen ngợi, thậm chí còn đăng một bài điểm báo quan trọng về tác phẩm này. Thành công của "Đế chế tàn vụn" không chỉ khẳng định tài năng của Lê Lâm mà còn mở ra một chương mới cho điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Phim "Đế chế tàn vụn" của Lê Lâm. (Ảnh: TL)

Phim "Đế chế tàn vụn" của Lê Lâm. (Ảnh: TL)

Trong quá trình thực hiện "Đế chế tàn vụn", Lê Lâm đã có một tầm nhìn xa trông rộng về tương lai của điện ảnh Việt Nam. Ông đã nộp cho Bộ Văn hóa (khi ấy) và Cục Điện ảnh Việt Nam một dự án đề xuất cách thức hợp tác với điện ảnh quốc tế.

Trong đó, ông đã đưa ra những gợi ý cụ thể về cách Việt Nam nên tiếp đón và làm việc với các đoàn làm phim nước ngoài, nhấn mạnh rằng để phát triển nền điện ảnh nước nhà, việc hợp tác quốc tế là không thể thiếu.

Thời điểm đó, bộ phim của ông là tác phẩm châu Âu đầu tiên được phép quay tại Việt Nam, một phần nhờ vào việc ông là người Việt Nam. Sự kiện này đã mở đường cho nhiều dự án điện ảnh quốc tế khác.

Ngay sau khi Lê Lâm nộp dự án, Pháp đã bắt đầu chuẩn bị cho ba bộ phim bom tấn: "Điện Biên Phủ", "Người tình" và "Đông Dương". Đây là những bộ phim truyện quy mô lớn đầu tiên mà Việt Nam cho phép quay trên lãnh thổ của mình.

Người đầu tiên mang phim đi Liên hoan phim Nantes

Cũng vào năm 1981 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Lê Lâm trở thành người đầu tiên giới thiệu phim Việt Nam tại Liên hoan phim Nantes. Ông đã mang theo ba cuộn phim "Chom và Sa" của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, thuyết phục Ban tổ chức chiếu phim và trực tiếp dịch thuật qua micro trong suốt buổi chiếu.

Phim "Chị Dậu" của đạo diễn Phạm Văn Khoa. (Ảnh: TL)

Phim "Chị Dậu" của đạo diễn Phạm Văn Khoa. (Ảnh: TL)

Năm 1982, trong chuyến về nước quay phim "Đế chế tàn vụn", Lê Lâm được biết đạo diễn Phạm Văn Khoa đang thực hiện bộ phim "Chị Dậu". Ngay lập tức, ông đã đóng vai trò cầu nối giữa Ban tổ chức Liên hoan phim Nantes và Cục Điện ảnh Việt Nam, tạo điều kiện cho phim "Chị Dậu" tham dự liên hoan. Kết quả, tác phẩm này đã trở thành phim Việt Nam đầu tiên giành Huy chương Vàng tại một liên hoan phim châu Âu.

Từ đó, một mối liên hệ bền chặt đã được thiết lập giữa các Liên hoan phim Pháp và Cục Điện ảnh Việt Nam. Lê Lâm tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá phim Việt ra thế giới. Điển hình như năm 2015, ông đã đề cử phim "Lạc giới" của đạo diễn Phi Tiến Sơn, do Mai Thu Huyền sản xuất và đóng vai chính, tham dự Liên hoan phim Tours. Nhờ uy tín của Lê Lâm, ban tổ chức đã tin tưởng chọn phim này vào chương trình chính thức.

Ông không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một đạo diễn trong việc sáng tạo tác phẩm, mà còn nỗ lực không ngừng trong việc quảng bá điện ảnh Việt Nam trên màn ảnh châu Âu. Đây là minh chứng cho tầm nhìn và tình yêu sâu sắc của ông đối với nền điện ảnh nước nhà.

Nghệ sĩ múa Xuân Lê: Tìm về nguồn cội qua những điệu múa

Tiếp bước cha mình, Xuân Lê không chỉ kế thừa mà còn phát huy rực rỡ ngọn lửa đam mê nghệ thuật. Anh đã chọn con đường nghệ thuật múa để thể hiện tài năng và tình yêu với văn hóa quê hương. Với tài năng và sự sáng tạo không ngừng, Xuân Lê đã nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng trong làng múa hiện đại.

Tác phẩm múa "Reflet" (Phản chiếu).

Tác phẩm múa "Reflet" (Phản chiếu).

Từ một vận động viên trượt patin xuất sắc với danh hiệu vô địch nước Pháp và hạng 6 thế giới năm 2009, Xuân Lê đã chuyển mình một cách đầy ấn tượng sang lĩnh vực múa đương đại. Sự chuyển hướng này không chỉ thể hiện khả năng thích nghi phi thường mà còn chứng tỏ tầm nhìn nghệ thuật sâu sắc của anh.

Xuân Lê được ngợi ca bởi những điệu múa độc đáo, hòa quyện giữa kỹ thuật múa đương đại và những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Các tác phẩm như "Phản chiếu" và "Vòng lặp" không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn sâu sắc về nội dung, mang đến cho khán giả những trải nghiệm nghệ thuật đầy cảm xúc. Sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật múa đương đại, hiphop, trượt patin và nghệ thuật thị giác, đưa khán giả vào một thế giới vi tế và đầy cảm xúc.

Mỗi bước nhảy, mỗi động tác của Xuân Lê đều toát lên sự tinh tế, đam mê và tâm hồn yêu thương quê hương.

Với tư cách là Giám đốc nghệ thuật của Vũ đoàn Xuân Lê, anh đã tạo ra một "vũ trụ" nghệ thuật độc đáo, nơi hòa quyện giữa vũ đạo, xiếc và nghệ thuật thị giác. Sự sáng tạo này không chỉ là kết quả của tài năng thiên bẩm mà còn là thành quả của những năm tháng miệt mài cộng tác với các biên đạo múa và nhà hát danh tiếng tại Pháp. Xuân Lê đã chứng minh rằng, với đam mê và quyết tâm, con đường nghệ thuật luôn rộng mở cho những ai dám ước mơ và dám theo đuổi.

"Vòng lặp" - tác phẩm solo đầu tay và "Reflet" (Phản chiếu) - vở múa đã công diễn khắp thế giới, là minh chứng cho tài năng và tâm huyết của Xuân Lê.

Nghệ sĩ Xuân Lê trong tác phẩm "Phản chiếu".

Nghệ sĩ Xuân Lê trong tác phẩm "Phản chiếu".

Dù đã gặt hái nhiều thành công trên đất Pháp, Xuân Lê vẫn luôn hướng về cội nguồn. Anh đã khéo léo lồng ghép những yếu tố văn hóa Việt Nam vào các tác phẩm của mình, tạo nên một sự giao thoa độc đáo giữa Đông và Tây.

Qua đó, Xuân Lê không chỉ quảng bá văn hóa Việt ra thế giới mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam, khuyến khích họ dám ước mơ và vươn xa trên con đường nghệ thuật.

Nhìn về tương lai, hai cha con Lê Lâm và Xuân Lê đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với các nghệ sĩ trong nước. Họ tin rằng, thông qua nghệ thuật, có thể xây dựng cầu nối vững chắc giữa cộng đồng Việt kiều và quê hương. Dự án sắp tới của Xuân Lê về việc tổ chức múa đương đại tại Việt Nam hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các tài năng trẻ trong nước.

An Nhiên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cha-con-nghe-si-le-lam-xuan-le-dam-me-tu-cha-truyen-lua-cho-con-192240724123159425.htm