Những điều thú vị, ít biết về vua chúa Việt Nam

Sách 'Vua chúa Việt và những điều chưa biết' đề cập nhiều khía cạnh khác nhau về cuộc sống, sinh hoạt của vua chúa Việt Nam xưa mà báo chí, sách vở chưa khai thác nhiều.

Vua chúa Việt và những điều chưa biết là cuốn sách tập hợp những bài viết / câu chuyện thú vị về các vị vua chúa Việt Nam của nhà báo Lê Tiên Long - một người có niềm đam mê đọc sách lịch sử.

Nhiều câu chuyện thú vị chưa được khai thác

Đam mê này của tác giả sách bắt nguồn từ hồi còn học lớp 1, khi anh khám phá ra tủ sách của ông ngoại với rất nhiều sách sử, hoặc giai thoại lịch sử.

Từ việc say sưa đọc những cuốn sách này, nhất là câu chuyện về đời sống các vị vua triều Nguyễn, tác giả đã tìm tòi các câu chuyện tương tự từ nhiều nguồn / kênh khác nhau (sách sử, giai thoại, tư liệu xưa…).

Và trong quá trình tìm tòi này, Lê Tiên Long đã phát hiện ra lịch sử nước ta còn rất nhiều câu chuyện thú vị về các vị vua chúa, còn nằm rải rác ở nhiều nhân vật, thời đại, hay ở những cuốn sách khác nhau, nhưng chưa được báo chí, sách vở khai thác và độc giả biết tới.

Mặt khác, qua quá trình này, tác giả sách còn thấy có không ít câu chuyện, những tư liệu lịch sử ghi lại hành trạng của một số ít các vua (không phản ánh toàn bộ các vị vua trong lịch sử nước ta) cũng có thể khiến đời sau không nắm được trọn vẹn chi tiết lịch sử nước nhà.

Chính vì vậy, Lê Tiên Long đã chắt lọc tư liệu, đối chiếu thông tin, viết và tập hợp các câu chuyện này thành cuốn Vua chúa Việt và những điều chưa biết, với mong muốn nó sẽ trở thành một tài liệu tham khảo, một món ăn nuôi dưỡng niềm yêu thích lịch sử, niềm tự hào dân tộc cho những người yêu lịch sử.

 Cảnh triều đình Nhà Lê Trung hưng (1684-1685). Nguồn: Samuel Baron, sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài.

Cảnh triều đình Nhà Lê Trung hưng (1684-1685). Nguồn: Samuel Baron, sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài.

Đời sống của vua chúa và muôn chuyện ở chốn cung đình

Vua chúa Việt và những điều chưa biết gồm 38 bài viết, nội dung được tác giả nhóm thành ba chủ đề chính (3 phần) gồm: Việc quốc gia đại sự; Đời sống riêng của vua chúa; Muôn chuyện ngoài cung đình.

Qua từng phần sách, độc giả có dịp tìm hiểu nhiều mặt hoạt động của triều đình trung ương xưa, từ nghi lễ, nghi thức cung đình, việc tuyển chọn, bổ nhiệm người tài, cho đến việc xử lý các công việc triều chính khác nhau của mỗi vị vua.

Bạn đọc cũng được khám phá những quy định cách xưng hô của vua (qua các triều đại) cũng rất khác nhau. Xưa, bề tôi thường gọi vua là “Bệ hạ”, còn vua xưng là “Trẫm”, nhưng thời Lý Thánh Tông, vua ban chiếu xuống cho các quan khi có việc ở trước mặt vua thì gọi vua là “Triều đình”. Còn vua Trần Thái Tông lại xuống chiếu cho thiên hạ gọi mình là “Quốc gia”.

Bạn đọc cũng có dịp khám phá quy định trang phục, lễ nhạc khi vua thiết triều ra sao? Vua đi lại bằng xe gì, phương tiện nào được vua sử dụng nhiều nhất: Voi, ngựa hay thuyền?

Ví dụ theo quy chế thời phong kiến đại giá của vua khi xuất hành gồm 5 thứ xe (ngũ lộ): ngọc lộ, kim lộ, tượng lộ, cách lộ, mộc lộ. Thời Lê sơ đại giá của vua gồm 5 thứ xe, về sau dần bỏ đi. Thời Lê Trung hưng, các vua chúa đi đâu chỉ dùng kiệu kim long (chạm rồng dát vàng) và kiệu kim quy (chạm rùa vàng), chứ không ngồi xe.

Thời Gia Long, các xe của vua chỉ có 4 chiếc, 1 chiếc ngọc lộ, 1 chiếc kim lộ và 2 chiếc kim bảo dư. Sang thời Minh Mạng quy chế “ngũ lộ” dành riêng cho nhà vua được khôi phục trở lại.

Hay bạn đọc được khám phá chuyện vua tuyển dụng nhân tài, xử lý công việc triều chính như thế nào, quan điểm của các vị vua về phong thủy, hay vua chúa nước ta xây hành cung thế nào, rồi cả việc bảo vệ an toàn của vua...

 Nhà báo Lê Tiên Long. Ảnh: FBNV.

Nhà báo Lê Tiên Long. Ảnh: FBNV.

Nói về chuyện tuyển chọn người tài dưới thời phong kiến, các vua thường bổ nhiệm người thân cận, hoặc tuyển chọn người tài qua khoa cử, hoặc bổ nhiệm qua tiến cử của đại thần. Tuy nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt được vua “bổ nhiệm thần tốc” vì nhận thấy tài năng vượt trội của bề tôi.

Trường hợp của Đoàn Nhữ Hài là một ví dụ. Ông không phải là người thân cận, nhưng nhờ kiến thức vững chắc chỉ qua tự học, không qua khoa cử, chưa trải kinh nghiệm quan trường, nhưng ông vẫn được vua Trần Anh Tông tin dùng.

Bên cạnh những chuyện có tính “Quốc gia đại sự”, bạn đọc còn được khám phá những khía cạnh khác nhau về đời sống rất riêng tư của các vị vua, từ dung nhan các vị vua, vua ăn tết, vua ngủ, chuyện ăn uống của vua, vua trổ tài xem tướng, vua rèn luyện thân thể như thế nào...

Ví dụ, nói về dung mạo của các vị vua chúa Việt xưa, dân thường tuyệt đối không được phép nhìn mặt vua. Khi xa giá của vua đi ra ngoài, dân chúng đều phải quỳ rạp bên đường, đầu cúi sát đất, ai dám ngẩng đầu lên nhìn “long nhan” đều bị khép vào trọng tội khi quân, phạm thượng.

Tuy nhiên, sau khi các vị vua Việt băng hà, triều đình vẫn vẽ tranh đúc tượng để thờ. Tiếc rằng, do những biến thiên lịch sử, hầu hết tranh tượng thờ này đều không còn.

Ở triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, gần nhất là triều Nguyễn, người ta cũng khó thấy được dung nhan các vua, cho đến khi người Pháp sang ghi lại chân dung các vua bằng ảnh chụp (từ vua Đồng Khánh trở đi). Trước đó, đời sau chỉ hình dung diện mạo các vua đầu triều Nguyễn qua nét vẽ của các họa sĩ người Pháp.

Liên quan đến việc miêu tả dung nhan của các vua, tác giả cũng cho biết những vị vua nào được sử sách mô tả (mang tính ước lệ) là “mặt rồng”, “dáng rồng”, “dáng vẻ thiên tử”, “thần thái nghiêm trang”, vua nào được sứ thần nước ngoài khen là.... đẹp trai.

Cũng trong cuốn sách, tác giả sẽ cùng độc giả giải đáp những thắc mắc như vua ăn gì khi đi đánh trận? Vua uống rượu ra sao, những vua nào mê rượu? Lúc còn trẻ vua phải học hành thế nào? Những vị vua Việt nào mắc bệnh lạ, đó là loại bệnh gì?....

Sách cũng đề cập những câu chuyện mà đến nay vẫn mang tính thời sự như các vị vua nước ta xưa chống tham nhũng thể nào? Các vị vua dùng cách nào để ngăn nhân dân đánh bạc, khi có dịch bệnh lan truyền vua chỉ đạo xử lý thế nào?

Tóm lại, với việc khai thác những câu chuyện về vua chúa ít được biết tới, nằm rải rác, chưa được tổng hợp, sách Vua chúa Việt và những điều chưa biết không chỉ kể những câu chuyện hấp dẫn, thú vị, mà còn giúp chúng ta biết thêm các khía cạnh khác nhau của lịch sử nước nhà.

Sách cũng là một tư liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến chủ đề cuộc sống, sinh hoạt của vua chúa Việt Nam mà sách vở ngày nay chưa khai thác nhiều.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-dieu-thu-vi-it-biet-ve-vua-chua-viet-nam-post1496350.html