Chà gạo ăn Tết

Tôi không nhớ chính xác nhà mình thôi chở lúa đi chà gạo hồi nào, chỉ nhớ là cũng lâu lắm rồi. Bởi vậy, mấy ngày giáp Tết, tạt ngang nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, nhìn cảnh bốc vác, tất bật cân đong, vận chuyển gạo, nếp, tấm, cám... trong âm thanh rền rền, ù ù tiếng máy chạy xay lúa, bụi cám bám phủ mọi ngóc ngách, cảm giác hoài niệm ùa về.

Nghe khách hỏi mua gạo lứt, anh coi sóc chuyện buôn bán của nhà máy xởi lởi: “Em đang chà đợt lúa mới, lúa trồng trên đất nuôi tôm, mềm cơm ngon lắm! Chế mua bao nhiêu ký?”. Vì muốn mua gạo lứt, thứ gạo chưa lau, còn nguyên lớp vỏ nâu mỏng bên ngoài, nên tôi phải chờ anh đi loanh quanh trong nhà máy kiếm ông coi gằn, dặn hứng riêng.

Ngồi ngó chung quanh, vẫn chộn rộn người mua kẻ bán, có điều nay đã khác xưa nhiều, ở cách vận chuyển, thanh toán, giao hàng. Giáp Tết, gió hiu hiu thổi mơn man da thịt. Nhìn xuống mé sông, nơi này trước đây tấp nập xuồng ghe chở lúa gạo cập bến, ghe lớn của hàng xáo, xuồng nhỏ của khách lẻ đi chà gạo về ăn; nay bến vắng hẳn, bởi đa phần lúa gạo được chở bằng xe, gọi điện giao hàng, thanh toán bằng chuyển khoản.

Lại nghĩ về vụ lúa - tôm năm 2023, năm nay được xem là năm thắng lớn, bởi thời tiết thuận lợi, nông dân Cà Mau trúng mùa, trúng giá, bán lúa có tiền rủng rỉnh, bà con ai nấy hồ hởi chuẩn bị đón cái tết Giáp Thìn sung túc.

Trước đây trong xóm vùng ven đô này, hầu như nhà nào cũng có đất ruộng trồng lúa và dành riêng một khu nhỏ trồng nếp. Tới mùa gặt xong, ngoài số lúa bán cho hàng xáo để lấy tiền sắm sửa trong nhà, bao giờ cũng lựa giống lúa ngon chừa lại, ví vô bồ, khi gần hết gạo ăn là xúc lúa vô bao, vác xuống xuồng chở tới nhà máy chà gạo.

Thời điểm cuối năm, nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau tất bật nhập lúa, chà gạo bán, đáp ứng nhu cầu mua gạo, nếp tăng cao dịp Tết.

Thời điểm cuối năm, nhà máy xay lúa ở ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau tất bật nhập lúa, chà gạo bán, đáp ứng nhu cầu mua gạo, nếp tăng cao dịp Tết.

Nhất là lúc giáp Tết, nhà nào cũng lo đi chà gạo, chà nếp để sẵn, chuẩn bị ăn Tết. Gạo để ăn, để cho con cháu ở xa về, coi như là quà Tết thơm thảo; nếp dành quết bánh phồng, gói bánh tét... ăn Tết. Lúa đầy bồ, gạo đầy hũ, Tết đủ đầy, tươm tất, cầu mong cho cả năm được no ấm. Quan niệm này cho tới nay vẫn được các mẹ, các chị nội trợ gìn giữ, ngày Tết bao giờ cũng mua gạo đầy thùng, thêm đầy hũ muối; có gạo có muối trong nhà, mong sung túc cả năm.

Thời đó, nhà máy chà gạo còn là điểm gặp gỡ kỷ niệm của biết bao chàng trai, cô gái làng trên xóm dưới. Cánh thanh niên lúc nông nhàn hay la cà uống cà phê ở mấy quán gần đó, thấy cô nào đẹp người đẹp nết đi chà gạo thì lân la phụ giúp, tìm hiểu, làm quen. Nhiều cặp nên nghĩa vợ chồng cũng nhờ duyên gặp lúc đi chà gạo.

Thời đó, nhà nào có lúa đi chà gạo ăn được coi là dư giả, chà xong còn có tấm, cám mang về cho bầy heo, gà, vịt. Mỗi lúc xúc gạo nấu cơm cũng mạnh tay hơn, nấu nhiều cho dư dư chút, phòng khi nhà có khách đột xuất cũng có cơm sẵn mời mọc, không phải chờ đi nấu thêm. Còn nhà nào không có lúa, phải đi mua “gạo ký”, thường cũng dè sẻn hơn.

Nông dân thời nay chọn trồng lúa hàng hóa, gặt bằng máy gặt đập liên hợp, thu hoạch xong bán ngay tại ruộng, không còn mấy người cất công chở lúa vô nhà, trữ trong bồ như trước và không phải lúc nào cũng ăn gạo chà từ lúa nhà trồng; không còn tâm lý lựa giống lúa ngon trồng để dành ăn... Tiến thêm một bước, nhà nào đất nhiều mà không đủ người làm thì cho thuê; người thuê ruộng hiện tại cũng không còn trả bằng lúa mà trả luôn bằng tiền mặt cho chủ đất, nhanh gọn, tiện lợi đôi bên.

Gạo bây giờ cũng có nhiều loại ngon để chọn, cả loại gạo ngon nhứt thế giới - ST25! Chỉ cần gọi điện thoại, sẽ có người giao gạo tận nhà, đổ sẵn vào thùng. Nhà nào ít người ăn, muốn mua ít, cũng có thể dễ dàng mua gạo đóng gói sẵn trong các túi lớn, nhỏ tại cửa hàng, siêu thị.

Tại nhà máy, gạo chà sẵn được chở bằng xe máy đi giao tận nơi cho khách hàng.

Tại nhà máy, gạo chà sẵn được chở bằng xe máy đi giao tận nơi cho khách hàng.

Quá tiện lợi nên cũng không còn cảnh lúc nhà hết gạo, lúa chưa chà kịp, phải mang thúng đi mượn gạo. Chuyện mượn gạo cũng là nét đẹp văn hóa, thể hiện tình làng nghĩa xóm tương trợ nhau lúc khó khăn; ai sống “có trước có sau” thì mượn gì cũng dễ, làm gì cũng làm tử tế. Chủ nhà đong một chục lon gạo cho mượn, lúc trả, người mượn bao giờ cũng đong vun hơn, trả nhiều hơn lúc mượn, “rộng rãi ông bà đãi”!

Giáp Tết là lúc đông ken, lúa nhiều, đi chà gạo phải bắt số và chờ đợi. Sốt ruột nhất là lúc nhà hết gạo mà gặp ngay lúc máy đang chà cho mấy mối hàng xáo, nhìn mấy ông cu li cứ cõng lúa đổ lên cối hết bao này đến bao khác mà vẫn chưa hết một ngọn lúa, chưa tới lượt mình.

Nhà đông con, chuyến Tết thường chà nhiều; gạo, tấm, cám... chất đầy xuồng, có khi còn xúc thêm vài bao trấu để dành chụm nấu ăn hoặc bón cho cây trồng. Bơi xuồng về mà hồi hộp, sợ nhất mấy chiếc vỏ tốc hành chạy ẩu, thấy xuồng chở khẳm mà không “tốp” bớt... Nhà máy cũng ở trong xóm, không xa mấy, nhưng lần nào cũng vậy, bơi xuồng quẹo vô được con kênh nhỏ về nhà mới thở phào, mừng trong bụng!.

Gạo chà xong đem về, tới chuyện “mần gạo” của mấy dì, mấy mẹ. Gạo nhiều, “mần” một bữa không xong thì đậy đó, lúc quỡn đãi lại “mần” tiếp. Hình ảnh mẹ ngồi “mần gạo”, bầy gà xúm xít chờ thóc chung quanh thật yên bình, khắc sâu mãi vào trí nhớ những người con từng sinh sống, lớn lên ở vùng quê làm lúa...

Ngồi lượm những hột thóc còn lẫn trong mớ gạo lứt, tôi nhớ quay quắt những ngày được “mần gạo” cùng bà ngoại, cùng mẹ trước đây. Mấy lúc mưa dầm dề, không ra ruộng vườn được, mẹ tôi hay bày cái nia lớn, đổ mớ gạo ra để sàng, lượm sạch thóc. Có chuyến gạo nhiều thóc quá, mẹ phải sàng cho thóc gom lại rồi hốt nhúm cho nhanh. “Mần gạo” xong, lấy toàn gạo cội đổ vào lu, khạp... để dành nấu cơm ăn; còn mớ tấm rớt xuống nia cũng không phí, vì còn có bầy heo ngày mấy quận đòi ăn, bầy vịt chiều chiều mắc đi kiếm lùa về, bầy gà nuôi nối hết lứa này tới lứa khác...

Nhớ hoài nụ cười của ngoại, ra thăm con cháu, gặp lúc “mần gạo”, thấy tôi vụng về cầm giần, ngoại cốc đầu: “Cha mày, toàn sàng ngược!”, rồi dạy cách sàng cho tấm rớt xuống nia, thóc gom lại trên giần. Ngoại cầm giần thuần thục, lẹ làng đổ gạo ra mấy cái thúng, cho “đứa nào tỏ mắt thì lượm thóc tiếp!”. Những giây phút yêu thương đó, nay mãi mãi tôi không thể nào tìm thấy được nữa, vì ngoại đã đi xa.

Nhớ thì nhớ vậy, chuyện này bắt qua chuyện kia, nhưng chung quy gắn với nhà máy chà vẫn là mảng ký ức đẹp đẽ không thể nào quên, của tôi, của cả gia đình và bao lớp người một thời từng làm nông, gắn bó, giữ gìn mảnh ruộng, nâng niu hạt lúa quê nhà./.

Vĩnh Xuân

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cha-gao-an-tet-a30884.html