Cha mẹ cần làm gì để con tránh những tổn thương tâm lý đến mức tự tử?

VOV.VN -Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp phải vấn đề tâm lý đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến hành vi tự tử, cha mẹ cần đặc biệt chú ý như trẻ bị suy giảm động cơ, không còn cảm nhận được những giá trị cuộc sống, nghĩ mọi thứ đều chán nản, thường xuyên nhắc đến cái chết...

Rạng sáng 1/4, một nam sinh trường THPT chuyên tại Hà Nội đã trèo qua ban công căn hộ từ tầng 28 nhảy xuống tự tử, trước đó nạn nhân có để lại một bức thư tuyệt mệnh cho gia đình.

Đến tối 1/4, lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bắc Ninh cho biết, vào sáng 31/3, gia đình nữ sinh N.K.V phát hiện con tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà riêng.

Những vụ việc học sinh tự tử xảy ra liên tiếp thời gian gần đây khiến cả xã hội không khỏi bàng hoàng, đau xót. Với các bậc phụ huynh, những sự việc đau lòng này còn là hồi chuông cảnh báo cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe tinh thần của trẻ.

TS Hoàng Trung Học, chuyên gia tâm lý, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục đã có cuộc trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.

PV: Những vụ học sinh tự tử đầy thương tâm liên tiếp xảy ra, theo chuyên gia, người giám hộ, cha mẹ có trách nhiệm ra sao trong việc bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tâm lý nghiêm trọng này?

TS Hoàng Trung Học: Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ có hành vi tự hủy hoại bản thân. Trước những sự việc này, chúng ta không nên nhìn phiến diện, vội đổ lỗi cho một đối tượng cụ thể, mà cần nhìn nhận nguyên nhân đa chiều để hiểu đầy đủ về sự việc.

Với trẻ em, vai trò của gia đình, người giám hộ là rất quan trọng. Trẻ càng nhỏ, những tác động, ảnh hưởng trực tiếp tự gia đình, nhà trường càng lớn. Với trẻ mầm non, tiểu học, THCS vai trò, ảnh hưởng của bố mẹ lại càng đặc biệt quan trọng.

Cha mẹ không chỉ là người nuôi dưỡng, chăm sóc, mà có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc dưỡng dục và định hình nhân cách cho trẻ. Trong quá trình này, vai trò của cha/mẹ không chỉ dừng ở việc chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng, mà những thấu hiểu, hỗ trợ, nâng đỡ về mặt tâm lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Chúng ta không chỉ giúp con trưởng thành chỉ bằng dinh dưỡng, mà vai trò của mỗi cha/mẹ như một nhà giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp con trưởng thành.

TS Hoàng Trung Học

TS Hoàng Trung Học

Trong xã hội ngày nay, nuôi con là một khoa học, cha mẹ không chỉ nuôi con theo bản năng mà còn cần những kiến thức khoa học để hỗ trợ, giáo dục con. Khi không nuôi dạy con một cách khoa học; không thấu hiểu, phát hiện kịp thời những bất thường tâm lý để có hỗ trợ đúng cách, cha/mẹ có thể trở thành những tác nhân trực tiếp, hoặc gián tiếp gây ra những sự việc đáng tiếc ở trẻ như thực tiễn đã từng xảy ra, báo chí gần đây đã nêu. Đó là những việc đáng tiếc, nhưng không thể không kể đến những lỗi trong quá trình chăm sóc, giáo dục, hỗ trợ của cha/mẹ và mỗi gia đình.

PV: Trong nhiều vụ việc học sinh tự tử, nạn nhân để lại bức tư tuyệt mệnh khiến người lớn xót xa khi thấy trong đó là những áp lực quá lớn từ việc học tập, những bế tắc của trẻ khi không thể giãn bày? Phải chăng những áp lực học tập quá lớn đang khiến những đứa trẻ bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng, thưa ông?

TS Hoàng Trung Học: Việc học sinh tự tử có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể có những tác nhân liên quan đến việc học tập. Tuy nhiên, có đến 75% các ca học sinh tự tử đều có dấu hiệu trầm cảm. Việc học sinh bị trầm cảm hoặc có những rối loạn tâm lý khác hoặc những bế tắc dẫn đến hành vi tự tử có thể từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Những hành vi đáng tiếc này có thể xảy ra do sức ép học tập; xung đột với cha/mẹ, người thân; nghiện game hoặc mạng Internet; tình trạng rối loạn cảm xúc…

Nếu nói rằng việc trẻ tự tử do là do quá tải của chương trình học tập hay sự kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ có lẽ chưa thực sự đầy đủ. Áp lực thời nào cũng có. Điều quan trọng là cách ứng xử trước những áp lực đó ra sao lại là câu chuyện mà người lớn cần suy nghĩ. Làm thế nào để giúp trẻ tạo ra nội lực, vaccine tinh thần đủ mạnh để ứng phó trước những khó khăn trong cuộc sống là vấn đề đáng bàn.

Trong xã hội hiện đại, nhiều bậc cha mẹ đang nuôi con theo kiểu bảo bọc thái quá. Các cặp vợ chồng ngày nay có xu hướng sinh ít con nên thường dành mọi sự chăm sóc, bảo bọc tốt nhất cho con. Ở góc độ nào đó, việc này không tốt cho trẻ, nó sẽ làm trẻ mất đi khả năng tự lập, năng lực ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống. Khi gặp vấn đề, trẻ sẽ không thể tự xử lý, từ đó gây ra hành vi tự xâm khích và tự tử.

Các bậc phụ huynh muốn con vượt qua áp lực thì cần rèn luyện cho con từ nhỏ. Thương con là phải rèn cho con khả năng tự đối mặt với những khó khăn, giúp con vượt qua, thậm chí để cho con tự trải nghiệm những vấp ngã ở mức độ vừa phải, để trở nên có kinh nghiệm hơn. Cha mẹ đừng làm mọi việc thay con.

Thay vào đó, cha mẹ nên khuyến khích, động viên, dạy con cách đối mặt với thực tế, ứng phó với khó khăn và giúp con vượt qua.

PV: Những dấu hiệu nào có thể cảnh báo cho các bậc phụ huynh rằng con đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về tâm lý, thậm chí có thể dẫn đến việc tự tử?

TS Hoàng Trung Học: Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy một người đang nghĩ đến cái chết. Trong đó có những biểu hiện cơ bản như suy giảm động cơ hoạt động. Những người này không còn cảm nhận được giá trị của cuộc sống. Họ không còn mục tiêu sống, trở nên chán nản mọi thứ.

Thứ 2, trẻ có thể thường xuyên nhắc đến cái chết. Cái chết xuất hiện trong những câu chuyện, câu hỏi thường ngày. Nếu trẻ xuất hiện những câu hỏi vu vơ kiểu như: “không biết nhảy từ trên này xuống có đau không không nhỉ?”, “Chết có đáng sợ không” cha/mẹ cần đặc biệt lưu tâm. Đặc biệt, những trẻ từng có ý định tự tử trong quá khứ, hoặc thường có hành vi tự xâm kích như tuyệt thực; tự làm đau bản thân thì đây là những dấu hiệu hết sức đáng ngại mà cha mẹ cần chú ý.

Đặc biệt, những dấu hiệu này càng nghiêm trọng hơn ở những trẻ ở độ tuổi vị thành niên, vì đây là giai đoạn tâm lý chuyển tiếp, có nhiều nguy cơ khủng hoảng, trẻ dễ xúc động, manh động và khả năng kiểm soát cảm xúc kém.

PV: Nhiều phụ huynh vẫn nói rằng, họ muốn làm bạn với con, muốn hiểu con, nhưng sự khác biệt về thế hệ khiến điều này không dễ dàng. Chuyên gia có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh?

TS Hoàng Trung Học: Tôi cũng thường xuyên nhận được những câu hỏi làm sao để làm bạn với con và tôi cũng thường đặt câu hỏi ngược lại rằng, cha mẹ có thực sự muốn làm bạn với con hay không? Khi cha mẹ đặt vấn đề làm bạn với con, nhưng không thực hành đúng nguyên tắc trong quan hệ bạn bè thì rất khó.

Làm bạn là phải chấp nhận bạn, bao dung với bạn ngay cả khi bạn sai; làm bạn là bình đẳng, là lắng nghe và thấu hiểu; làm bạn là khích lệ, động viên không chỉ trích bạn. Các bậc cha/mẹ hãy làm đúng theo các nguyên tắc này, khi đó là ta đã trở thành bạn của con.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/cha-me-can-lam-gi-de-con-tranh-nhung-ton-thuong-tam-ly-den-muc-tu-tu-post934714.vov