Cha mẹ chỉ lo cầm điện thoại, lướt mạng thì sao hình thành văn hóa đọc cho con

Theo thầy Lê Viết Chung, chuyện đọc sách nên bắt đầu từ khi các con còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi vào trường mầm non mẫu giáo…

“Tôi vào lớp đông 80 em và hỏi: Hè này các em có đọc sách không và đọc sách gì hãy kể thầy nghe. Cả lớp không một cánh tay, chỉ cúi mặt và lắc đầu…”, thầy Lê Viết Chung kể khi nói về thực trạng văn hóa đọc trong sinh viên hiện nay.

Bên cạnh công việc giảng dạy, hơn 10 năm qua, thầy Lê Viết Chung, giảng viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng còn một công việc tâm huyết khác, đó là hành trình “cõng sách” đến các trường vùng sâu vùng xa, và những buổi trò chuyện, tọa đàm, thuyết trình, giới thiệu về sách,... với mong muốn truyền ngọn lửa đam mê và tình yêu sách đến với thế hệ trẻ.

Văn hóa đọc trong sinh viên có sự phân tầng “rất đáng phải lo ngại”

Thầy Lê Viết Chung, giảng viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Viết Chung tâm sự, tình yêu sách được nhen nhóm hình thành trong thầy từ những ngày còn mẫu giáo, qua những câu truyện tranh ngụ ngôn La Fontaine, truyện cổ tích Việt Nam được mấy ông anh mua cho. Vốn trong gia đình có sẵn rất nhiều sách, và những người anh trai cũng mê đọc sách, vì vậy như một lẽ tự nhiên, tình yêu với sách của thầy Chung cũng được bồi đắp và lớn dần lên từ đó.

“Tôi có thói quen đọc sách vào buổi trưa và buổi tối trước khi đi ngủ. Ngày xưa còn khỏe, bắt gặp được cuốn sách nào hay thì đọc quên đêm quên ngày, khi có tuổi, công việc bận bịu nên đọc sách cũng phải có quy định trừ ngày thứ bảy, chủ nhật có thể cho phép mình ngồi đọc cả buổi”, thầy Chung tâm sự.

Những giá trị và ý nghĩa tốt đẹp của văn hóa đọc sách là điều không thể phủ nhận. Từ sự quan sát và chiêm nghiệm của mình, thầy Lê Viết Chung khẳng định, thông qua việc đọc sách, sinh viên nhận được rất nhiều những giá trị cho bản thân. Đó có thể là vốn kiến thức chuyên ngành phục vụ cho công việc chuyên môn, kiến thức về văn hóa, tâm lý, giáo dục phục vụ cho việc xây dựng ý thức, tư tưởng và cảm xúc của người đọc… Cũng có thể là kiến thức về lịch sử để thế hệ trẻ hiểu và tự hào dân tộc mình. Hay đôi khi, đó cũng là những kiến thức mang lại cho người đọc những giây phút thoải mái, giải trí lành mạnh, yêu đời.

“Dù là mang lại những kiến thức như thế nào đi nữa thì theo tôi, có một mẫu số chung về giá trị của sách - đó là mang lại cho người đọc một sự hiểu biết, một thái độ sống tốt đối với bản thân mình và với những người xung quanh”, thầy Chung nhấn mạnh.

Tuy nhiên thầy Chung nhận định, văn hóa đọc sách hiện nay trong tầng lớp sinh viên có sự phân tầng “rất đáng phải lo ngại”. Theo đó, một số rất ít các em mê đọc sách, đọc nhiều và đọc sách như là một hoạt động thường nhật. Một số thì thỉnh thoảng đọc nếu được bạn bè giới thiệu còn đa số là các bạn không đọc sách. Thậm chí, ngay cả trong đội ngũ giáo viên nếu có một cuộc điều tra nho nhỏ sẽ thấy các thầy cô cũng rất ít đọc sách, ngoại trừ những cuốn sách về chuyên môn của mình.

Thầy Lê Viết Chung cùng những người cộng sự của mình "cõng sách" đến với các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa

Phát triển văn hóa đọc từ chính “cái nôi” gia đình, trường học

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, lớp trẻ đang dần quên đi thói quen đọc sách, thay vào đó chủ yếu đọc những dòng trạng thái ngắn trên các trang mạng xã hội, hoặc dành thời gian cho các hoạt động giải trí khác như chơi game, lướt web, mua sắm,...

Tuy nhiên, thầy Chung cho rằng đây không phải là vấn đề chính: “Thật ra thì người ta thường đổ thừa việc không đọc sách của lớp trẻ là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin và đó cũng là lý do để đổ thừa học sinh ngày nay không chịu học tập. Phải nhìn thẳng vào vấn đề khi cha mẹ các em không đọc sách chỉ lo cầm điện thoại, lướt mạng xã hội thì không thể đòi hỏi các con mình hình thành một thói quen đọc sách.

Thậm chí, ở nhiều trường, thư viện chỉ là một kho sách vô cảm, khi các thầy cô chỉ chăm chăm giảng dạy bộ môn của mình, khi mọi sinh hoạt đều chạy theo thành tích như múa hát, thi học sinh giỏi, thi an toàn giao thông, … nên không còn khoảng đất trống nào để gieo mầm cho việc đọc sách của các em. Đó là chưa nói đến xã hội…”

Bởi vậy, vị giảng viên cho rằng, công nghệ thông tin, nếu biết điều chỉnh sẽ là một sự hỗ trợ đắc lực cho việc lan tỏa niềm đọc sách của giới trẻ. Điều quan trọng hơn, đó là sự làm gương, định hướng và tạo môi trường để phát triển, lan tỏa những điều tốt đẹp như văn hóa đọc sách từ chính những “cái nôi” là gia đình, trường học.

Thầy Lê Viết Chung trong một hoạt động giới thiệu sách

Về việc lựa chọn giữa đọc sách giấy truyền thống hay đọc sách ebook, sách điện tử,... thầy Chung cho rằng đọc bằng cách nào, phương tiện gì thì cũng đều đáng quý và hoan nghênh.

“Bản than tôi vẫn trung thành với sách giấy vì tôi mê thích cái cảm giác nghe trang sách sột soạt và mùi giấy mới, mực in khi lần giở từng trang sách. Tôi thích cái cảm giác úp cuốn sách trên ngực khi đọc được một vài trang hay, sâu sắc và ý nghĩa. Tôi thấy hạnh phúc khi ghi lại cảm xúc của mình về một đoạn, một chương quá hay trên giấy dán sticker để dán vào các trang sách. Và thiết nghĩ mua sách giấy cũng là cách để ủng hộ cho những tác giả và những người làm sách. Dù đọc bằng cách nào, phương tiện gì thì cũng đều đáng quý và hoan nghênh”, thầy Lê Viết Chung chia sẻ.

Ra mắt câu lạc bộ “Sách và tuổi trẻ UED”

Được biết, nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay, câu lạc bộ “Sách và tuổi trẻ UED” của sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cũng chính thức được ra mắt. Thạc sĩ Tăng Chánh Tín - Chủ tịch Hội sinh viên nhà trường cho biết:

“Câu lạc bộ Sách và tuổi trẻ UED là ấp ủ từ lâu của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Đây là một trong những hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc trong sinh viên. Các hoạt động triển lãm sách, review sách … là sự hiện thực hóa mục tiêu đó”.

Hoạt động triển lãm sách của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024

Chủ tịch Hội sinh viên Tăng Chánh Tín chia sẻ thêm, trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, các bạn sinh viên đóng vai trò trung tâm và chủ đạo trong việc tổ chức các hoạt động.

“Bởi hơn ai hết, sinh viên là những người ý thức được tầm quan trọng của sách với tuổi trẻ, với việc xây dựng tương lai. Các hoạt động trong ngày hội xuất phát từ chính nhu cầu và nguyện vọng của các bạn sinh viên, với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc trong giới trẻ, trong sinh viên, duy trì và phát triển môi trường đọc sách, lan tỏa tri thức trong sinh viên”, thủ lĩnh Hội sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng nhấn mạnh.

Sinh viên Trần Lê Minh Huyền (lớp 21STH1, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) - Chủ nhiệm câu lạc bộ Sách và Tuổi trẻ UED

Sinh viên Trần Lê Minh Huyền (lớp 21STH1, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) - người đang giữ vai trò Chủ nhiệm câu lạc bộ Sách và Tuổi trẻ UED chia sẻ, ý thức quan trọng về việc đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc đến với các bạn sinh viên trong và ngoài trường là một trong những cơ duyên thôi thúc nữ sinh quyết định tham gia vào câu lạc bộ.

“Với vai trò tập hợp các bạn sinh viên đam mê sách hiện tại, thông qua hoạt động của câu lạc bộ Sách và Tuổi trẻ UED, em và các thành viên muốn truyền tải thông điệp về sự quan trọng của việc đọc sách.

Đọc sách không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn là một phương tiện để mở rộng tầm hiểu biết, phát triển tư duy phản biện và khám phá sự đa dạng của thế giới. Với sự gần gũi và năng động của những người trẻ, em cũng mong rằng câu lạc bộ sẽ sớm trở thành một không gian tuyệt vời, nơi các thành viên trong cộng đồng đam mê sách được tự do giao lưu, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau”, Chủ nhiệm câu lạc bộ Sách và Tuổi trẻ UED bày tỏ.

Dành lời khuyên về việc lựa chọn sách để đọc cho các bạn trẻ, thầy Lê Viết Chung chia sẻ, nhu cầu và sở thích của các bạn sinh viên rất phong phú và đa dạng nên khó để có một mẫu số chung cho việc đọc sách. Theo đó, sinh viên có thể lựa chọn sách theo nhu cầu và sở thích.

“Nếu bạn thấy mình còn bỡ ngỡ trước chuyện học hành và rèn luyện thì hãy tìm đến những trang sách về kỹ năng mềm hoặc những cuốn sách của các bạn trẻ đã thành công như “Khởi hành” của Giáo sư John Vũ, “Sức mạnh của tư duy” của Manser, “Trên đường băng” của Tony…. để học thêm những kinh nghiệm của người đi trước.

Nếu bạn mê trinh thám, hành động thì hãy tìm đến các tác phẩm của Arthur Conan về nhân vật Sherlock hay của Agatha Christie…

Nếu bạn muốn nâng cao về tay nghề sư phạm để sau này trở thành người thầy tốt thì bạn có thể tìm đọc “Sư phạm khai phóng”, “Học đúng làm đúng”…”, thầy Chung nêu gợi ý.

Để sách đến gần hơn với người trẻ, văn hóa đọc thực sự trở thành nhu cầu thiết yếu, nhu cầu tự thân, được thấm đẫm trong mỗi người, thầy Chung nhấn mạnh rằng cần có sự chung tay, góp sức của mọi người trong xã hội, mà trước tiên là khởi nguồn từ chính gia đình, nhà trường.

“Tôi chỉ nghĩ một cách đơn giản các bố mẹ hãy tập đọc sách vì con cái mình. Các vị lãnh đạo hãy đọc sách để ảnh hưởng tích cực đến nhân viên mình. Các thầy cô giáo hãy đọc sách để lan tỏa niềm yêu sách và sự thiện lương đến các em học sinh.

Mỗi người hãy cùng chung tay, góp sức thì mới may ra có hy vọng. Chuyện đọc sách nên bắt đầu từ khi các con còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi vào trường mầm non mẫu giáo…”

Bên cạnh đó, thầy Chung đề nghị, các trường đại học, các trường phổ thông, các tổ chức đoàn thể như hội sinh viên, đoàn thanh niên nên có các diễn đàn, các hoạt động phong phú về sách, thay vì chỉ làm theo phong trào, chờ đến ngày 21/4 mới nhiệt liệt, hoan hô hình thức.

Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam, và năm 2021 đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm trên toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Đồng thời tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cha-me-chi-lo-cam-dien-thoai-luot-mang-thi-sao-hinh-thanh-van-hoa-doc-cho-con-post242285.gd