Cha mẹ đừng làm người giúp việc của con!
Nhân chuyến đi công tác ở thành phố, tôi ghé thăm nhà Lan, em gái của chồng tôi.
Hai chị em vừa thăm hỏi nhau được vài câu thì Hùng - con trai lớn của Lan từ trong phòng bước ra, nó cất tiếng chào tôi rồi quay sang mẹ, hỏi:
- Mẹ, cái áo khoác của con đâu ạ?
Nghe con trai hỏi, Lan lật đật đứng dậy chạy đi tìm, rồi mang áo ra mặc vào cho con. Sau khi ngắm nghía con với ánh mắt tự hào, cô quay lại chỗ ngồi. Không để mẹ kịp ngồi xuống, thằng bé lại xẵng giọng:
- Ơ, sao đôi giày trắng con bảo mẹ đánh lại từ hôm qua mà mẹ quên à? Thế này con đi bằng gì?
- Thôi chết, mẹ quên thật! Đợi mẹ một tí nhé!
Lan lại te tái chạy ra, cặm cụi lau giày cho con, còn thằng bé đứng nhìn mẹ làm và luôn miệng càu nhàu vì lo trễ giờ học. Khi thằng bé đi khỏi, cô ấy phân trần với tôi:
- Cái gì cũng mẹ chị ạ. Em mà đi vắng một ngày là nhà cửa loạn hết. Quần áo, sách vở của cậu ta đều một tay mẹ lo hết.
Tôi ngạc nhiên hỏi xem thằng Hùng năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Lan bảo:
- Cháu mới 15 tuổi chị ạ! Còn ngố lắm. Chả biết làm gì cả.
Tôi trầm ngâm một lúc rồi mới nhẹ nhàng nói với em chồng:
- Chị biết, có thể cô có quan điểm riêng, có thể với cô việc chăm sóc con cái là hạnh phúc của mình. Nhưng theo chị thì cô đang tự biến mình thành người giúp việc của con và khiến thằng bé mãi không lớn được vì không thể tự lập, tự chủ mọi việc.
Lan cười cười:
- Cháu còn bé mà chị, mà nó học suốt ngày, vất vả lắm, em thì lại rảnh rỗi nên việc chăm lo cho chồng con em coi là bổn phận của mình. Riết rồi bố con nó quen nếp đi! Giờ em không thể đi đâu nửa bước. Thế mới biết mình cũng quan trọng phết chị ạ!
- Chết thật! Cô phải bỏ suy nghĩ ấy ngay đi nhé! Cô là vợ, là mẹ chứ có phải người giúp việc đâu nào! Đành rằng phụ nữ thì phải tề gia, nội trợ, nhưng những việc cá nhân của chồng con phải để mọi người tự làm chứ!
Nghe tôi nói vậy, Lan cười cười:
- Ôi, từ đôi tất của bố con nhà nó cũng phải em lấy chứ không thì bới tung nhà lên cả ngày không thấy vì chỉ có em cất dọn em mới biết chỗ chị ạ!
Tôi vừa thương, vừa giận em chồng, tôi nói rằng Lan cần phải thay đổi suy nghĩ của mình, phải dạy con cách tự lập, tự chủ, tự chăm sóc bản thân.
- Cô không thể sống thay con, cũng không thể trở thành ôsin của con mãi được. Cô đang thương con không đúng cách đấy. Đừng để con đến lúc lấy vợ vẫn là đứa trẻ.
Vừa lúc này, chồng của Lan đi làm về nghe được lời tôi nói, Thành cười:
- Đấy, may mà có lời của chị không thì lúc nào em cũng bị cô ấy cằn nhằn là không thương con chị ạ! Vợ chồng nhiều khi bất đồng ý kiến về việc dạy con, giận dỗi mệt mỏi nên em mặc kệ. Chứ chị tính, việc gì cô ấy cũng ôm hết, lo hết thành ra bố con em “thất nghiệp”.
Lan quay ra lườm yêu chồng rồi bảo:
- Anh đừng có mà sĩ diện nhé! Không có tay em xem, ai cơm bưng nước rót, giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa, chăm sóc bố con anh! Ở đấy mà cao giọng!
Đến lúc này thì tôi biết lý do bận tối mắt không thể về tham gia việc hiếu hỉ ở quê của em chồng. Thảo nào, chồng tôi từng nói: “Cô Lan lấy chồng xong là mất cả họ hàng, anh em”.
Tối đó, hai chị em nằm bên nhau, tôi mới lựa lời tâm sự cùng Lan rằng bố mẹ cần nhất quán trong việc dạy con và đồng hành cùng con trên bước đường trưởng thành. Đừng vì lý do con bận học mà bố mẹ cứ “cơm bưng nước rót”, phục vụ con cái đến tận răng. Vì kéo dài tình trạng đó lâu ngày sẽ thành nếp. Tôi cũng phân tích cho Lan thấy nếu các con học được cách tự lập thì bố mẹ sẽ yên tâm với các kỹ năng sống của con khi có những tình huống bất khả kháng xảy ra.
Lúc đầu, Lan vẫn biện minh nhưng khi tôi nói lại lời tâm sự của chồng tôi thì cô ấy có vẻ trầm tư suy nghĩ. Tiện đà, tôi liền nói với Lan:
- Chị nói cô đừng giận, bố mẹ tốt là phải giúp con hình thành một nhận thức quan trọng, đó là mỗi người đều phải sống cuộc đời của mình. Không ai sống thay cho ai được. Bố mẹ không thể làm thay, sống thay cho con. Tất nhiên lúc đầu sẽ có những khó khăn nhưng dần dần, các con sẽ học được cách đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Rồi tôi kể cho Lan nghe những đứa trẻ ở quê, chúng vẫn học giỏi mà vẫn biết giúp bố mẹ đủ việc, từ việc nhà đến việc ruộng vườn, đồng áng, chúng lại biết tự chăm sóc bản thân nữa. Vì vậy, bố mẹ đi đâu xa không phải lo con ở nhà phải chịu ăn đói, mặc rét. Lan im lặng lắng nghe, rồi thủ thỉ bảo:
- Thật ra ban đầu em cũng chỉ vì nghĩ là làm thay con, làm giúp con thì nhanh và tiện đỡ phải sai bảo, hướng dẫn mất thời gian, có khi lại còn phải xử lý hậu quả khi các con làm không như ý mình. Thành ra… May mà có chị góp ý chứ không thì em cứ sai mãi chị ạ! Từ ngày mai, em sẽ nói chuyện với chồng, con, tổ chức, sắp xếp lại mọi việc mới được. Có gì chị lại tư vấn cho em nhé!
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/gia-dinh/cha-me-dung-lam-nguoi-giup-viec-cua-con-227004