Cha mẹ không được sang tên 'Sổ đỏ' cho con trong trường hợp nào?

Theo quy định hiện hành, cha mẹ có quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho con (sang tên Sổ đỏ). Song trong một số trường hợp điều này lại không thực hiện được.

3 trường hợp cha mẹ không được sang tên “Sổ đỏ” cho con

Theo quy định hiện hành, có 3 trường hợp cha mẹ không được sang tên “sổ đỏ” cho con.

Trường hợp thứ nhất, cha mẹ không đủ điều kiện để “sang tên”. Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi có các điều kiện: Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;Trong thời hạn sử dụng đất; Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ 2 trường hợp quy định tại Điều 186 và 168 Luật Đất đai 2013.

Như vậy, nếu thiếu một trong các điều kiện trên thì cha mẹ không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho con.

Có 3 trường hợp cha mẹ không được sang tên “Sổ đỏ” cho con

Có 3 trường hợp cha mẹ không được sang tên “Sổ đỏ” cho con

Trường hợp 2, khi con không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Theo Khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Nếu con không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa từ người khác, kể cả cha mẹ.

Trường hợp 3, khi con không sinh sống trong rừng phòng hộ.

Khoản 4 Điều 191 và Điều 192 Luật Đất đai 2013 quy định, trường hợp cha mẹ có quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng người con không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.

Chậm sang tên “Sổ đỏ” bị phạt tới 10 triệu đồng

Khi cha mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con, mảnh đất đó phải đáp ứng đủ các điều kiện được sang tên “Sổ đỏ”. Bên cạnh đó, con không thuộc trường hợp cấm nhận tặng cho.

Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định những trường hợp không được nhận tặng cho gồm:

Cá nhân không được nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép tặng cho quyền sử dụng đất; Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Cá nhân không được nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Về thủ tục tặng cho, theo Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Đối với thửa đất đã có Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện quyền tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (tặng cho nhà đất) phải đăng ký biến động theo quy định.

Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng tặng cho có hiệu lực thì các bên phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động (sang tên), nếu quá thời hạn mà không đăng ký sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Theo Khoản 2 Điều 17 Nghị đinh 91/2019/NĐ-CP, trường hợp không sang tên trong thời hạn quy định tại khu vực nông thôn sẽ bị phạt tiền từ 1-5 triệu đồng. Tại khu vực đô thị, mức xử phạt tăng gấp đôi, từ 2-10 triệu đồng. Người bị xử phạt là bên nhận chuyển quyền sử dụng đất

Về thuế, lệ phí khi sang tên, theo Luật thuế thu nhập cá nhân, thu nhập từ quà tặng là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể thì được miễn thuế thu nhập cá nhân. Do nhà đất là quà tặng giữa các đối tượng trên nên được miễn lệ phí trước bạ.

H.L

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/cha-me-khong-duoc-sang-ten-so-do-cho-con-trong-truong-hop-nao/856303.antd