Cha mẹ nào cũng muốn con thông minh
HNN - 'Nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất để nuôi dưỡng sự tự tin trong con là tình yêu trọn vẹn của cha mẹ', ấy là lời nhắn nhủ của tác giả Urako Kanomori trong tập sách '90% trẻ thông minh nhờ cách trò chuyện đúng đắn của cha mẹ' (Phạm Lê Dạ Hương dịch, NXB Kim Đồng ấn hành).

“Nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất để nuôi dưỡng sự tự tin trong con là tình yêu trọn vẹn của cha mẹ” - tác giả Urako Kanomori
Cha mẹ nào cũng muốn con tự tin, rồi muốn con thông minh, muốn con sáng tạo, muốn con hơn bạn hơn bè, muốn con làm mình nở mày nở mặt... Nhưng yêu thương sao cho đúng cách? Bởi chữ “trọn vẹn” cũng cần một định nghĩa. Bảo bọc là trọn vẹn? Để con tự chủ động là trọn vẹn? Khi nào cũng khen con để con tự tin là đúng cách? Phê bình gay gắt khi con phạm lỗi là đúng cách? Và cách nào thì trọn vẹn?
Bằng kinh nghiệm của một bác sĩ tâm lý, nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên viên liệu pháp nghệ thuật, tác giả Kanamori đã chia sẻ nhiều bài học quan trọng đúc kết từ thực tế. Người đọc giật mình với những câu chuyện có thật được dẫn lại trong sách, như là cô con gái cứa tay tự sát vì người mẹ luôn miệng nói với con rằng rất xấu hổ với mọi người vì con kém cỏi; một người mẹ tự nhận đã nói với con toàn từ ngữ nặng lời…
Liệu người lớn có đang tạo áp lực cho trẻ bằng cách yêu cầu phải đạt được thành tựu này kia chỉ để thỏa mãn giấc mơ mình không làm được, nên sẵn sàng mắng mỏ, cằn nhằn con? Liệu người lớn vì tự ti nên cũng đã vô tình làm con mất tự tin, khép mình? 50 bài viết trong cuốn sách mỏng này (chỉ 176 trang, khổ 13x19cm) quả thật rất chạm, để lại nhiều suy ngẫm.
Những câu chuyện, ví dụ ở Nhật Bản nhưng liên hệ lại rất Việt Nam, rất Huế… phải chăng vì những tương đồng văn hóa Á Đông. Ông bà mình có câu: “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng phải chăng người lớn chỉ cân nhắc từ ngữ, giọng điệu khi làm việc với đối tác, với khách hàng, còn với trẻ con, người lớn ỷ lớn nên thích gì nói nấy, vô tình gây tổn thương cho trẻ, hoặc làm trẻ dần hình thành những tính cách xấu như thô lỗ, nhu nhược…
Bằng các phân tích hợp lý, tác giả chỉ ra tính cách trẻ phụ thuộc lời nói của người lớn như thế nào, và đồng thời hướng dẫn cách người lớn thay đổi những câu nói, để giúp con hình thành tính cách tốt, lối sống ý nghĩa. Tác giả chỉ ra những điều người lớn cần nhìn nhận bản thân mình và sau đó điều chỉnh ngôn từ, giọng điệu để từ đó giúp con mình tiến bộ: thích học, sẵn sàng dọn dẹp nhà cửa, nhanh nhẹn thay vì lờ đờ lù đù, chủ động trò chuyện thay vì chẳng muốn giao tiếp với ai.
Lời nói của cha mẹ còn là câu chuyện bảo vệ con cái, hình thành nhân cách con cái giữa miệng đời (lắm lúc cay nghiệt). Tác giả dẫn chứng câu chuyện ca sĩ Lady Gaga thuở bé đã có sở thích ăn mặc khác người, bị bạn bè trêu chọc, thậm chí chê bai, nhưng chính những lời nói bảo vệ, động viên của mẹ dành cho con đã giúp ca sĩ này sau này có được một phong cách khác biệt, có những thành công trong sự nghiệp nghệ thuật.
Khép lại cuốn sách, hy vọng bậc làm cha làm mẹ sẽ cố gắng kiểm soát cảm xúc hơn, sẽ tập điều chỉnh ngôn từ, sẽ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Để đừng “thôi chết, mình lỡ miệng rồi”; để đừng mai sau con lớn lên, mẹ cha có nhiều điều ân hận “hồi đó, giá mà”.