Cúm núm cặm câu
HNN - Tháng 6, tháng 7, khi biển êm, nước trong, những thợ câu cúm núm ở vùng biển bãi ngang Vinh Lộc lại tất bật chuẩn bị đồ nghề. Với họ, cúm núm không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là lộc biển trời ban.

Cặm câu trên cồn cát giữa biển
Niềm vui sinh kế
5 giờ sáng, khi mặt trời chưa kịp ló dạng, anh Mai Sinh đã có mặt bên bãi biển Vinh Lộc, tay cầm những chiếc cần câu được làm từ thân cây tre đã buộc mồi kỹ lưỡng. Quan sát sóng biển, độ trong của nước, anh Sinh phấn khởi khi phát hiện một cồn cát nhỏ nổi lên giữa mặt nước biển nhấp nhô. Nhanh nhẹn lội ra vùng nước sâu ngang thắt lưng, anh dần tiến đến cồn cát. Khi lên tới cồn, nước chỉ còn ngang tới đầu gối.
Anh Sinh chia sẻ: “Cồn cát xuất hiện là điều kiện lý tưởng để câu cúm núm. Loài này thường ẩn nấp ở vùng nước không quá cạn cũng không quá sâu, ngay phía trước cồn cát. Cắm cần trên cồn giúp dễ dẫn dụ và bắt chúng hơn”.
Chỉ trong vòng ít phút, anh Sinh đã nhắm vị trí và cắm xong hơn 10 chiếc cần câu cúm núm. Ngồi trên bờ chờ đợi, sau 20 phút, anh bắt đầu kiểm tra chiếc cần câu được cắm xuống cát đầu tiên.

Cúm núm với lớp vỏ màu vàng chấm nâu đặc trưng
Dưới mặt nước trong vắt, những con cúm núm bị dẫn dụ bởi mồi câu bắt đầu xuất hiện. Chúng tranh nhau dùng càng gắp mồi. Khéo léo né những chiếc càng chắc khỏe và nắm chặt lấy mai cúm núm, anh Sinh cho từng con vào thùng đựng. Mới chiếc cần câu đầu tiên, anh đã thu được 5 con cúm núm to bằng ba ngón tay (là kích cỡ lớn của loài giáp xác này). Nhanh nhẹn kiểm tra những chiếc cần câu tiếp theo, thùng đựng cúm núm trên tay anh Sinh càng lúc càng nặng. Bên trong, những con cúm núm với màu vỏ vàng chấm nâu đặc trưng càng lúc càng nhiều.
Lộc biển
Thành công trong nghề câu cúm núm, ngoài may mắn khi cồn cát xuất hiện và nắm rõ độ sâu, độ trong của nước biển, thợ câu cần phải khéo léo trong việc lựa chọn cần câu cũng như chọn mồi. Anh Trần Văn Hùng, một thợ câu cúm núm khác tại xã Vinh Lộc chia sẻ: “Cúm núm dễ bị dẫn dụ bởi mồi câu là cá. Cá càng tanh, cúm núm càng nhanh bị dẫn dụ. Để tránh sóng biển đánh bay cần, thợ câu cúm núm phải vót một đầu cây câu thật nhọn và cắm thật sâu xuống đáy cát. Với mồi câu, có thể câu cúm núm bằng cả cá biển và cá sông, như: cá trích, cá trắm, cá chép… Ngoài được bọc kỹ trong lưới, mồi câu cần là là cách mặt đáy cát tầm 5cm để dễ dẫn dụ cúm núm hơn”.

Cúm núm ngon ngọt
Mùa cúm núm kéo dài từ tháng 6 đến cuối tháng 7. Những ngày biển êm, thợ câu tranh thủ làm việc từ 5 - 8 giờ sáng và 4 - 6 giờ chiều - thời điểm cúm núm kiếm mồi và nước biển trong, êm. Với 10 cần câu, mỗi thợ thu được 1 - 4kg cúm núm mỗi ngày, giá bán 100 - 120 nghìn đồng/kg. Cúm núm nhỏ hơn thường được giữ lại để chế biến món ăn hoặc tặng người thân.
Cúm núm không chỉ độc đáo bởi cái tên mà còn được ưa thích bởi vị ngon ngọt hấp dẫn. Chị Phạm Thị Kiều, một khách mua cúm núm cho biết: “Mỗi khi vào mùa, gia đình tôi rất thích cúm núm. Thú vị nhất là dù thời điểm nào, cúm núm cũng đều chắc thịt chứ không hôm chắc, hôm “óp” như cua hay ghẹ biển. Ngoài dùng để nấu cháo, nướng, hấp, luộc, cúm núm còn có thể dùng để rang me, rang tỏi ớt, nấu lẩu. Thịt cúm núm trắng, chắc, ngon ngọt và đậm đà vị mặn mòi của biển khơi”.
Là đặc sản của vùng biển bãi ngang có thời điểm xuất hiện ngắn ngủi, mỗi khi vào mùa, các thợ câu cúm núm đều hối hả với công việc của mình. Sau mỗi buổi cặm câu, gương mặt của các thợ câu lại sáng lên niềm vui rạng rỡ, đó là niềm vui khi câu được lộc biển và có thêm thu nhập cho gia đình.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/cum-num-cam-cau-155528.html