Cha mẹ ở TP.HCM cùng con đi qua kỳ thi tốt nghiệp

Ngồi chờ con trai bên ngoài điểm thi trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), bà Mai mải mê đọc lại những bức thư tay mà con đều đặn viết cho mình suốt 10 năm nay.

Giữa tiết trời nắng nóng trong hai ngày thi tốt nghiệp THPT, bà Mai (53 tuổi) là một trong số ít phụ huynh ngồi chờ đợi con suốt buổi trước điểm thi trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Là kỹ sư điện làm việc tại một công ty xi măng ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), cách nhà hơn 400 km, bà phải xin nghỉ phép 3 ngày để về đưa con trai đi thi.

"Nghỉ nhiều ngày, công việc của tôi tất nhiên ảnh hưởng, nhưng mình làm cả đời, còn kỳ thi của con có mấy ngày, tôi muốn đồng hành cùng con. Do làm việc xa, ít có thời gian gần con, tôi luôn cố gắng có mặt trong những dấu mốc quan trọng của cháu. Tôi muốn con bước ra khỏi trường thi sẽ ngay lập tức nhìn thấy mẹ", bà Mai nói với Zing.

Giống như bà Mai, nhiều phụ huynh mong muốn được đồng hành cùng con trong những ngày quan trọng cuối quãng đời học sinh. Dù cách thể hiện sự quan tâm có khác nhau, họ đều tôn trọng ủng hộ con cái trong những lựa chọn ở chặng tiếp theo của cuộc đời.

 Giữa tiết trời nắng nóng, bà Mai một mình ngồi chờ con bên ngoài trường thi. Ảnh: Đào Phương.

Giữa tiết trời nắng nóng, bà Mai một mình ngồi chờ con bên ngoài trường thi. Ảnh: Đào Phương.

Con trai 10 năm viết thư tay cho mẹ

Trong lúc chờ đợi, bà Mai mở điện thoại đọc lại những tin nhắn cũ của con, trong đó là rất nhiều bức thư tay mà cậu con trai tên Duy viết vào cuốn vở rồi chụp hình cho mẹ.

Bà Mai kể từ khi con còn nhỏ, bà đã đi làm ở Hà Tiên, Duy được ba chăm sóc. Ngày trước, mỗi tuần, bà về thăm nhà một lần. Nhưng dần dần, khi lớn tuổi hơn và sức khỏe giảm sút, cách vài tuần, rồi cả tháng, bà mới về thăm con được.

"Dù xa nhau, mẹ con không ngày nào không gọi điện hỏi han. Suốt 10 năm nay, thằng bé đều đặn viết thư tay cho mẹ mỗi tuần, kể về những chuyện thường ngày, về mọi suy nghĩ và cảm xúc. Ban đầu là bằng tiếng Việt, rồi dần dần, Duy chuyển sang viết tiếng Anh vì hai mẹ con muốn cùng trau dồi ngoại ngữ. Đến nay, tôi đã giữ 4 cuốn tập đầy những tâm sự của con".

Vị phụ huynh tâm sự bà vốn không giỏi tiếng Anh, nhưng đã cố gắng trau dồi để có thể cùng con rèn luyện. Nhiều lần, bà nói sai hay phát âm chưa chuẩn, Duy nhắc nhở và sửa lại, nhờ đó, bà học được nhiều hơn.

 Con trai bà Mai giữ thói quen viết thư bằng tiếng Anh để tâm sự cùng mẹ. Ảnh: Đào Phương.

Con trai bà Mai giữ thói quen viết thư bằng tiếng Anh để tâm sự cùng mẹ. Ảnh: Đào Phương.

Những ngày con thi tốt nghiệp, bà Mai không quá lo lắng hay tạo áp lực cho con. Bà hứa sau kỳ thi sẽ đưa Duy đi chơi chỗ nào cậu thích.

"Áp lực quá lớn khiến bọn trẻ thời nay dễ rơi vào lo âu, thậm chí trầm cảm đến mức nghĩ quẩn. Tôi biết điều đó nên thường xuyên chủ động tâm sự với con về vấn đề tinh thần, để khi con có lo lắng gì mình sẽ biết và hỗ trợ. Tôi nghĩ các con nên lo lắng vừa phải để làm tốt hơn, chứ không nên quá lo dẫn đến bệnh tâm lý".

Bà kể khi còn nhỏ đến những năm cấp hai, cậu con trai học hành không tốt, thường xếp hạng cuối lớp. Nhưng bà không gây sức ép mà chỉ khuyến khích con cố gắng từ từ.

"Tôi bất ngờ khi con có thể lội ngược dòng sau quá trình nỗ lực. Lên lớp 10, Duy đạt học sinh giỏi và xếp top 5 trong lớp. Đến lớp 12, con đã xếp hạng nhất. Thế mạnh của con là Tiếng Anh và học đều những môn khác".

Hiện tại, dù đã được một số trường nhận thông qua xét học bạ, Duy vẫn muốn thi để lấy điểm xét tuyển vào trường đúng chuyên ngành yêu thích. Bà Mai dặn con giữ tâm lý thoải mái bởi "không đậu trường này sẽ có trường khác, và đại học cũng không phải con đường duy nhất để thành công".

Với bà Mai, kỳ thi tốt nghiệp cấp ba của con cũng là một dấu mốc mang ý nghĩa lớn, vì đây là lúc con kết thúc thời học sinh, bước vào một chặng hành trình mới.

"Ngồi bên ngoài trường thi đợi con, tôi cũng thấy bồi hồi. Bước qua tuổi 18, con sẽ phải trưởng thành và tự quyết định nhiều thứ quan trọng hơn trong cuộc sống của mình. Dù thế nào, tôi vẫn muốn là người bạn để chia sẻ mọi điều với cháu".

Ba mẹ làm bạn đồng hành cùng con

Cũng đồng hành với con trong suốt kỳ thi quan trọng, trước lúc con gái vào trường thi, ông Nguyễn Thanh Thuận (54 tuổi, quận Thủ Đức) ôm hôn và động viên cô giữ tinh thần bình tĩnh, không áp lực và đừng quá lo lắng về kết quả.

Hai ngày thi tốt nghiệp THPT, ông Thuận nhận nhiệm vụ đặt báo thức để gọi con dậy đi thi đúng giờ. Hẹn đồng hồ 5h sáng, nhưng ông hồi hộp tới mức thao thức cả đêm.

Con gái ông, Nguyễn Đoàn Phương Khuyên, đang theo học khoa Thanh nhạc của Nhạc viện TP.HCM và chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội để thi xét tốt nghiệp.

"Trong trường học chuyên về thanh nhạc, con tôi không có nhiều thời gian đầu tư các môn văn hóa, bởi vậy phải cố gắng hơn để theo kịp các bạn trường ngoài. Sau hai năm dịch bệnh phải học online, việc học của con cũng gián đoạn nhiều. Dù vậy, tôi không gây áp lực, chỉ mong con thi cử thuận lợi".

 Nhiều phụ huynh đội nắng chờ con bên ngoài điểm thi ở TP.HCM. Ảnh: Đào Phương.

Nhiều phụ huynh đội nắng chờ con bên ngoài điểm thi ở TP.HCM. Ảnh: Đào Phương.

Ngồi chờ con trai trước điểm thi trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) chiều 7/7, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (52 tuổi) vui vẻ kể với phóng viên về gương mặt rạng rỡ của con lúc kết thúc môn Ngữ văn vào buổi sáng.

"Nhìn mấy đứa học trò cười tươi rói khi bước ra khỏi cổng trường thi, ba mẹ nào cũng vui lây. Mình là người đồng hành thôi, còn kết quả là do các con tự gặt lấy", bà Nhung nói.

Vị phụ huynh cho biết qua xét học bạ, con trai đã được nhận vào ngôi trường đúng nguyện vọng nên kết quả kỳ thi này không quan trọng. Dù vậy, con trai bà vẫn muốn có được thành tích tốt như một cách ghi nhận năng lực của bản thân.

Bà Nhung luôn muốn dành mọi thứ tốt nhất cho con một trong gia đình. Tuy nhiên, bà luôn để con tự chủ, không muốn gây áp lực bắt con phải thành công theo ý mình hoặc nuông chiều khiến con ỷ lại vào ba mẹ.

Bà tâm sự từ năm lớp 9, con bà đã có nguyện vọng học ngành kỹ thuật phần mềm. Đến lớp 12, mục tiêu vẫn không thay đổi.

"Biết con mê ngành đó nên gia đình tôn trọng và tạo điều kiện để cháu đi theo. Tôi không can thiệp vào lựa chọn của con, đâu thể ép nó theo thứ mình muốn. Tôi muốn con tự chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân, ba mẹ chỉ giữ vai trò hỗ trợ và định hướng".

Đào Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cha-me-o-tphcm-cung-con-di-qua-ky-thi-tot-nghiep-post1333966.html