Cha mẹ sang tên sổ đỏ sớm cho con và nguy cơ 'trắng tay' lúc về già

Việc cha mẹ tin tưởng tuyệt đối con cái, trao tặng tài sản mà không thiết lập biện pháp bảo vệ lợi ích cho mình có thể dẫn đến nguy cơ 'trắng tay', ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống khi về già.

Mới đây, vợ chồng bà N.T.T. (75 tuổi, ngụ tại Ba Vì, Hà Nội) quyết định sang tên sổ đỏ căn nhà duy nhất cho con trai là anh K.V.H. (34 tuổi), do anh này làm ăn thua lỗ, cần vốn gây dựng lại sự nghiệp.

Tuy nhiên, thay vì chuyên tâm làm ăn, anh H. lại lao vào cờ bạc rồi phá sản, bỏ đi biệt tích. Căn nhà bị ngân hàng siết nợ, vợ chồng già rơi vào cảnh trắng tay, không chốn nương thân.

Các bậc cha mẹ nên cân nhắc kỹ trước khi trao tặng tài sản cho con. Ảnh minh họa

Các bậc cha mẹ nên cân nhắc kỹ trước khi trao tặng tài sản cho con. Ảnh minh họa

Cảnh báo rủi ro trong giao dịch chuyển nhượng tài sản cho con

Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, theo quy định tại Điều 117, Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự được coi là hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chủ thể, nội dung, mục đích và hình thức.

Điều 459 quy định tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định.

Trong trường hợp trên, vợ chồng bà T. đã thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ cho con trai theo đúng quy định pháp luật. Do đó, giao dịch này là hợp pháp, quyền sử dụng đất đã được chuyển giao đầy đủ cho anh H.

Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, anh H. trở thành chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản, có đầy đủ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản của mình.

Vì vậy, hành vi đem tài sản đi thế chấp ngân hàng của anh H. về mặt pháp lý không cấu thành vi phạm nghĩa vụ dân sự đối với cha mẹ. Mặc dù mục đích sử dụng tài sản (chơi cờ bạc) là tiêu cực và đáng lên án về mặt đạo đức.

Theo luật sư, việc cha mẹ tự nguyện chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất, tài sản cho con cái đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền sở hữu, quyền kiểm soát tài sản đó.

Khi đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, cha mẹ sẽ không còn bất kỳ quyền pháp lý nào đối với tài sản, kể cả trong trường hợp con cái sử dụng tài sản vào mục đích sai trái hoặc làm mất tài sản.

Pháp luật hiện hành không can thiệp vào việc sử dụng tài sản của chủ sở hữu hợp pháp, trừ trường hợp có vi phạm pháp luật hình sự hoặc các căn cứ dân sự để tuyên giao dịch vô hiệu.

Do đó, việc tin tưởng tuyệt đối mà không thiết lập biện pháp bảo vệ lợi ích cho mình có thể dẫn đến rủi ro mất trắng tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cha mẹ khi về già.

Trường hợp của vợ chồng bà T. cũng là bài học thực tế cho nhiều gia đình. Khi cha mẹ muốn hỗ trợ con cái khởi nghiệp hoặc giúp đỡ tài chính, việc lựa chọn hình thức cho vay có điều kiện, đặt thỏa thuận bằng văn bản hoặc bảo lưu quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản có thể giúp tránh rủi ro mất tài sản vĩnh viễn.

Bên cạnh đó, luật sư cũng khuyến cáo, các bậc cha mẹ khi muốn để lại tài sản cho con có thể tham khảo Điều 462, Bộ Luật Dân sự.

Theo đó, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tiến Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cha-me-sang-ten-so-do-som-cho-con-va-nguy-co-trang-tay-luc-ve-gia-2394690.html