Nữ anh hùng ba lần bị địch cưa chân
Tham gia cách mạng từ khi 14 tuổi, bà nhiều lần bị bắt, truy sát, ba lần bị cưa chân.
Người được nhắc tới chính là Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phạm Thị Mai (sinh năm 1947 tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).
Năm 1961 khi vừa tròn 14 tuổi, Mai tiếp bước cha, anh trở thành chiến sĩ xung phong tham gia vào lực lượng du kích mật tại địa phương. Lúc bấy giờ, bà có bí danh hoạt động cách mạng là Tám Tiệm, với nhiệm vụ chuyên liên lạc, vận chuyển vũ khí vào ấp chiến lược, tiếp tế thuốc men, thực phẩm cho cách mạng.
Năm 17 tuổi, Tám Tiệm được cử làm Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Hàm Liêm. Khoảng thời gian này Tám Tiệm cũng là đội viên du kích mật Sông Nhị hoạt động khắp các vùng Hàm Chính, Hàm Hiệp và Hàm Liêm, tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, bắt sống được nhiều tên lính.
Tháng 2/1965, cô gái ấy vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đầu năm 1967, khi vừa tròn 20 tuổi, được cử làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hàm Liêm.

Nguyên Phó Chủ tịch nước - Thiếu tướng Nguyễn Thị Định và đồng đội đến thăm động viên bà Tám Tiệm sau chiến tranh. (Ảnh tư liệu: Báo Bình Thuận)
Tháng 12/1967, Tám Tiệm được phân công làm chính trị viên xã đội Hàm Liêm, chỉ huy du kích mật tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Ngày 8/3/1968, Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 23 của địch điều từ Buôn Mê Thuột về mở chiến dịch càn quét “làm cỏ Việt cộng” Hàm Chính - Hàm Liêm.
Đội du kích được lệnh rút vào căn cứ an toàn chỉ để lại 5 người, trong đó có Tám Tiệm ẩn nấp dưới căn hầm bí mật, bám trụ chiến đấu trong ấp chiến lược. Khi bị phát hiện, bọn địch bắn xối xả, tung lựu đạn vào miệng hầm.
Bốn đồng chí hy sinh, riêng Tám Tiệm sống sót và gan dạ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Còn hai quả lựu đạn, nữ chiến sĩ đã nhoài người quăng ra miệng hầm làm cho mấy tên lính chết. Sau trận đánh không cân sức, Tám Tiệm bị thương nặng ở hai chân và bị địch bắt.
Nữ anh hùng Tám Tiệm từng kể lại giây phút đó:
"Chúng xộc vào hầm, đạp chân vào người tôi, thấy tôi còn ngắc ngoải, chúng reo hò, kéo tôi đưa lên xe và chở về phi trường tỉnh. Lúc đó, tôi cố gượng đưa tay sờ xuống chân, thấy máu ra nhiều quá. Khi tôi hồi tỉnh, chúng bắt đầu dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn, mua chuộc. Chúng dùng gậy gỗ liên tục quật ngang người. Không khai thác được gì, chúng chuyển sang dụ dỗ.
Chúng bảo: 'Nếu cô khai ra cán bộ cách mạng, từ bỏ cách mạng thì chúng tôi sẽ cấp xe, nhà ở Phan Thiết, cho người phục vụ'.. Tôi đã chửi thẳng vào mặt chúng: 'Các ông có thể dùng xiềng xích tra tấn tôi đến chết, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ cách mạng'. Không thể khuất phục được tôi, chúng chuyển xuống Bệnh viện Phan Thiết. Khi đôi chân đã bốc mùi, chúng lại lôi ra tra tấn, cắt chân tôi đến 3 lần, gần hết cả phần đùi rồi đưa tôi về giam cùng 5 chiến sĩ khác”.
Không khai thác được gì, tháng 12/1970, bà được chúng thả tự do. Với những chiến công vang dội đó, năm 2000, bà Phạm Thị Mai được trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nu-anh-hung-ba-lan-bi-dich-cua-chan-ar938980.html