Cha ngoại, mẹ Việt giành nhau nuôi con

Tòa chấp nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng cháu bé nhưng VKS kháng nghị cho rằng nên giữ nguyên.

Ngày 10-6, TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ tranh chấp về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn giữa nguyên đơn là ông K.P. (một người nước ngoài) và bà NTN (sinh năm 1973, ngụ TP.HCM).

Phiên tòa được mở do có kháng nghị của VKSND quận Phú Nhuận sau khi TAND quận này xử sơ thẩm. Tuy nhiên, phiên xử phúc thẩm phải hoãn do một thẩm phán trong HĐXX bệnh đột xuất, phải đi cấp cứu tại bệnh viện.

Theo hồ sơ, ngày 28-10-2014, TAND quận 2, TP.HCM công nhận việc thuận tình ly hôn giữa nguyên đơn và bị đơn trong vụ ly hôn nói trên. Tòa giao cháu bé là con chung cho bà N. trực tiếp nuôi dưỡng. Sau đó hơn một năm, do không đồng ý việc bà N. được nuôi con nên ông P. đã khởi kiện ra TAND quận Phú Nhuận, yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng cháu bé.

Ngày 27-11-2018, TAND quận Phú Nhuận xét xử sơ thẩm. Tòa này nhận định ông P. luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên, từ tháng 6-2017, bà N. lại đưa ra những yêu cầu về thời gian, cách thức đưa đón con đi chơi gây khó khăn cho việc chăm sóc, thăm nuôi. Việc này làm ảnh hưởng đến trách nhiệm về quyền làm cha của ông P.

Tại tòa, đại diện VKSND quận cho rằng ông P. là người nước ngoài, cư trú ở nhiều nơi và không có việc làm ổn định nên đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu thay đổi người nuôi con của ông P.

Tuy nhiên, HĐXX không đồng ý với quan điểm của VKS vì xét thẻ tạm trú và giấy phép lao động thì nguyên đơn là người tạm trú dài hạn, có việc làm và thu nhập ổn định. Cuối cùng, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện tuyên giao con chung cho nguyên đơn là ông P. trực tiếp nuôi dưỡng.

Ngay sau phiên xử, VKSND quận Phú Nhuận đã kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm sửa án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông P. Theo VKS, chứng cứ khởi kiện là vi bằng ngày 13-10-2018 do thừa phát lại huyện Bình Chánh ghi nhận việc ông P. bị bà N. gây khó khăn khi thăm con chung là không có cơ sở. Bởi nội dung vi bằng đề cập: “Nay ông P. tiếp tục thăm nom và đưa bé đi chơi một số hoạt động ngoài trời như đi sở thú, trượt băng... Để có chứng cứ cho việc ông có đến thăm và đưa bé đi chơi, ông yêu cầu thừa phát lại đến chứng kiến và ghi nhận toàn bộ sự việc”.

Thừa phát lại này chỉ ghi nhận việc đi cùng ông P. đến nhà bà N. chứ không chứng kiến việc bà N. cản trở, không cho ông P. thăm nuôi, chăm sóc con chung. Vì vậy theo VKS, đây không phải là chứng cứ chứng minh việc bà N. cản trở quyền thăm nuôi, chăm sóc, giáo dục con chung.

Về điều kiện nuôi con, bà N. có điều kiện tốt hơn, bà có nhà riêng, kinh tế ổn định trong khi ông P. không có chỗ ở ổn định, phải ở nhà thuê, là lao động theo hợp đồng có thời hạn và là người nước ngoài nên chỉ được đăng ký tạm trú dài hạn.

Hơn nữa, theo VKS, cháu bé sống với mẹ từ nhỏ, tình trạng sức khỏe rất tốt, học tập tích cực. Như vậy thì sự chăm sóc của người mẹ là tốt nhất, đảm bảo sự phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất. Do đó, vì lợi ích và đảm bảo sự phát triển bình thường của cháu bé, VKS cho rằng nên giao cháu bé cho người mẹ tiếp tục nuôi dưỡng.

Chúng tôi sẽ thông tin kết quả phiên xử phúc thẩm vụ án này.

Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 điều này, tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ bảy tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội Liên hiệp Phụ nữ.

(Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình)

MINH VƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/cha-ngoai-me-viet-gianh-nhau-nuoi-con-840421.html