'Cha tôi - Thiếu tướng Hà Vi Tùng' - hồi ức đẹp về người lính Nam tiến

Đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024) có một cuốn sách ra đời đem lại cho bạn đọc, đặc biệt những người lính năm xưa rất xúc động. Đó là cuốn sách “Cha tôi - Thiếu tướng Hà Vi Tùng” ( NXB Quân đội nhân dân) của tác giả Nam Hà.

Ảnh bìa cuốn sách

Ảnh bìa cuốn sách

Với các chiến binh xưa, nhân dân Khánh Hòa cả khu vực Nam Trung Bộ cái tên Thiếu tướng Hà Vi Tùng từ lâu đã thân quen. Bởi ông chính là người lính Nam tiến tham gia Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa tháng 10 năm 1945 với tư cách một chỉ huy trung đội. Ông tham gia chỉ huy trực tiếp đánh Pháp - Nhật ở các điểm nóng: Sông Cái, Chợ Mới, Lư Cấm... Cùng với các danh tướng nổi tiếng sau này như Nguyễn Chánh, Hà Văn Lâu, Hồ Xuân Anh... Chiến công của Mặt trận Nha Trang được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi: "Chính phủ Dân chủ Cộng hòa rất khen ngợi chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp vào tận thành cổ Diên Khánh úy lạo động viên và tìm hiểu cách đánh giặc của các chiến sĩ mặt trận Nha Trang để chuẩn bị cho “Toàn quốc kháng chiến” sau đó.

Đặc biệt, Hà Vi Tùng với tư cách là Tiểu đoàn trưởng 360 - tiền thân của Tiểu đoàn 365 (Tiểu đoàn Lá Mít anh hùng sau này) đã làm nên một chiến công lớn ở trận địa Đá Lỗ - Cầu Ngói, trên đoạn đường quốc lộ Thành - Đắc Lộc, Nha Trang ngày 15-3-1949. Phục kích tiêu diệt một đại đội quân Lê dương. Chiến công vang dội này hiện còn bia ghi danh ở địa danh Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, Nha Trang.

Đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại di tích chiến trường xưa tại Nha Trang.

Đón tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại di tích chiến trường xưa tại Nha Trang.

Thiếu tướng Hà Vi Tùng (thứ 6 từ phải sang) cùng các đồng chí tham gia Mặt trận Nha Trang tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại phòng tuyến Cây Đà - Quán Giếng tại làng Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang năm 1993.

Với thể loại hồi ức, tác giả Hà Nam cùng các cộng sự rất công phu ghi lại suốt một cuộc đời binh nghiệp của tướng Hà Vi Tùng.

Với 300 trang, cuốn sách đã thực sự cuốn hút vì tư liệu lịch sử dồi dào, phong phú, chi tiết từ các nguồn chính thống. Thông qua hình ảnh người lính Hà Vi Tùng, bạn đọc được sống lại những chiến công khởi đầu của Mặt trận Nha Trang tháng 10 năm 1945, tới kháng chiến chống Pháp 9 năm ở Mặt trận Nam Trung bộ như: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... Lên mặt trận Tây nguyên đánh Mỹ, sang chi viện Mặt trận Cánh đồng Chum Lào, Mặt trận K. quốc tế, Chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc... cho đến năm tháng hòa bình với tư cách là vị tướng trận, Hà Vi Tùng thành nhà chiến lược, thầy giáo đào tạo quân sự và cuối cùng người lính già tham gia xây dựng Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa. Trong từng hồi ức, không chỉ kể chuyện chiến trận gian khổ ác liệt, có nhiều trang viết thấm đẫm tình cảm người lính với nhau với nhân dân nơi Hà Vi Tùng gắn bó. Chúng ta sẽ cùng hạnh phúc xúc động với nhân vật được gặp Bác Hồ ngày đầu cách mạng với các tướng lĩnh nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng rất nhiều các vị tướng anh hùng của hai cuộc chiến cứu nước. Tác giả Hà Nam - bút danh của đại tá Hà Hoài Nam là con cả Thiếu tướng Hà Vi Tùng dành nhiều trang về bạn bè, người thân, họ hàng của cha mình rất tình cảm xúc động. Bởi thực tế, đó là cả quãng thời gian của chiến tranh. Tác giả được sinh ra ngay ở Vĩnh Linh bom đạn gian khổ, cùng với cha mẹ phải lưu lạc di chuyển nhiều nơi nên thấu hiểu được chiến tranh ở đó có cha mình là người lính. Rất may mắn, gia đình tướng Hà Vi Tùng, sau 30 năm chiến tranh, cuối cùng ngày chiến thắng được đoàn tụ ở Nha Trang. Từ đây, Nha Trang là quê hương của vị tướng trận mạc. Sự trở lại đầy nhân duyên mà cảm động hiếm có với người lính trận mạc 3 thập kỷ.

Trong những người bạn chiến đấu cùng thời có Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương - nguyên Cục trưởng Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị; nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (năm nay 103 tuổi) đánh giá về Thiếu tướng Hà Vi Tùng như sau:

“Hà Vi Tùng là một thanh niên yêu nước, sớm có độ chín của tuổi cách mạng nhiệt thành. Sau khi được giác ngộ, tham gia cách mạng giành chính quyền ở Tuyên Quang, đồng chí gia nhập Quân đội, được đào tạo, huấn luyện qua Trường Quân chính rồi xung phong Nam tiến, chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ. Hà Vi Tùng cũng là Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn Lá Mít (Tiểu đoàn 365, Trung đoàn 803) từng khiến giặc Pháp khiếp sợ trên chiến trường. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí làm chỉ huy trên các mặt trận lớn như Tây Nguyên, Trị Thiên, Cánh đồng Chum - Hạ Lào. Nơi đâu cũng có dấu ấn của một người cán bộ chủ động, quyết đoán và sáng tạo. Hòa bình lập lại, Hà Vi Tùng lại tiếp tục đóng góp trong công tác nghiên cứu nghệ thuật quân sự, làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 3, góp phần đào tạo ra những sĩ quan chỉ huy tài năng cho quân đội và đất nước. Có thể nói, qua cuộc đời quân ngũ của mình, đồng chí Hà Vi Tùng đã để lại những dấu ấn đặc biệt là người mưu trí, dũng cảm, thẳng thắn, kiên quyết, được đồng đội tin yêu, kẻ địch nể sợ.”

 Gia đình Thiếu tướng Hà Vi Tùng tại Hải Dương năm 1971.

Gia đình Thiếu tướng Hà Vi Tùng tại Hải Dương năm 1971.

Cuốn sách quý ra đúng dịp 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, kỷ niệm 100 năm ngày sinh (ngày 8-12-1925) và 30 năm ngày mất (19-12-1994) Thiếu tướng Hà Vi Tùng. Để nhân dân Nha Trang - Khánh Hòa hiểu hơn và quý trọng sự cống hiến lớn lao của Thiếu tướng Hà Vi Tùng. Chúng ta hy vọng có thể đặt tên ông cho một con đường ở thành phố nơi mà ông dành tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình chiến đấu bảo vệ quê hương ngày cách mạng.

LÊ ĐỨC DƯƠNG

----------------------------------------------------------------------------

Hà Vi Tùng (tên thật là Hà Đình Tùng) sinh ngày 8-12-1925 tại phường Minh Xuân, thị xã Tuyên Quang (nay là thành phố Tuyên Quang), tỉnh Tuyên Quang. Quê quán: làng Đa Phúc, xã Sài Sơn, tỉnh Sơn Tây (nay là thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Dân tộc: Kinh, ngày vào Đảng: 1-6-1946.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Hà Vi Tùng tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Minh tỉnh Tuyên Quang (tháng 3 năm 1945). Tháng 8 năm 1945, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí nhập ngũ và được cử đi học Trường Quân chính Việt Nam tại Hà Nội. Kết thúc khóa học, đồng chí xung phong Nam tiến tham gia chiến đấu và giữ các chức vụ: cán bộ Trung đội, Bí thư Chi bộ, Đại đội trưởng Đại đội 80 (10-1945 - 1948); Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 360 (1948 - 1949), Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 365, Trung đoàn 803, Liên khu 5 (5-1949 - 6-1950); Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 803, Liên khu 5 (7-1950 - 12-1954).

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí giữ các chức vụ: Tham mưu trưởng Sư đoàn 305 (1-1955 - 2-1957); Tham mưu trưởng Sư đoàn 469 (3-1957 - 3-1958); Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 341, Quân khu 4 (4-1958 - 2-1962); Phó Tư lệnh Sư đoàn 341 (3-1962 - 12-1964). Tháng 1-1965, đồng chí vào chiến trường miền Nam và giữ các chức vụ: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 320, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn Bộ binh 1, Mặt trận B3 (Mặt trận Tây Nguyên) (11-1965 - 7-1967); Phó Tư lệnh Sư đoàn 3, Quân khu 5 (8-1967 - 5-1968); Tư lệnh Sư đoàn 320B (1-1969 - 2-1970); Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Mặt trận B5 (Mặt trận Trị Thiên) (3-1970 - 10-1971); Chủ nhiệm Khoa Bộ binh, Học viện Quân sự (11-1971 - 2-1974); Phó Tư lệnh Sư đoàn 31, Mặt trận Cánh Đồng Chum - Hạ Lào (3-1974 - 3-1975).

Hòa bình lập lại, đồng chí giữ các chức vụ: Tư lệnh Sư đoàn 341B (4-1975 - 7-1976); Trưởng khoa Khoa Nghệ thuật quân sự, Viện Khoa học quân sự (8-1976 - 7-1978); Cục trưởng Cục Quản lý khoa học quân sự thuộc Học viện Quân sự cao cấp, Tham mưu trưởng Quân khu 1 (8-1878 - 1980); Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 3 (5-1981 - 8-1988). Tháng 10 năm 1989, đồng chí nghỉ công tác theo chế độ. Khi Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa. Đồng chí mất ngày 19-12-1994 tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đồng chí Hà Vi Tùng được phong quân hàm Trung tá năm 1958, Thượng tá năm 1965, Đại tá năm 1974 và Thiếu tướng năm 1985.

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202412/cha-toi-thieu-tuong-ha-vi-tung-hoi-uc-dep-ve-nguoi-linh-nam-tien-5ff27f8/