Chăm chỉ: Đức tính hay công cụ để lợi dụng?
'Vì sao cái thú chậm rãi đã biến đi đâu mất rồi? Ôi, họ đâu rồi, những chàng lười của thời xưa? Họ đâu rồi, những nhân vật vô công rồi nghề trong các bài hát dân gian, những gã lãng du lang thang từ cối xay gió này đến cối xay gió khác và đêm về ngủ với sao trời? Có phải họ đã biến mất cùng những lối đi trên bờ ruộng, những thảo nguyên và những khoảng rừng thưa, cùng với thiên nhiên?', nhà văn Milan Kundera viết trong cuốn tiểu thuyết mang tên Chậm.
Tỉnh táo để lòng yêu nước không bị lợi dụng
Những dòng này dội về trong tôi khi gần đây, thông tin về một nhà dựng phim qua đời vì 40 tiếng làm việc liên tục không ngưng nghỉ và từ đó dấy lên làn sóng của những người trẻ chia sẻ về tình trạng lao lực mà họ đang gặp phải.
Chúng ta sống trong một thế giới mà tất cả mọi người đều được dạy rằng phải làm việc, phải cống hiến, để sống có ích cho xã hội, để thực hiện ước mơ, hoặc để leo lên những nấc thang trong xã hội, hoặc để có một cuộc sống sung túc hơn. Nhưng cái chết của một người trẻ vì kiệt quệ trên bàn làm việc khiến chúng ta phải nghĩ lại, về một điều tưởng như đương nhiên là tốt đẹp: Sự chăm chỉ.
Làm việc chăm chỉ dường như là một đức tính được ca ngợi của phần lớn mọi dân tộc từng xuất hiện trên trái đất. Người Việt Nam có câu “Siêng làm thì có, siêng học thì hay”, “Hay làm thì giàu, hay cầu thì nghèo”, “Chịu khó mới có mà ăn” và đả kích sự lười biếng bằng những câu như “Nhàn cư vi bất thiện”, “Đời người có một gang tay/ Ai hay ngủ ngày còn lại nửa gang”.
Người phương Tây thì có ngạn ngữ “Khi sự chăm chỉ bước ra khỏi cửa chính cũng là lúc sự nghèo đói bước vào cửa sổ”, hay trong Kinh Thánh thì nói “Làm việc chăm chỉ đem lại sự giàu có, vui chơi nhàn tản đem lại sự đói nghèo”.
Cả các vĩ nhân trên đời ai cũng nói đến sự chăm chỉ. Nhà bác học Albert Einstein từng đúc kết một câu vô cùng nổi tiếng: “Thiên tài chỉ có 1% thông mình còn 99% là do rèn luyện”. Trong cuốn Những kẻ xuất chúng, tác giả Malcolm Gladwell đã chỉ ra, nếu bạn luyện tập một điều gì đó đủ 10.000 giờ, bạn nhất định sẽ trở nên xuất sắc trong lĩnh vực ấy, ông lấy ví dụ ban nhạc The Beatles với hàng ngàn giờ đi hát trong những quán rượu ở Hamburg và Liverpool. Lý thuyết của Gladwell đến nay vẫn được trích dẫn rất thường xuyên.
Không nghi ngờ gì nữa, sự chăm chỉ và sẵn sàng cống hiến là phẩm chất tốt đẹp của con người và chẳng có một ai trở thành vĩ nhân mà không lăn lộn và lao động. Nhưng như một năng lực đặc biệt của các nhà tư bản, những người có khả năng kiếm lợi nhuận từ những điều tưởng như cao quý và lành mạnh nhất, từ lối sống xanh đến phong trào nữ quyền, nên chẳng có gì lạ khi họ kiếm tìm lợi ích cho mình ngay trên truyền thống ngợi ca sự chăm chỉ của con người.
Sự chăm chỉ và chủ nghĩa tân tự do
Là những người thuộc tầng lớp trung lưu, ta luôn nghĩ rằng cuộc sống trên Trái đất đang ngày càng thoải mái hơn. Sự thực không phải vậy. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng dãn rộng. Theo thống kê của Oxfam, 8 người giàu nhất hành tinh làm chủ khối tài sản bằng 3,6 tỉ người nghèo nhất thế giới.
Với một số học giả, gọi đây là hiện tượng của chủ nghĩa tư bản là không đầy đủ. Tư bản đã có từ rất lâu rồi và bản thân nó đã tái cấu trúc nhiều lần. Mùa hè 2016, những nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có cuộc tranh luận sôi nổi và chua cay về cụm từ mang tên “chủ nghĩa tân tự do”. Trước đó, cụm từ này chỉ được coi như một biệt ngữ chính trị không có giá trị phân tích nhưng giờ đây, họ thừa nhận rằng nó có tồn tại và sự lan tràn của những chính sách tân tự do từ những năm 1980.
Trên một bài viết của tờ Guardian, cây bút George Monbiot cho rằng đó là một cụm từ mà phần lớn mọi người không hiểu thực chất nó là gì, dù nó đang vận hành thế giới theo luật chơi của mình. Từ cuộc khủng hoảng nền kinh tế năm 2008, sự ra đời của những thiên đường trốn thuế và rửa tiền như Panama, sự suy sụp của hệ sinh thái, sự đi lên của Donald Trump hay “bệnh dịch” trầm cảm, theo Monbiot, chúng đều có chung nguồn gốc từ một nền tảng triết học duy nhất: chủ nghĩa tân tự do.
Hiểu đơn giản, chủ nghĩa tân tự do là một học thuyết đề cao thị trường tự do, thương mại tự do, giải phóng nền kinh tế tư nhân khỏi những điều tiết của chính phủ. Nó không mới nhưng nó đang trở lại. Vì đề cao một nền kinh tế tự do, chủ nghĩa tự do coi cạnh tranh như là bản chất trong mối quan hệ giữa người với người. Nó quy giản hóa con người như những cá thể tiêu thụ và những hành vi của họ về cơ bản chỉ có bán hoặc mua. Con người trở thành không gì khác hơn ngoài một mắt xích trong nền kinh tế toàn cầu. Nếu họ làm tốt, họ được tưởng thưởng. Nếu không, họ bị trừng phạt.
Điều đáng sợ nhất của chủ nghĩa tân tự do là nó dường như rất đúng đắn và là luật chơi tất yếu trong mọi trò chơi (mà cuộc đời thì cũng là một trò chơi): kẻ mạnh được ở lại, kẻ yếu bị loại bỏ. Nó cũng tất yếu như thuyết tiến hóa của Darwin vậy. Những cá thể mạnh sẽ tiếp tục sinh đẻ và tiến hóa, duy trì giống nòi của mình. Những cá thể yếu sẽ suy vong và biến mất. Còn gì đúng đắn và công bằng hơn thế?
Và cũng chính vì thế, con người cảm thấy mình phải lao động một cách hăng say để “thăng hạng” bản thân. Các ông chủ cổ vũ thái độ ấy, dành biệt đãi cho những người chăm chỉ và cuối cùng, chúng ta có một thế hệ làm việc bán thân, đốt cháy năng lượng bởi họ tin đó là con đường duy nhất để chứng minh giá trị bản thân mình. Với chủ nghĩa tân tự do, chính bạn chứ chẳng ai khác trở thành kẻ bóc lột tàn nhẫn sức lao động của mình.
Một nghiên cứu mới của Thomas Curran và Andrew Hill công bố trên tạp chí tâm lí Psychological Bulletin cho biết, chủ nghĩa hoàn hảo đang trở thành xu thế và “các thanh niên thế hệ này nhận thức được rằng người khác đòi hỏi nhiều hơn ở họ, đòi hỏi nhiều hơn nhau và đòi hỏi nhiều hơn ở chính bản thân mình”. Nguyên nhân sâu xa, theo hai nhà khoa học, đó chính là vì sự phồng lên của tân tự do, một học thuyết tôn vinh tính cạnh tranh, cổ súy tham vọng và đánh đồng giá trị một con người với những thành công sự nghiệp của họ.
Chủ nghĩa tân tự do biến cuộc sống trở thành một cuộc chạy đua kinh tế, một thị trường toàn cầu thay vì một cộng đồng, một gia đình hay những người anh em, nó nhìn một con người trên thang đo thành công hay thất bại thay vì tư cách hay phẩm hạnh.
Người châu Á chăm chỉ
Chủ nghĩa tân tự do không hẳn là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng lao động quá sức ở người trẻ. Với riêng người châu Á, dường như còn những lí do khác.
Gần đây, tôi xem được một trong những bộ phim tài liệu dáng chú ý nhất năm nay mang tên American factory (Nhà máy Mỹ) do Netflix sản xuất. Bộ phim kể về sự hình thành của tập đoàn sản xuất kính Fuyao ngay tại nơi mà trước khi từng đặt nhà máy của General Motors - biểu tượng thịnh vượng một thời của nước Mỹ nhưng đã sụp đổ trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Chủ của Fuyao là một tỉ phú người Hoa và ông không chỉ đưa nhân công Trung Quốc mà còn cả hệ ý thức cùng văn hóa Á Đông vào nước Mỹ.
Theo chân cả vị chủ tịch, cả những công nhân Mỹ và công nhân Trung Quốc làm việc tại Fuyao, các nhà làm phim ghi lại hình ảnh một nhà máy từng là niềm hy vọng của những người lao động thất nghiệp sau khi General Motos đóng cửa nhưng cuối cùng chỉ là một cơn ác mộng khi họ buộc phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, đồng lương ít ỏi, không được sự bảo vệ đích thực của công đoàn và luôn nơm nớp bị sa thải chỉ cần họ ốm đau hay tai nạn.
Một trong những chi tiết đặc biệt thú vị của bộ phim là khi những nhà quản lý người Hoa cho rằng, người Mỹ rất lười biếng trong khi người Hoa thì vô cùng chăm chỉ. Điều đó, quả thực, không sai. Không chỉ người Hoa mà người Đông Á nói chung như Nhật Bản, Hàn Quốc đều chăm chỉ, mẫn cán và sẵn sàng làm việc ở cường độ cao mà không đòi hỏi quyền lợi, không tỏ ra bất mãn. Bạn dễ thấy điều đó nhất khi làm trong một môi trường quốc tế, những nhân sự người Mỹ hay châu Âu không làm quá giờ trừ khi được trả thêm tiền, họ biết cách nói không và luôn nhận thức được quyền lợi của mình.
Dường như, cảm nhận được những thiệt thòi khi là một người da vàng (vì lịch sử, vì những mẫu thức phân biệt chủng tộc chưa thể hoàn toàn xóa bỏ), người châu Á luôn cố gắng hơn gấp nhiều lần. Chưa kể, xã hội Đông Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đạo Khổng với những triết lý đề cao việc cống hiến và cho rằng con người từ khi sinh ra đã thuộc về một mạng lưới các mối quan hệ, cái gì tốt cho cộng đồng sẽ tốt cho cá nhân, dù đôi khi nó phủ nhận các mong muốn riêng tư của cá nhân, lý tưởng này hoàn toàn đối nghịch với xã hội phương Tây đề cao tính cá nhân và luôn có xu hướng giải phóng cái tôi.
Bản chất đó đang tạo ra một lợi thế rõ rệt để nền kinh tế châu Á bứt phá nhưng mặt khác, nó cũng khiến lục địa này đối mặt với những vấn đề xã hội như tỉ lệ trầm cảm và tự sát cao, những người trẻ lao động đến kiệt sức mà không biết mình thực sự đang sống cho cái gì.
Những người trẻ cần phải nhớ rằng, ngay cả Thượng đế cũng chỉ sáng tạo thế giới 6 ngày, đến ngày thứ 7, ngài nghỉ ngơi. Nhưng tất nhiên, vị Thượng đế đó cũng là vị Thượng đế phương Tây.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/cham-chi-duc-tinh-hay-cong-cu-de-loi-dung-576858/