Châm cứu cai thuốc lá
Cai thuốc lá bằng nhĩ châm đem lại những kết quả tích cực trong điều trị thử nghiệm
Viện Y dược học dân tộc TP HCM vừa áp dụng một phương pháp cai thuốc lá mới là châm lên các huyệt trên lỗ tai (nhĩ châm).
Có thể thực hiện tại nhà
TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM, cho biết phương pháp cai thuốc này đã được Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương điều trị thử nghiệm trên 180 người. Tại TP HCM cũng được viện triển khai điều trị thử nghiệm, kết quả bước đầu cho thấy rất tích cực.
Kết quả nghiên cứu khảo sát của Viện Y dược học dân tộc TP ghi nhận sau 5 lần nhĩ châm, số điếu thuốc trung bình ở những người nghiện hút thuốc lá giảm được khoảng 16 điếu/ngày. Tỉ lệ đáp ứng tốt chiếm khoảng 57%, đáp ứng ở mức độ trung bình là 36% (cả 2 mức độ đều giảm được đáng kể số lượng điếu thuốc hút trong ngày).
Theo BS Trần Minh Quang, Viện Y dược học dân tộc TP HCM, nhĩ châm là phương pháp đã có từ lâu đời. Theo đó, trên loa tai có nhiều huyệt đạo, mỗi vùng của loa tai tương ứng một bộ phận của con người. Bác sĩ sẽ châm cứu vào các huyệt đạo trên loa tai của người bệnh.
Hiệu quả của châm cứu tại các huyệt đạo ở loa tai có tác dụng giúp bệnh nhân vượt qua các hội chứng sau khi bỏ chất nicotine đột ngột, giảm bứt rứt khó chịu, giảm cảm giác thèm thuốc, giảm mất ngủ, kiểm soát được cân nặng, giúp bệnh nhân tăng quyết tâm và cai nghiện thuốc lá dễ dàng hơn.
Đối với nhĩ châm bằng kim nhĩ hoàn, người bệnh cần đến cơ sở châm cứu để được châm cứu mỗi ngày trong liệu trình. Hiện nay, kim nhĩ hoàn được thay thế bằng miếng dán được dán trên loa tai, lưu kim từ 2-3 ngày, giúp giảm thời gian người bệnh đến cơ sở châm cứu.
Đặc biệt, với miếng dán, người bệnh có thể chữa trị tại nhà, người bệnh có thể tự day, ấn vào vị trí miếng dán, các đầu kim sẽ kích thích vào các huyệt đạo, hiệu quả điều trị các triệu chứng được duy trì. Người bệnh sẽ điều trị từ 3-5 liệu trình (1 liệu trình là một lần thay kim).
Cần sự kiên trì
Theo các chuyên gia, có 3 thể người nghiện thuốc lá. Thể thứ nhất là người nghiện thuốc lá về hành vi, có thói quen cầm điếu thuốc lá trong khi giao tiếp với người khác. Thể thứ hai là người nghiện về nhận thức, có cảm giác sành điệu, thời thượng, là tâm điểm khiến người khác chú ý. Thể thứ ba là người nghiện thuốc lá thực thể, bị phụ thuộc hoàn toàn vào chất nicotine của thuốc lá. Nicotine gây ảnh hưởng đến tâm thần kinh của người hút thuốc. Khi bỏ thuốc lá đột ngột sẽ gây ra triệu chứng khiến người bệnh khó chịu.
Giới chuyên môn cho rằng việc cai nghiện thuốc lá không bao giờ dễ dàng. Hành vi hút thuốc lá tiếp tục ngay cả khi người nghiện biết rõ hay thậm chí là bị các tác hại do thuốc lá gây ra.
Hiện có nhiều phương pháp tây y hỗ trợ cai nghiện thuốc lá nhưng kết quả còn thấp và tỉ lệ tái nghiện vẫn còn cao. Người cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp nhĩ châm sẽ được bác sĩ châm cứu vào các huyệt ở tai bao gồm yết hầu, phế, thần môn, nội tiết. Khi châm kim vào các huyệt này sẽ khiến cơ thể phóng thích chất beta-endorphin. Chất hóa học này giúp người nghiện thuốc lá vượt qua cảm giác "lên cơn nghiện" như thèm thuốc, bứt rứt, chán ăn, mất ngủ, lo âu, đau đầu…
BS Trần Minh Quang cho biết để tăng khả năng cai nghiện thuốc lá thành công, bên cạnh nhĩ châm, bác sĩ còn phải kết hợp các yếu tố khác như trò chuyện, giải thích giúp người bệnh quyết tâm vượt qua cảm giác "lên cơn nghiện" trong quá trình chữa trị cai thuốc.
Thường có hơn 70% người hút thuốc lá sau khi bỏ thuốc sẽ bị tăng cân, nguyên nhân là khi bỏ thuốc có cảm giác thèm ăn. Do vậy, người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn, tập luyện, kiểm soát tình trạng tăng cân. Trong quá trình cai nghiện và sau khi cai nghiện, người đang bỏ thuốc cần hạn chế tiếp xúc với những môi trường có người hút thuốc lá để tránh nguy cơ tái nghiện.
"Chọn cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp y học cổ truyền, người nghiện cần đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn. Đây là một trong những bước rất quan trọng để bác sĩ đánh giá mức độ nghiện nhằm đưa ra tư vấn và liệu trình điều trị thích hợp. Người cai nghiện thuốc lá cần phải kiên trì và quyết tâm mới thành công" - TS-BS Trương Thị Ngọc Lan khuyên.
"Đốt" 22.000 tỉ đồng mỗi năm
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta chi hơn 23.000 tỉ đồng để chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá, tuy nhiên cũng tiêu tốn đến 22.000 tỉ đồng tiền mua thuốc lá để hút. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, với khoảng 40.000 người tử vong mỗi năm vì mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Thống kê của chương trình phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy nếu bỏ thuốc lá sau 1 năm thì nguy cơ ung thư phổi và nhồi máu cơ tim giảm 50% so với người hút thuốc.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/cham-cuu-cai-thuoc-la-20210322223753183.htm