'Chạm để kết nối' và bài học giúp nâng hạng chuyển đổi số

Khoảng một giây sau khi tương tác với chatbot trên ứng dụng iHanoi, bà Ngọc Lan (Ba Đình) nhận về kết quả kèm hướng dẫn từng bước rất cụ thể. 'Tôi chỉ cần thực hiện theo từng bước, ứng dụng này quá hay, cứ nghĩ khó lắm', bà thốt lên.

Năm 2020 được coi là khởi động nhận thức chuyển đổi số tại Việt Nam. Năm 2023, là bản lề trong việc tạo lập các yếu tố nền tảng, then chốt. Đến nay, năm 2025, quá trình chuyển đổi số ở nước ta đã bước vào giai đoạn "gặt hái".

Chuyển đổi số đã len lỏi đến từng người, từng nhà sau 5 năm tổ chức thực hiện.

Chạm smartphone để tương tác với chính quyền

Cầm trên tay chiếc smartphone cài ứng dụng iHanoi, bà Ngọc Lan (62 tuổi, ở quận Ba Đình) đặt câu hỏi với chatbot về thủ tục đăng ký giấy khai sinh. Khoảng một giây sau, ứng dụng đã trả lời kết quả, hướng dẫn từng bước cụ thể.

“Tôi chỉ việc thực hiện theo từng bước hướng dẫn. Ứng dụng này quá hay, tôi cứ nghĩ khó lắm”, người phụ nữ ngoài 60 tuổi thốt lên.

Ông Hoàng Văn Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội cho biết, iHanoi - nền tảng Công dân Thủ đô số là công cụ nhằm thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân cùng các doanh nghiệp trên địa bàn.

Chỉ cần một chạm, mọi người đã kết nối với chính quyền, theo dõi các tin tức mới nhất của Hà Nội và sử dụng tiện ích đô thị thông minh. Mỗi công dân sẽ được cấp một tài khoản số duy nhất, chỉ với "một chạm để kết nối", họ có thể sử dụng tất cả các ứng dụng, tiện ích, dịch vụ phát triển trên môi trường điện tử của Thủ đô.

 Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hành chính công TP Hà Nội xử lý thông tin người dân phản ánh trên iHanoi để chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hành chính công TP Hà Nội xử lý thông tin người dân phản ánh trên iHanoi để chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Trao đổi với VietTimes, đại diện Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá công tác chuyển đổi số ở Hà Nội là điển hình cho thấy sự hiệu quả, góp phần giải quyết hạn chế trong tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân trước đây - vốn được thực hiện bằng hình thức thủ công, gặp nhiều bất cập.

Trước đó, việc tổng hợp, kiểm tra giám sát, đôn đốc giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều phản ánh kiến nghị chậm được giải quyết, thiếu công khai minh bạch gây búc xúc cho người dân, doanh nghiệp dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Việc không giải quyết dứt điểm làm giảm niềm tin của người dân với chính quyền.

iHanoi và hàng loạt các hoạt động khác đã nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tương tác giữa chính quyền với người dân Hà Nội.

Về ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi, tính đến giữa tháng 12/2024, đã có 3,1 triệu tài khoản đăng ký sử dụng. Tài khoản đăng ký mới đạt 700 nghìn. iHanoi tiếp nhận 32 nghìn phản ánh, đã xử lý khoảng gần 30 nghìn thông tin. Số lượng người dân đăng ký tài khoản mới tăng đáng kể do công tác tuyên truyền hiệu quả.

Ứng dụng iHanoi có 4 nhóm chức năng lớn gồm: Phản ánh, kiến nghị; Tiện ích đô thị thông minh; Truyền thông, tin tức, Sáng kiến, góp ý, trong đó Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là chức năng thuộc nhóm Tiện ích đô thị thông minh.

Hiện tại, Hà Nội triển khai cung cấp 478 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Ứng dụng iHaNoi và kết nối. Khai thác dữ liệu của người dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để tự động điền vào biểu mẫu điện tử tương tác của từng dịch vụ công trực tuyến, người dân không phải khai báo lại.

Ngoài ra, thông qua iHanoi, người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, phản ánh chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, như: hành vi chậm trẻ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền Thủ đô.

Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành ghi nhận Hà Nội tăng 18 bậc, xếp thứ 6 trong bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành về chuyển đổi số. So với báo cáo đánh giá kỳ liền trước, Hà Nội xếp thứ 24.

Đặt rõ bài toán, đưa dữ liệu, đưa tri thức ngành mới mong chuyển đổi số thành công

Với chủ trương “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, không chỉ khối địa phương, mà cả các bộ, ngành đều nỗ lực thực hiện mục tiêu “đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất".

Thực tế báo cáo xếp hạng DTI năm 2023 ghi nhận những kết quả quan trọng, nhiều trường hợp thí điểm đã thành công, tạo tiền đề phổ cập trên diện rộng.

Điển hình, trong ngành tòa án, vấn để tồn tại dai dẳng lâu nay là thẩm phán và thư ký luôn trong tình trạng quá tải, bị áp lực bởi khối lượng vụ việc ngày càng tăng, ngày càng phức tạp, dẫn tới những sai sót ngoài ý muốn.

 Trợ lý ảo pháp luật phục vụ ngành tòa án có thể mã hóa 10-15 bản án trong 30 phút.

Trợ lý ảo pháp luật phục vụ ngành tòa án có thể mã hóa 10-15 bản án trong 30 phút.

Ngành tòa án đã ấp ủ trang bị thêm cho thẩm phán đội ngũ trợ lý, giúp việc bằng chuyển đối số. Do đó, Tòa án Nhân dân Tối cao đã chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, thử nghiệm theo hướng này.

Cho đến nay, trợ lý ảo đóng vai trò như một thư ký riêng, am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán. Trợ lý ảo giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên, thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân, giúp tiết kiệm hàng chục tỷ đồng so với việc tra cứu, tìm kiếm trên văn bản giấy.

Kết quả triển khai "Trợ lý ảo" của Tòa án Nhân dân Tối cao thời gian vừa qua minh chứng cho phương châm tổ chức triển khai chuyển đổi số bài bản, thực chất, hiệu quả, làm đầu chắc đó, làm đâu dứt đó.

Song song với việc triển khai trợ lý ảo, Tòa án Nhân dân Tối cao đã trực tiếp chỉ đạo triển khai chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử. Kết quả, khối lượng công việc hành chính của thẩm phán giảm 30% so với trước, thời gian công khai bản án trước đây 1-2 giờ nay giảm chỉ còn vài giây nhờ tự động hóa quy trình. Mỗi thẩm phán có thêm một thư ký giúp việc pháp luật và nghiệp vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng thành công lớn nhất của chuyển đổi số ngành tòa án chính là việc chuyển đổi số đã trở thành công cụ làm việc hàng ngày của 12.000 cán bộ có chức danh tư pháp của ngành. Đây là kết quả của 3 năm chuyển đổi số. Chuyển đổi số không thể thành công nếu chỉ là phong trào, đó phải là kết quả của một quá trình liên tục.

Thành công của ngành tòa án cho thấy chuyển đổi số không phải là việc mua một phần mềm về sử dụng mà cần phát triển các phần mềm cho chính mình. Phần mềm chuyển đổi số không phải viết ra là xong, mà sẽ được hoàn thiện trong quá trình sử dụng.

Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp công nghệ số và cơ quan nhà nước, phải đi cùng nhau trên một chặng đường dài và trở thành đối tác chiến lược của nhau, doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực dành riêng cho dự án chuyển đổi số.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, cơ quan nhà nước để chuyển đổi số thành công cần đặt rõ bài toán cho doanh nghiệp công nghệ số, dạy nghề, dạy chuyên môn ngành, đưa dữ liệu, đưa tri thức ngành cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển sản phẩm. Việc cán bộ trực tiếp dùng sản phẩm hàng ngày và liên tục đưa ra các yêu cầu hoàn thiện rất quan trọng.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cham-de-ket-noi-va-bai-hoc-giup-nang-hang-chuyen-doi-so-post182585.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat