Chạm đến trái tim doanh nhân, làm sống động năng lực nội sinh của Doanh nghiệp Việt

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Thể chế không còn phù hợp nên chưa huy động nguồn lực hiệu quả tạo bứt phá cho tăng trưởng. Phải làm sống động năng lực nội sinh của doanh nghiệp (DN) hỗ trợ DN chớp lấy cơ hội thành công.

Nền kinh tế còn bị phân mảnh

+ Chúng ta đã đi qua 3 quý của năm. Vậy đâu là những thành tựu lớn nhất mà chúng ta đã đạt được và đâu là những hạn chế lớn nhất mà chúng ta đã gặp phải?

- Chúng ta đã chứng kiến những tháng đầu năm 2023 với đầy khó khăn thách thức lớn và như một số chuyên gia đã nói: chưa bao giờ khó khăn nhiều như thế. Trong bối cảnh đó, tôi nhận thấy thành tựu lớn nhất của chúng ta vẫn là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được những cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là những cân đối rất quan trọng là cân đối về lương thực, cân đối về ngoại tệ. Đồng thời, chúng ta vẫn bảo đảm an sinh xã hội. Những thành tựu này tạo đà tiếp theo cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Nhưng nền kinh tế cũng có nhiều điểm yếu, đặc biệt là những điểm yếu mang tính cơ cấu. Nền kinh tế đang bị phân mảng. DN tư nhân trong nước, DN FDI và DN nhà nước không liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một khối thống nhất của một nền kinh tế thống nhất.

Là một nền kinh tế rất mở nhưng năng lực hội nhập của DN tư nhân trong nước thấp. Do đó, không tận dụng hết được những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại để DN đóng góp tốt hơn cho phát triển kinh tế và thịnh vượng quốc gia.

Hệ thống thể chế của chúng ta không còn phù hợp để huy động nguồn lực và sử dụng nguồn lực có hiệu quả, từ đó tạo sự bứt phá tăng trưởng lên. Đây là điểm yếu nhất. Thể chế không phù hợp nên Quốc hội liên tục phải ban hành những thể chế khác biệt so với hiện hành cho các địa phương và ban hành những cơ chế thí điểm để thực hiện những các dự án đầu tư quan trọng quốc gia. Số địa phương mong muốn cơ chế đặc thù càng ngày càng nhiều.

Phải chạm đến trái tim doanh nhân

+ Số DN rời thị trường rất nhiều mà một khi đã rời đi, để họ quay lại rất khó khăn. Vậy làm thế nào giữ được DN?

- Trong khó khăn, khủng hoảng thì phải tồn tại và vượt qua khó khăn. Mà một trong những việc cần làm đó là tối đa tiết giảm chi phí, rồi cơ cấu lại, cơ cấu lại sản phẩm, cơ cấu lại đầu tư, cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại quản trị… Và tìm cơ hội trong khó khăn, chớp lấy cơ hội. Vậy thì Nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho để DN trụ vững và chớp lấy cơ hội một cách thành công.

Các chính sách, giải pháp cần làm, đó là ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo bỏ rào cản và giảm chi phí cho DN… Các giải pháp này chúng ta đã làm, đang làm nhưng phải làm nhất quán, làm mạnh mẽ và làm với mức độ cao hơn.

Và quan trọng nhất, cũng là điều cần phải có nhất - đó là niềm tin. Thiếu niềm tin, không ai làm gì cả. Để có được niềm tin thì chính sách ban hành thế nào phải thực hiện đúng như thế, nói phải đi đôi với làm. Các nhà lãnh đạo phải có những lời nói, chỉ đạo chạm đến trái tim doanh nhân để khích lệ tinh thần kinh doanh và khí thế đầu tư trong họ.

Đó là những việc chúng ta đã làm, chúng ta đang làm. Nhưng tôi mong rằng là làm nhiều hơn, làm triệt để hơn và với mức độ lớn hơn, nhất quán hơn để tạo niềm tin. Niềm tin thực sự là điều chúng ta rất cần. Khi vẫn còn lo gặp rủi ro, chưa yên tâm với thể chế, với chính sách thì doanh nghiệp không dám làm gì.

+ Thực tế chúng ta đã thấy nền kinh tế đã bị tổn thương thế nào trước những biến động từ thế giới. Bên cạnh những ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị, của cuộc chiến Nga - Ukraine, và ảnh hưởng của việc thắt chặt tiền tệ cũng nhu cầu thế giới sụt giảm… thì có những biến động nào chúng ta phải chú ý?

+ Thực tế chúng ta đã thấy nền kinh tế đã bị tổn thương thế nào trước những biến động từ thế giới. Bên cạnh những ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị, của cuộc chiến Nga - Ukraine, và ảnh hưởng của việc thắt chặt tiền tệ cũng nhu cầu thế giới sụt giảm… thì có những biến động nào chúng ta phải chú ý?

- Nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn và độ mở sẽ tiếp tục gia tăng nên cũng vẫn rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước các biến động bên ngoài.

Ở bên ngoài hội nhập kinh tế quốc tế đang chậm lại, các chuỗi cung ứng đã thay đổi, đang chuyển hướng. Các nền kinh tế cũng đã thay đổi tư duy, đang củng cố lại nền tảng, tăng tính tự chủ, tự cường, tự lực, thay đổi lại những chuỗi cung ứng.

Những xu thế mới cũng đang xuất hiện như là tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, chuyển đổi số, chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn… Xu thế đó đã trở thành những quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với sản phẩm, đối với dịch vụ và đối với sản xuất, với tiêu dùng… ở rất nhiều nền kinh tế. Đặc biệt là ở những nền kinh tế là bạn hàng lớn của chúng ta.

Như vậy, chúng ta phải có nhiều thay đổi.

Giảm rủi ro, nâng cấp quyền tự do kinh doanh

+ Phải thay đổi thế nào, làm sao để xu hướng đó trở thành cơ hội chứ không phải thách thức?

- Thay đổi thứ nhất và đây cũng là nền tảng, đó là phải làm sống động lại năng lực nội sinh của DN Việt Nam, hỗ trợ DN trụ vững và chớp lấy cơ hội, chớp được những thời cơ mới.

Tiếp đó là đẩy mạnh xuất khẩu, vừa củng cố thị trường truyền thống, vừa mở thị trường mới như ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ Latin. Sự hiện diện của chúng ta ở các thị trường này còn rất ít. Xuất khẩu là thị trường rộng lớn cho sản xuất trong nước và sẽ tạo một cái cú hích đối với sáng tạo.

Giờ đây không thể tiếp tục dựa trên lợi thế cạnh tranh chi phí thấp bằng chi phí nhân công thấp, giá năng lượng thấp và chi phí môi trường thấp nữa. Như vậy, DN phải đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thải carbon…

Môi trường kinh doanh phải thuận lợi tối đa, khích lệ đổi mới sáng tạo, khuyến khích đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh… Phải đổi mới cách tiếp cận, đổi mới chế độ khuyến khích đầu tư. Phải tạo ra một năng lực nội sinh, thúc đẩy DN áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như là một động lực nội sinh đối với các DN.

Như tôi quan sát thì DN chưa có động lực cũng chưa có áp lực đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo, đổi mới, nâng năng lực công nghệ và năng lực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo.

+ Một điểm yếu của chúng ta đó là DN rất nhỏ. Làm gì để DN nhỏ lớn lên?

- Việc cần làm vẫn là quyết liệt và mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng và nâng cấp quyền tự do kinh doanh. Đảm bảo an toàn tối đa trong hoạt động kinh doanh, giảm rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ…

Với DN nhỏ, siêu nhỏ, bên cạnh những chính sách, giải pháp hỗ trợ đã có, cần chú ý hỗ trợ DN tiếp cận thị trường và các kênh bán hàng. Nhà nước có chính sách ưu tiên tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của các DN nhỏ, siêu nhỏ…

Nên thành lập các quỹ đầu tư, gồm cả quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các DN nhỏ, siêu nhỏ, vừa giúp về vốn, vừa chia sẻ rủi ro trong các đầu tư ban đầu. Nên thành lập tổ chức hỗ trợ DN nhỏ, siêu nhỏ chuyên trách, chuyên nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương với các đội giàu kinh nghiệm và trải nghiệm kinh doanh. Tổ chức này hỗ trợ DN nâng cao chất lượng quản lý, xây dựng phương án kinh doanh, quản lý tài chính, tiếp cận các mô hình kinh doanh mới… Việc hỗ trợ thực hiện theo nguyên tắc thị trường, theo nhu cầu của DN.

+ Xin cảm ơn ông!

Hà Nguyễn (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cham-den-trai-tim-doanh-nhan-lam-song-dong-nang-luc-noi-sinh-cua-doanh-nghiep-viet-post268276.html