Chậm di dời hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến tiến độ các công trình trọng điểm
Tại các công trình giao thông trọng điểm hiện nay, nhất là các dự án đường bộ cao tốc, mắc dù tỷ lệ bàn giao mặt bằng sạch của các địa phương tương đối cao, nhưng do phần lớn hạ tầng kỹ thuật đường điện, viễn thông vẫn 'án ngữ', chậm di dời trên tuyến chính các dự án, đang ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công.
Ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công
Tại cao tốc Vân Phong - Nha Trang thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 qua tỉnh Khánh Hòa, mặc dù mặt bằng sạch được địa phương bàn giao cho chủ đầu tư đến nay đã đạt gần hơn 93%, nhưng đường điện cao thế "án ngữ" trên chính tuyến đang gây khó khăn cho việc thi công của các nhà thầu. Trên công trường, tình trạng hạ tầng đường dây 220kV đang “lơ lửng” treo trên đầu các mũi máy móc thi công, công nhân, người lao động làm việc dưới điện lưới luôn tiềm ẩn nguy hiểm mất an toàn và nguy cơ chậm tiến độ cao.
Theo ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang (Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT - Đại diện chủ đầu tư), khởi công ngày 1/1/2023, sau gần 11 tháng thi công, dự án hiện đã đạt được gần 30% khối lượng xây lắp theo hợp đồng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án hiên nay là hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện 110kV, 220kV chưa di dời. Thực tế này đang là rào cản tiến độ dự án thời gian tới nếu không sớm được tháo gỡ.
Đáng chú ý, trong 6 km đang đổ đất đắp thì có 4 km vướng các cột điện cao thế, hạ thế và cáp viễn thông, nên tiến độ thi công mới đạt 25% kế hoạch được giao. Trong hơn 22 km đoạn tuyến thuộc gói XL02 (dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang) do Tập đoàn Sơn Hải đang thi công có tới 20 vị trí đường dây điện đến nay vẫn chưa di dời. Tại lý trình Km366+200 và Km364 (đoạn tuyến do Tập đoàn Sơn Hải thi công) có hai vị trí đường dây 110kV và đường trung thế vắt qua tuyến. Tại hai vị trí này, đơn vị thi công phải trừ hai rãnh sâu ngang tuyến nhằm hạ thấp cao độ của mặt bằng tuyến để xe, máy móc đi qua tạo khoảng cách an toàn với dây điện đang “lơ lửng” trên nóc xe...
Tương tự tại cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong thuộc cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2017 - 2025 dài 48 km đi qua tỉnh Phú Yên, đến nay, các huyện có dự án đi qua đã bàn giao mặt bằng hơn 86 km, đạt 96% kế hoạch, nhưng các công trình hạ tầng kỹ thuật điện trên tuyến thi công dự án vẫn chưa được di dời. Ngoài huyện Tây Hòa cơ bản hoàn thành, còn các huyện, thị xã Tuy An, Sông Cầu, Đông Hòa và TP Tuy Hòa chưa hoàn thành.
Video ông Phạm Trường Vũ, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Ban Quản lý dự án 7 thông tin):
Đáng nói, thủ tục di dời hạ tầng điện đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thẩm định từ tháng 4/2023 và các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ GTVT chấp thuận phương án di dời từ tháng 5/2023, nhưng đến nay vẫn án binh bất động.
Nhiều vị trí xây dựng cầu trên tuyến do vướng đường điện, nên các đơn vị thi công chưa triển khai được hàng mục khoan cọc nhồi... Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Phú Yên, trên tuyến dự án cần di dời gần 300 trụ điện, trong đó có 135 trụ điện cao thế từ 110 - 120kV. Nếu không tập trung di dời sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công cao tốc.
Video ông Nguyễn Hữu Nhân, Giám đốc Công ty CP Thịnh Long, nhàu thầu thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thông tin:
Hay tại dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - cao tốc trục ngang Đông Nam Bộ hiện nay, theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Giám đốc Công ty Cổ phần Thịnh Long, đơn vị thi công cao tốc, toàn bộ phần hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông... trong vùng mặt bằng thi công cầu vượt nút giao Tân Hiệp qua tỉnh Đồng Nai hiện vẫn "bất động" chưa phá dỡ, di dời, bàn giao nhà thầu thi công, mặc dù dự án đã gần 5 tháng sau ngày khởi công tháng 6/2023. Nếu không sớm được tháo gỡ, nguy cơ chậm tiến độ dự án là hiện hữu. Việc máy móc, nhân lực chờ mặt bằng để thi công trên công trường hiện nay, không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thi công, mà còn ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây lắp tổng thể, cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra...
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo
Cập nhật tình hình di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công các công trình giao thông, theo rà soát của Bộ Công Thương, tổng số vị trí giao chéo giữa các tuyến cao tốc với các đường dây 220 - 500kV là 71 vị trí. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp với các Ban Quản lý dự án hoàn thành thỏa thuận hồ sơ thiết kế kỹ thuật đối với 60 vị trí (chiếm 84,5%), đang tiến hành thi công 38 vị trí (chiếm 53,5%). Tổng số vị trí giao chéo giữa cao tốc Bắc Nam giai đoạn II với các đường dây 110kV và trung hạ áp được kiểm đếm là 1.125 điểm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện đã hoàn thành thỏa thuận hồ sơ thiết kế kỹ thuật 1.065 vị trí (gần 95%), đang triển khai thi công 294 vị trí (gần 33%), đã hoàn thành di dời 73 vị trí (gần 6,5%)...
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), đến cuối tháng 11/2023, cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn II 2021 - 2025 đã được bàn giao hơn 673 km mặt bằng (hơn 93%). Trong đó, tỷ lệ mặt bằng có thể triển khai thi công đạt gần 646km (89,5%), sản lượng thi công dự án đạt hơn 14.700 tỷ đồng (xấp xỉ 15% giá trị hợp đồng). Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật điện cao thế hiện nay phải tổ chức thẩm định phương án như một dự án thông thường. Để đẩy nhanh hơn tiến độ di dời, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tích cực hơn nữa để hoàn thiện quy trình thủ tục.
Dự kiến, trong tháng 12/2023, công tác di dời đường dây 220kV và 110kV trong phạm vi thi công các dự án sẽ được hoàn thành. Các đường dây 22kV, 35kV và 0,4kV sẽ được tập trung giải quyết các "điểm nóng" để nhà thầu xây lắp có công địa thi công cầu, cống, nền đường.
Qua tìm hiểu, trong quá trình giải phóng mặt bằng các công trình giao thông, Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các địa phương, có nhiều văn bản đề nghị đốc thúc Hội đồng giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bàn giao, nhưng đến nay vẫn còn những vướng mắc như xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật chậm làm ảnh hưởng tới tiến độ các dự án.
“Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có ý kiến với các địa phương giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông; đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chủ quản công trình hạ tầng, Hội đồng giải phóng mặt bằng các địa phương đẩy nhanh tiến độ di dời. Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương giải quyết dứt điểm các tồn tại về mặt bằng, kịp thời báo cáo Bộ.