Chấm dứt bạo lực để vun đắp yêu thương
Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn vẫn chưa thực sự chấm dứt, đòi hỏi trong công tác phòng chống phải có sự cam kết mạnh mẽ, sự tham gia tích cực hơn của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân.
Mặc dù bây giờ đã có cháu nội nhưng những tháng ngày bị chồng bạo hành vẫn để lại trong chị Hồ Thị V., xã Mò Ó, huyện Đakrông vết thương lòng khó quên. Chuyện chị V. bị chồng bạo hành cả xã đều biết, vì nó diễn ra rất nhiều lần. Mỗi lần như vậy, chị V. đều về nhà mẹ ở huyện Gio Linh lánh nạn, vài ba hôm đợi chồng nguôi giận lại quay về nhà. Khi mẹ chị mất, chốn nương náu bình yên tạm thời không còn nên mỗi lần bị chồng đánh đập, chị V. ôm con nhỏ chạy quanh bản. Suốt một thời gian dài chị không dám lên tiếng, chỉ bởi lý do “nếu chồng biết được thì đập càng đau, rồi còn dọa giết”. Nỗi sợ vì bị đánh đau hơn, thậm chí sợ chồng giết rồi không có ai nuôi con khiến chị V. không dám lên tiếng cho đến khi Hội Phụ nữ xã Mò Ó và chính quyền địa phương vào cuộc thì tình trạng bạo hành trong gia đình chị V. mới chấm dứt.
Trên thực tế, bạo lực trên cơ sở giới được thể hiện ở nhiều hình thức, như bạo lực gia đình; tình trạng tảo hôn, ép hôn; buôn bán người; lạm dụng tình dục trẻ em; quấy rối tình dục; nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi… Mặc dù cả nam giới và trẻ em trai cùng bị ảnh hưởng, nhưng phụ nữ và trẻ em gái thường phải chịu tác động nặng nề hơn do bạo lực trên cơ sở giới gây ra. Theo số liệu thống kê, bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có xu hướng giảm, nếu như năm 2018 xảy ra 734 vụ thì năm 2020 giảm còn 166 vụ.
Tuy nhiên, nạn nhân trong các vụ bạo lực gia đình tập trung ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 59 có tỉ lệ cao, chiếm 87,9% và khoảng 70% các vụ việc vợ chồng ly hôn, ly thân có nguyên nhân bắt nguồn từ bạo lực gia đình. Tình trạng bạo hành giới, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ nạo phá thai lựa chọn giới tính thai nhi, việc phá thai ở trẻ em gái và tuổi vị thành niên diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Trị, tỉ số giới tính khi sinh năm 2020 là 110,1 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Trong thời gian tới, nếu không có giải pháp tích cực, quyết liệt thì khả năng chênh lệch tỉ lệ nam/nữ khi sinh lại tăng cao hơn. Một trong những vấn đề đáng quan tâm đối với tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay đó là vấn đề kết hôn sớm của trẻ em, đặc biệt tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông với con số hằng năm khoảng trên 500 trường hợp.
Thực hiện bình đẳng giới chính là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tại Quảng Trị, với 7 mục tiêu và 30 chỉ tiêu cùng các nhóm giải pháp cụ thể được triển khai đồng bộ, các chỉ tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Để phòng ngừa, ứng phó với tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, những kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em và kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại cho trẻ em. Đồng thời, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo và tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, can thiệp hỗ trợ kịp thời các trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong việc phát hiện, hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Trẻ em. Lồng ghép công tác gia đình, trẻ em với các hoạt động của công tác bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống và công tác cán bộ nữ. Tuyên truyền công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, đặc biệt là vấn đề phòng ngừa tảo hôn, bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái trên các phương tiện truyền thông. Nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới và cán bộ pháp chế các cơ quan.
Chấm dứt bạo lực để vun đắp yêu thương là một trong những câu khẩu hiệu của các “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” được phát động hằng năm trên phạm vi toàn quốc. Đây là một trong những việc làm cần thiết để góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bởi bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của phụ nữ và trẻ em mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để làm được điều này, chúng ta phải ngăn chặn bạo lực trong gia đình, tại trường học, nơi công cộng và nơi làm việc trước khi xảy ra; thay đổi những định kiến về giới, để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trở thành những tác nhân thay đổi trong nhận thức về bình đẳng giới. Lồng ghép hiệu quả công tác bình đẳng giới với các chương trình mục tiêu khác, đưa nội dung của công tác phòng chống bạo lực gia đình vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đơn vị, địa phương. Thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới ở các cấp, các ngành và trong các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh và khuyến khích hơn nữa nam giới tham gia vào công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về việc thực hiện hoạt động bình đẳng giới, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.