Chấm dứt nhồi cao ốc bức tử giao thông
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT, một số đại biểu nêu thực trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Trong nhiều vấn đề chất vấn người đứng đầu Bộ GTVT, đây là nội dung được rất nhiều người quan tâm.
Thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn đã được nhắc đến rất nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Riêng tại TP.HCM, ước tính cho thấy thành phố thiệt hại 6 tỷ USD mỗi năm vì vấn nạn ùn tắc.
Trong phần trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nêu ra khá nhiều giải pháp, trong đó đáng chú ý là việc kiểm soát thật chặt quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số.
Và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ không thể hết ùn tắc khi vùng lõi vẫn mọc lên chung cư cao tầng, khu đô thị.
Quả thực đúng như vậy, chỉ cần nhìn vào thực tế tại Hà Nội thôi cũng có thể thấy rất rõ điều này.
Đơn cử như đường Kim Ngưu đoạn giao cắt với đường Minh Khai, chỉ trong phạm vi khoảng 100m, có tới 6 tòa tháp thuộc 3 khu chung cư.
Còn tại đường Minh Khai đoạn từ cầu Mai Động đến chân cầu Vĩnh Tuy, hàng chục tòa chung cư nằm ngay sát trục đường chính với mật độ rất cao.
Hay như đường Lê Văn Lương nằm trên hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy, chỉ dài 2km nhưng hai bên đường có khoảng 30 tòa nhà cao tầng, là các chung cư, văn phòng và trung tâm thương mại.
Trước năm 2008, hai bên đường phần lớn là đất ruộng. Và hệ quả là như chúng ta đã thấy, dù một hầm chui được xây dựng nhưng cũng không giúp thoát khỏi cảnh ùn tắc vào nhiều thời điểm trên tuyến đường này.
Và để giải bài toán ùn tắc tại các đô thị lớn, ngoài những giải pháp khác như phát triển vận tải khách công cộng, hạn chế xe cá nhân thì việc rất quan trọng là cần quản lý, kiểm soát thật chặt quy hoạch đô thị.
Bởi nếu cứ để các tòa nhà cao tầng tiếp tục mọc lên trong nội đô mà chưa có tàu điện ngầm, tàu điện trên cao hay buýt nhanh liên tuyến, thì dù có làm thêm bao nhiêu tuyến đường đi nữa vẫn sẽ không tránh khỏi ùn tắc.
Để làm được việc này thì cần phải có những quy định rõ ràng, gắn trách nhiệm cụ thể, không thể chung chung.
Chẳng hạn như để xảy ra việc ùn tắc, quá tải trên những tuyến đường như Lê Văn Lương do cho phép xây quá nhiều tòa nhà cao tầng, đến nay chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, để xảy ra tình trạng ùn tắc tại nhiều tuyến đường hiện nay một phần do người thiết kế chủ yếu lấy theo quy chuẩn thiết kế giao thông, đường chính đô thị, đường liên khu vực, đường khu vực… áp dụng chung cho tất cả các đồ án quy hoạch chung.
Điều này gây ra sự bất cập trong quá trình phát triển giữa các đô thị có quy mô dân số khác biệt lớn.
Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống, giao thông, trước khi cấp phép các dự án nhà cao tầng cần đánh giá tác động giao thông thật nghiêm túc, khoa học.
Ngoài ra, xây dựng nhà cao tầng ở đâu, khu vực nào, xây dựng thời gian nào cần phải được tính toán cụ thể và tuân thủ theo quy hoạch chung được duyệt, để không gây quá tải lên hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông.
TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cham-dut-nhoi-cao-oc-buc-tu-giao-thong-d593652.html