Chấm dứt ra công văn làm khó doanh nghiệp

Phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra 8 nhóm nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, người đứng đầu Quốc hội yêu cầu: 'kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, giấy phép con, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi'; và 'chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật'.

Hai vấn đề trên người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm bởi họ chịu ảnh hưởng lớn và trực tiếp. Chẳng hạn gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng công văn - một loại văn bản hành chính - lại chứa quy phạm pháp luật, khi áp dụng còn "cao hơn" cả thông tư, nghị định. Về mặt pháp lý, doanh nghiệp chỉ thực hiện theo văn bản pháp quy là luật, nghị định và thông tư. Tuy nhiên, khi có công văn của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng phải thực hiện. Trong một số trường hợp, công văn chứa đựng nội dung khác biệt với các văn bản pháp quy, gây ra hệ lụy lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và làm khó người dân. Chẳng vậy mà doanh nghiệp thường chia sẻ rằng đôi khi họ “sợ” công văn hơn cả luật!

Hoặc Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng chỉ ra những dẫn chứng cho thấy việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn của một số bộ, ngành còn bất cập, đặt ra các tiêu chuẩn quá cao - nên không khả thi. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa rõ giúp ích gì cho quản lý nhà nước nhưng có nguy cơ làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Ví dụ dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe (phiên bản tháng 8.2022); tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng với trung tâm dữ liệu… Thời sự hơn là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, mà doanh nghiệp phản ánh là đặt ra yêu cầu “quá cao”, khó tuân thủ và làm đội chi phí.

Có nhiều việc phải làm để không còn tình trạng “giấy phép con núp bóng thông tư” và “công văn làm điêu đứng doanh nghiệp”. Một mặt, cần tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật gắn với theo dõi, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế lâu nay, việc xử lý trách nhiệm của các chủ thể ban hành văn bản chưa thực sự nghiêm túc, triệt để nên chưa đủ sức răn đe.

Mặt khác, doanh nghiệp, người dân cũng phải "vào cuộc". Khi gặp những công văn chứa đựng quy phạm pháp luật, hoặc thông tư “cài cắm” thủ tục, giấy phép…, doanh nghiệp, người dân có thể gửi đơn kiến nghị đến Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật để đề nghị kiểm tra.

Và dài hạn hơn, căn cơ hơn, những giải pháp "mạnh" hơn cũng cần được nghiên cứu ngay từ bây giờ. Ví dụ, cho phép doanh nghiệp khởi kiện những quy định bất hợp lý, hoặc quy định ban hành không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục ra tòa án hành chính. Có như vậy, vấn nạn lạm dụng giấy phép, lạm dụng quy định hành chính mới có thể ngăn ngừa triệt để.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/cham-dut-ra-cong-van-lam-kho-doanh-nghiep-i342311/