Chạm hồn rối - Nối di sản
Rối nước - nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, đang nỗ lực đến gần công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, qua những vở diễn mới, hoạt động trải nghiệm hấp dẫn.
Chinh phục khán giả với “đôi tay biết nói”
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống lâu đời, gắn liền với nền văn minh lúa nước của Việt Nam. Ra đời từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, múa rối không đơn thuần là giải trí mà còn phản ánh sâu sắc đời sống, văn hóa và tín ngưỡng của người Việt xưa. Các tích trò thường tái hiện sinh hoạt đời thường, những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, sử thi hay các màn trình diễn mang tính biểu tượng, thể hiện rõ bản sắc văn hóa vùng miền.

Chương trình nghệ thuật "Khúc đồng dao". Ảnh: Nhà hát Múa rối Việt Nam
Qua thời gian dài, những con rối gỗ được chạm khắc tinh xảo và sơn vẽ rực rỡ vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn. Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, so với các loại hình sân khấu khác, múa rối có nhiều hạn chế: nhân vật là con rối, không có biểu cảm khuôn mặt hay cử chỉ linh hoạt, nên khó truyền tải cảm xúc đến khán giả. Để biến một vật vô tri thành một nhân vật có hồn, nghệ sĩ cần kỹ năng điêu luyện và sự cảm thụ sâu sắc.
Tất cả những điều đó đều phụ thuộc vào đôi tay điều khiển của nghệ sĩ. Nhưng để có những diễn viên múa rối sở hữu "đôi tay biết nói" là điều vô cùng khó khăn. NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết, có những nhân vật cần sự phối hợp nhịp nhàng của 5 nghệ sĩ. Mỗi chuyển động, từ nhấc tay, xoay mình đến di chuyển, đều phải đạt được sự đồng bộ tuyệt đối. Dù một vở diễn chỉ kéo dài vài chục phút, các nghệ nhân phải dành 2 - 3 tháng cùng nhau luyện tập, rèn giũa từng động tác sao cho thật ăn khớp và nhuần nhuyễn.
Những con rối trên mặt nước nhảy múa đầy sức sống và duyên dáng, thu hút mọi ánh nhìn. Thế nhưng, ít ai hiểu được rằng, đằng sau mỗi màn trình diễn cuốn hút ấy là cả một quá trình cống hiến và những hy sinh thầm lặng của nghệ sĩ. NSƯT Nguyễn Lan Hương, diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam, chia sẻ: "Vốn chân yếu tay mềm, nghệ sĩ nữ không thể đảm nhiệm các nhân vật rối nặng như nam giới, nhưng so với sức nữ, vẫn là nặng, đặc biệt là khó di chuyển dưới nước trong bộ quần áo cao su. Dù trời đông lạnh buốt hay hè nóng nực, việc phải ngâm mình trong nước hàng giờ, đối mặt với sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài cơ thể là chuyện thường ngày".
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả những khó khăn ấy là niềm hạnh phúc lớn lao khi khán giả vẫn đến với múa rối. Đây chính là động lực để các nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, giữ lửa cho niềm đam mê và bảo đảm rằng nghệ thuật múa rối nước sẽ không bị mai một trong tương lai.
Nỗ lực thu hút khán giả trẻ
NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết, các nghệ sĩ múa rối luôn khao khát lan tỏa loại hình nghệ thuật này, đặc biệt là đến thế hệ trẻ. Bởi lẽ, sự đồng hành của thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ di sản văn hóa dân tộc. Nhiều vở diễn mới dựa trên các tích xưa được xây dựng, kết hợp độc đáo giữa hình thức rối nước và rối cạn, như: "Hoàng Thành Thăng Long", "Trung thu cổ tích", "Khúc đồng dao"... Việc duy trì các buổi biểu diễn thường kỳ và tạo ra không gian nghệ thuật truyền thống gần gũi, hấp dẫn cũng là yếu tố quan trọng để thu hút khán giả trẻ.

Làm mới để đưa nghệ thuật múa rối nước đến với giới trẻ. Ảnh: Nhà của Tễu
Để thổi làn gió mới vào nghệ thuật truyền thống và khơi dậy tình yêu văn hóa trong thế hệ trẻ, nhiều dự án và hoạt động đã được triển khai. Trong đó, dự án “Chạm hồn rối - Nối Z sản” do Nhà hát Múa rối Việt Nam phối hợp cùng sinh viên Học viện Ngoại giao thực hiện. Dự án này không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà còn tái hiện những giá trị văn hóa theo cách sáng tạo, hiện đại, giúp múa rối đến gần hơn với Gen Z giữa nhịp sống đương đại.
Dự án đã phát động thử thách lồng tiếng “Zối cất lời”, tạo cơ hội để người trẻ kết nối với di sản theo cách riêng: lồng tiếng cho vở rối “Thân phận nàng Kiều” thể hiện cảm xúc, tâm lý nhân vật qua từng câu thoại, và sáng tạo lời thoại mới, mang lại hơi thở hiện đại nhưng vẫn giữ vững giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm được triển khai tại các trường học, nơi khán giả trẻ có thể thử tài với trò chơi ghi nhớ tên con rối, sáng tạo tô màu hình rối, tìm hiểu thêm về nghệ thuật múa rối và khám phá những sản phẩm độc đáo lấy cảm hứng từ nghệ thuật này.
Nhiều đơn vị nghệ thuật múa rối đã xây dựng các vở diễn mới, các hoạt động giới thiệu múa rối đến khán giả trẻ. Mới đây, tại Đường Sách thành phố Hồ Chí Minh, nhóm Nhà của Tễu gồm các bạn trẻ Gen Z với tình yêu đặc biệt và nỗ lực quảng bá nghệ thuật truyền thống đã tổ chức workshop “Kết nối, Kết rối”. Đây là không gian mở để trải nghiệm và khám phá nghệ thuật múa rối nước, từ việc tìm hiểu nguồn gốc, sự phát triển của rối nước đến tự tay chế tác và trang trí rối gỗ, đồng thời lắng nghe câu chuyện từ những người đang gìn giữ nghệ thuật này.
Chương trình nghệ thuật "Róc ra Róc rách" cũng được Nhà của Tễu và Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam thực hiện, những con rối sống động tái hiện câu chuyện quen thuộc trên nền âm nhạc hiện đại và hiệu ứng ánh sáng, nhằm mang lại trải nghiệm đặc sắc về nghệ thuật múa rối nước. Triển lãm infographic về múa rối nước đem đến cái nhìn toàn diện về lịch sử, sự phát triển và những nét đặc trưng của nghệ thuật múa rối nước, thông qua hình ảnh, tư liệu, hiện vật và hoạt động biểu diễn của các nghệ nhân…
Những chương trình, hoạt động như thế hướng đến tạo ra không gian nghệ thuật đậm chất sáng tạo, để giới trẻ khám phá và cảm nhận nghệ thuật múa rối nước theo cách mới, hiểu hơn về một phần giá trị văn hóa đặc sắc Việt Nam.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cham-hon-roi-noi-di-san-10373455.html