Chậm in sách giáo khoa, dự kiến học sinh lớp 4,8,11 phải dùng 'sách' PDF

Đã sắp hết năm học 2022-2023 nhưng có tới 26/63 tỉnh, thành chưa chọn xong sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 cho năm học mới. Nhà xuất bản Giáo dục chưa chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ in sách.

Dư luận đang lo ngại tình trạng chậm tiến độ sách giáo khoa khi năm học 2023-2024 đang đến gần (Ảnh minh họa).

Dư luận đang lo ngại tình trạng chậm tiến độ sách giáo khoa khi năm học 2023-2024 đang đến gần (Ảnh minh họa).

Băn khoăn phương án học bằng "sách" PDF (?)

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh lo ngại về vấn đề chậm có sách giáo khoa của các lớp 4, 8 và 11 cho năm học 2023-2024 (những lớp năm nay thay sách giáo khoa mới).

Chị Nguyễn Minh Anh (phụ huynh có hai con đang chuẩn bị bước vào lớp 4 và lớp 8, Hà Nội) cho biết, hiện năm học 2022-2023 sắp kết thúc, chuẩn bị bước sang năm học 2023-2024 nhưng chưa thấy nhà trường thông báo về việc mua sách giáo khoa mới.

"Năm nay các lớp 4, 8, 11 lần đầu thay sách giáo khoa mới, tôi nghe nói việc in ấn bị chậm, khả năng phải học sách PDF nên cảm thấy rất băn khoăn", chị Minh Anh chia sẻ.

Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Văn Tuấn (phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp 11, Nam Định) cho biết, thời điểm này hàng năm là đã có sách giáo khoa năm sau để phục vụ các con học hè, nghiên cứu, tham khảo trước. Năm nay chưa có khiến cho nhiều phụ huynh và học sinh ít nhiều bị bị động.

"Gần đây, chúng tôi đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy các bài viết phản ánh nỗi lo thiếu sách giáo khoa năm học 2023 – 2024, khả năng học sinh phải học bằng "sách" PDF... thì cảm thấy rất lo lắng, không biết tình trạng này bao giờ sẽ được giải quyết?", anh Tuấn nêu vấn đề.

Sở dĩ có dư luận như trên là bởi, trước đó, trong thông báo kết luận buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn với Nhà xuất bản Giáo dục ngày 12/4/2023 có đoạn: “Cân nhắc thời điểm đăng tải sách giáo khoa PDF trong trường hợp sách giáo khoa chậm tiến độ, công bố rộng rãi để xã hội biết và đảm bảo người dùng dễ tiếp cận và dễ sử dụng”.

Giải thích câu chuyện này, tại buổi làm việc chiều 10/5 của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Bộ GD&ĐT về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm 2023-2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện đã có 37/63 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội, TP.HCM) chọn xong sách giáo khoa lớp 4, 8, 11. Còn tới 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định lựa chọn.

Về phía Bộ Tài chính, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, đến ngày 15/5, Bộ Tài chính sẽ rà soát xong giá của tất cả sách giáo khoa để có cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản công bố đầu sách để địa phương thống kê, lựa chọn và các đơn vị in chủ động đáp ứng số lượng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính thông báo rộng rãi về tiến độ in sách, kết quả rà soát giá sách để 26 địa phương còn lại kịp thời chọn, đăng ký mua sách giáo khoa lớp 4, 8, 11.

Khó phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 kịp tiến độ

Trước các băn khoăn này của phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 của Nhà xuất bản Giáo dục dự kiến phát hành ngày 15/6/2023.

Tuy nhiên, nhà xuất bản đang gặp khó khăn trong việc in và phát hành do còn nhiều địa phương chưa công bố danh mục lựa chọn sách, chưa có số lượng đăng ký sách cần cung ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT (các địa phương phải hoàn thành lựa chọn sách lớp 4, 8, 11 chương trình giáo dục phổ thông mới trước 4 tháng bắt đầu năm học mới 2023 - 2024).

"Thực tế này gây khó khăn rất lớn đối với các nhà xuất bản, cả về số lượng, thời điểm và phương thức triển khai công tác in, làm sao vừa đảm bảo yêu cầu của Bộ GD&ĐT về cung ứng sách giáo khoa phục vụ năm học mới, vừa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác in và phát hành”, ông Tùng nói.

Phó Thủ tướng: Không để hiện tượng khan hiếm, thiếu sách giáo khoa

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 176/TB-VPCP ngày 15/5/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa cho năm học mới.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm đầy đủ sách giáo khoa, không để hiện tượng khan hiếm, thiếu sách giáo khoa cho năm học mới 2023 – 2024.

Bộ GD&ĐT cần kịp thời thông tin về tiến độ in, phát hành sách giáo khoa các lớp để nhân dân yên tâm, tạo sự đồng thuận xã hội.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, thông tin về kết quả kê khai giá sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới để các địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu mua sách giáo khoa bảo đảm kịp thời.

"Học bằng "sách" PDF chỉ là giải pháp tình thế"

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhận định, việc thiếu sách giáo khoa phải dùng bản in PDF chỉ nên coi là giải pháp tình thế chứ không phải giải pháp mang tính chất căn cơ.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT

Theo vị chuyên gia giáo dục, phương tiện để học hiện nay là sách giáo khoa in và học trực tiếp, còn nếu học trực tuyến thì có bản PDF. Tuy nhiên, cần xem các trường đã có đủ điều kiện để học trực tuyến hay chưa.

"Cho nên, bức tranh tổng thể về sách giáo khoa tôi thấy vẫn còn rất ngổn ngang, chưa đi vào ổn định. Điều tôi lăn tăn nhất là chưa đủ độ chín để cố định một bộ sách. Thêm vào đó, đội ngũ thầy cô giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa thế nào cũng là vấn đề cần quan tâm”, TS Lê Viết Khuyến nói.

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cham-in-sach-giao-khoa-du-kien-hoc-sinh-lop-4811-phai-dung-sach-pdf-post321452.html