Chậm lập quy hoạch là do quy trình, thủ tục phức tạp

Hà Nội, TP.HCM hiện nay chưa hoàn thành quy hoạch do còn gặp nhiều vướng mắc.

Ngày 20-4, Chính phủ tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá QHTTQG được Quốc hội thông qua là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ “tư duy mới - tầm nhìn mới - cơ hội mới - giá trị mới”.

Quy hoạch để đất nước thịnh vượng, dân ngày càng ấm no, hạnh phúc

Theo QHTTQG, Việt Nam phát triển sáu vùng kinh tế - xã hội và động lực, hành lang kinh tế. Cụ thể đó là các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL. Mỗi vùng có một mục tiêu và sứ mệnh riêng.

QHTTQG cũng xác định bốn vùng động lực quốc gia gồm: Vùng động lực phía Bắc, vùng động lực phía Nam, vùng động lực miền Trung và vùng động lực ĐBSCL với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030 gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và hai hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, QHTTQG lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta là quy hoạch vừa mang tính tổng thể vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu sau khi các quy hoạch được phê duyệt, phải có các dự án, đề án cụ thể, bố trí nguồn lực để thực hiện, mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được.

Qua đó, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng. Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng yêu cầu các cấp nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ về QHTTQG, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việc làm quy hoạch đã khó nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền.

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu được xây dựng ở nước ta là quy hoạch vừa mang tính tổng thể vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ảnh: VIỆT BẮC

Quy hoạch tổng thể quốc gia lần đầu được xây dựng ở nước ta là quy hoạch vừa mang tính tổng thể vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ảnh: VIỆT BẮC

Trình tự thủ tục còn nhiều vướng mắc

Ngay sau đó, tại Hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Tại đây, các bộ và địa phương nêu nhiều ý kiến về các vướng mắc trong việc lập quy hoạch để thực hiện QHTTQG. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là hai TP lớn, quan trọng nhưng chưa hoàn thành dự thảo quy hoạch chung của tỉnh để trình Thủ tướng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho hay từ năm 2019, Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định 36 quy hoạch chung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và góp ý cho hàng trăm quy hoạch chung đô thị thuộc thẩm quyền địa phương. Trong quá trình này, Bộ Xây dựng thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đồng thời hai quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng đô thị.

Cùng với đó là nhiều vướng mắc trong trình tự thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan khi thẩm định hợp phần quy hoạch cũng như nguồn lực để thẩm định quy hoạch.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thừa nhận Hà Nội đang chậm hoàn thành việc lập các quy hoạch vì địa phương còn rất lúng túng trong câu chuyện nguồn lực.

“Việc làm quy hoạch đầu tư công quá lâu nhưng nếu làm nguồn vốn sự nghiệp thì không lại được phép. Ngay như Hà Nội cũng lúng túng mất 6-7 tháng về vấn đề nguồn. Đợt này chúng tôi phấn đấu quyết tâm tháng 10 sẽ xong” - ông Thanh cho hay.

Bên cạnh đó, hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập quy hoạch có sáu luật gồm: Luật Quy hoạch 2017, Luật Đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách. “Khái niệm nội hàm, định nghĩa trong các luật này khác nhau. Luật Dự án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch… rất lủng củng. Quy trình, thủ tục quá dài” - ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho rằng áp dụng Luật Đầu tư công trong thực hiện quy hoạch có vướng mắc. Theo luật, sau khi Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thì đấu thầu để lựa chọn nhà tư vấn mất vài tháng. Cả nước chỉ có một vài đơn vị đủ khả năng tư vấn, trong khi đồng loạt 63 tỉnh, thành làm quy hoạch nên khối lượng công việc rất lớn và một chuyên gia chỉ được tư vấn một số dự án nhất định.

“Mong Thủ tướng và Chính phủ ra nghị quyết sửa một số điều để thời gian triển khai rút ngắn lại” - ông Thanh kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng đồng tình: “TP thấy là quy trình đấu thầu phức tạp, tư vấn ít nhưng nhu cầu nhiều. Đặc biệt đối với TP.HCM, yêu cầu và nguyện vọng rất cao nhưng nguồn lực của ngân sách có hạn và muốn được có quy hoạch tốt thì TP cần có nguồn lực của bên ngoài, tức là xã hội hóa”.

Theo ông Hoan, TP cũng có nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp muốn đóng góp công sức của mình cho quy hoạch TP nhưng với quy định về tiếp nhận những nguồn tài trợ trong công tác quy hoạch thì đang gặp khó khăn nên TP không thể nào kêu gọi và sử dụng nguồn lực này.

Lắng nghe các vướng mắc trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương. Trong đó ưu tiên hơn với Hà Nội và TP.HCM vì đây là hai địa phương có khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp để giải quyết các vấn đề ách tắc trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác quy hoạch nói riêng.•

Hình thành các hành lang kinh tế trong tương lai

QHTTQG cũng xác định từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế trong dài hạn. Cụ thể là hành lang kinh tế theo đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; sáu hành lang kinh tế Đông - Tây (Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Cầu Treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau).

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cham-lap-quy-hoach-la-do-quy-trinh-thu-tuc-phuc-tap-post729759.html